Đề xuất làm cao tốc 12.500 tỷ đồng qua 3 tỉnh Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình

Đề xuất làm cao tốc 12.500 tỷ đồng qua 3 tỉnh Nam Định – Ninh Bình – Thái Bình

UBND tỉnh Thái Bình vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đoạn tuyến qua tỉnh Thái Bình vào dự án cao tốc qua 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Theo đó, tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (dài 160 km) nằm trong tổng thể Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, đoạn tuyến cao tốc qua Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, và 9km thuộc tỉnh Thái Bình (phía tiếp giáp với thành phố Hải Phòng) đã và đang triển khai xây dựng.

3 tỉnh Nam Định- Ninh Bình- Thái Bình kiến nghị làm cao tốc 12.500 tỷ đồng

Ngày 14/12/2016, hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Ngày 19/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc đồng ý giao tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai đoạn Ninh Bình đến Nam Định thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình -Hải Phòng – Quảng Ninh theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017 – 2021.

Đại diện tỉnh Thái Bình cho rằng, như vậy, đoạn còn lại qua tỉnh Thái Bình khoảng trên 30km chưa được đầu tư xây dựng.

Tháng 4/2017, 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có cuộc họp và thống nhất cần thiết phải xây dựng tuyến đường cac tốc qua 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình với chiều dài khoảng trên 80km, giai đoạn 1 theo quy mô đường cấp II đồng bằng để kết nối với đường cao tốc qua Hải Phòng, Quảng Ninh.

“Tỉnh Thái Bình kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phép UBND tỉnh Nam Định chủ trì triển khai nghiên cứu bổ sung đoạn tuyến qua tỉnh Thái Bình thành Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình –Nam Định – Thái Bình theo hình thức PPP”, đại diện tỉnh Thái Bình đề xuất.

Theo đó, tổng chiều dài tuyến cao tốc này là 80km, nhưng giai đoạn 1 chỉ đầu tư tương đương đường cấp 2 đồng bằng. Tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 8.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác là 1.500 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-20121, hoàn vốn trong khoảng 25 năm.


TOP