Ở Hà Nội, cứ khi nghe thấy tiếng ve kêu râm ran trên các hàng cây, khi nắng nóng oi bức ùa đến, mọi người lại rủ nhau giải khát bằng những bát tào phớ trắng mượt, mát mẻ, nhẹ nhàng.
“Ai tào phớ đây, ai tào phớ không?”, tiếng rao rõ mồn một vang khắp cả con hẻm nhỏ đã trở thành “huyền thoại”, thành kỉ niệm của không biết bao nhiêu thế hệ. Đến bây giờ tiếng rao ấy thi thoảng xuất hiện vẫn khiến cho bao người phải nao nao nhớ thương.
Mặc dù tào phớ xuất hiện khắp các ngõ hẻm, con phố Hà Nội với những biến thể chỉ nghe thôi là thèm như tào phớ dâu tằm, tào phớ thạch găng, tào phớ hạt sen… thế nhưng để giải nhiệt ngày hè oi bức không thể bỏ qua bát tào phớ đậu xanh nổi tiếng ở Bạch Mai với 20 năm đáp ứng đầy đủ tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
Đến con ngõ 105, phố Bạch Mai và hỏi thăm hàng tào phớ đậu xanh, chắc chắn ai cũng sẽ mách ngay cho bạn cửa tiệm nổi tiếng nằm đúng khúc cua của ngõ. Nói là cửa tiệm cho sang miệng vậy thôi, thực chất quán tào phớ này chỉ là gánh hàng rong nhỏ với 6-7 nồi cùng 5-7 ghế nhựa ngồi ngay khúc của của khu chợ.
Cảm nhận đầu tiên khi tới quán là cô chủ quán khá dễ chịu và xởi lởi, chân chất, thân thiện. Nhiều khi đông khách làm không kịp tay, những khách quen lại giúp cô làm các việc vặt đơn giản như trả lại tiền thừa, đóng nắp cốc, tráng bát… Thậm chí, ai thích ăn gì, “order” thêm, cô đều chiều lòng khách mà chẳng so đo, tính toán thiệt hơn hay khó chịu ra mặt trong từng bát phớ.
Nhiều người bảo tào phớ ở đây ngon lắm, không chỉ ngon mà còn đáp ứng thêm tiêu chí “bổ – rẻ” của đại đa số mọi người. Chính bởi vậy, những ai thích sự bình dân, xuề xòa có thể đến Bạch Mai để thưởng thức bát tào phớ đậu xanh vừa rẻ vừa ngon có tuổi đời 20 năm ở đây.
Thế nhưng, mọi người cũng nên lưu ý, gánh hàng tào phớ này chỉ bán tầm 5h30 đến 12h là nghỉ. Vào những hôm nắng nóng oi bức, 7-8 nồi hàng lên tới gần tạ phớ “hết bay” chỉ mới 10h trưa nên để thưởng thức được bát tào phớ trứ danh ở đây, điều đầu tiên cần thực hiện đó là “phải dậy sớm”.
Ở đây có bán đầy đủ các loại tào phớ như tào phớ nước đường, tào phớ đỗ đen, tào phớ đậu xanh,… tuy nhiên bát tào phớ được nhiều người nhắc tới và nức lời khen ngợi lại là tào phớ đậu xanh. Và chỉ cần cầm 5 nghìn trên tay, bạn cũng có thể thưởng thức một trong tất cả những loại tào phớ ở đây với đầy đủ trân châu, thạch đến no căng bụng.Nói chung, một bát tào phớ ở đây to ú ụ với đầy đủ thạch, trân châu, phớ, nước đường, đậu xanh được mix với nhau trong một chiếc bát sành màu xanh khá bắt mắt.
Tào phớ đậu xanh ở đây không ngọt lừ, không đặc quánh nhưng sanh sánh và bùi lắm. Thậm chí, đến những viên trân châu bé xíu cũng ngon khác thường, không chỉ mềm dẻo, dai dai, mà nhân dừa cũng sần sật, ngầy ngậy đến “đã miệng”.Không cần cho đá, bạn cũng có thể thưởng thức một bát tào phớ đậu xanh thơm ngon mà không hề bị ngán bởi đậu xanh được nấu nhuyễn, vị dịu không quá ngọt ăn cùng với tào phớ truyền thống vừa lạ mà vừa quen. Vị thanh mát của đậu xanh hòa với sự mềm mướt của tào phớ như tan ngay trong miệng, béo mát thêm sự dai giòn của trân châu thì còn gì ngon bằng.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa chè và phớ hoà quyện với nhau, tạo nên hương vị khó quên, vừa thơm ngon, ngọt mát của phớ vừa ngậy bùi dư vị của chè truyền thống tạo thành một bát chè phớ hoàn hảo đến từng thìa, hoà tan trong miệng làm những thực khách khó tính mấy cũng phải gật gù khen ngon.
Có lẽ với những ai đến con ngõ 105 Bạch Mai thưởng thức tào phớ không chỉ yêu thích món ăn ở đây mà còn yêu quý cả cô chủ quán. Sự thân thiện, nhiệt tình, nụ cười chân chất thôn quê của cô khiến cho mọi người cảm nhận được sự gần gũi, ấm tình thân. Đặc biệt, thực khách nào cũng được cô chiều lòng từ khi đến quán đến khi ra về.
Được biết, cô chủ quán thân thiện này tên là Đoàn Thị Thảo (50 tuổi, Nam Định), bán tào phớ ở Hà Nội đến nay đã ngót nghét 21 năm. Nói về gánh hàng của mình, cô Thảo vừa thoăn thoắt đôi tay múc tào phớ vừa cho biết: “Quán của tôi mở từ năm 1997. Tôi là người Nam Định có nghề lâu rồi nên lên đây bán. Ở quê tôi có nghề tào phớ với làm phở gia truyền, cả làng đi làm phở có mỗi mình tôi đi bán tào phớ. Làm phở còn nhanh giàu chứ bán tào phớ 20 năm bây giờ vẫn thế chỉ nuôi được 2 con học thạc sĩ”. Chia sẻ đến đây, cô Thảo cười tươi rói, ánh mắt cô sáng lên niềm tự hào về các con. Mặc dù làm nghề lao động chân tay, 20 năm vẫn chỉ là gánh hàng rong bán tào phớ mưu sinh ở góc chợ thân quen này nhưng cô có tài sản giá trị nhất đó là các con.Nhiều người quen ngồi ăn vẫn hay trêu cô bán tào phớ mua được nhà Hà Nội nhưng cô lại cười thanh minh đó là nhà do con trai đi làm mua, còn tiền bán tào phớ của cô mỗi ngày cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Cô Thảo kể, cô lên Hà Nội bán tào phớ khi con trai mới được 4 tuổi. Các con cô học hành ở quê với bà nội còn cô một mình nhọc nhằn mưu sinh nuôi các con. Hiểu được sự vất vả của mẹ nên suốt 12 năm học, cả 2 người con của cô đều nhận được giấy khen, thi đỗ đại học, ra trường có công ăn việc làm ổn định.
“Con trai tôi học Đại học Giao thông còn cô chị học Đại học Kinh tế Quốc Dân. Hai đứa đi học đại học lấy hết tiền về mà mẹ không mất một đồng nào. Đến giờ, cả 2 đứa đều học xong cả thạc sĩ và lập gia đình rồi nên mai sau tôi nghỉ gánh tào phớ không ai nối nghề”, cô Thảo nở nụ cười chia sẻ.
Mặc dù đã lo cho các con ổn định nhưng cô Thảo vẫn không từ bỏ gánh tào phớ của mình. Cô bảo cô thích đi bán phớ nên dù đã có cháu cô vẫn không bỏ gánh hàng. Đặc biệt, dù các con đã nuôi được mẹ nhưng cô vẫn tự lo liệu tất cả đến khi “tay buông mới xuôi” mà không “nghỉ hưu sớm”.Mỗi ngày cô lại dậy từ 4h sáng làm hàng nấu 5-6 nồi tào phớ gánh ra chợ bán. Rồi 12h trưa khi hết hàng lại quang gánh trở về nhà nghỉ ngơi.
“Ngày xưa tôi bán chỉ 500 đồng/bát phớ nước đường không vì hồi đó đường rẻ có 10 nghìn/3kg. Bây giờ đường lên 20 nghìn/kg nên giá cũng tăng hơn. Hồi đó đắt hàng hơn bây giờ ngày bán 4-5 nồi phớ, mỗi nồi tầm 10kg. Bây giờ nắng lên tôi cũng làm tới 8 nồi để đảm bảo nhu cầu của mọi người.
Để làm tào phớ đậu xanh ngon vừa miệng, lượng đường cho vào đủ để không ngọt quá, tạo mùi thơm, thanh mát và linh khoảng 15-20 phút cho nhừ”, cô Thảo chia sẻ.
Đối với cô, niềm vui mỗi ngày là mang đến món ăn ngon cho mọi người và nhận được sự hài lòng của thực khách. Công việc buôn bán đôi khi vất vả, mệt nhọc, thức khuya dậy sớm nhưng được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người tại gánh hàng rong của mình mang lại niềm vui tuổi già, để cô thấy cuộc sống ý nghĩa, có ích hơn.Theo Hồng Nhung – Trung Đức (Khám phá)
- Mãn nhãn với hang đá rực rỡ trong đêm tại Nam Định
- Kẹo Sìu Châu – Văn Hóa Ẩm Thực Việt
- Giao Thủy: Lạ lùng bé 1 tuổi cứ cất tiếng khóc như tiếng mèo kêu
- Đền Thánh Ninh Cường – Nam Định 2013
- Trang phục denim phủ sóng street style của mỹ nhân Việt tuần qua
- Tìm hiểu món bún chả Nam Định – Món ăn phục vụ người dân Thành Nam từ thế kỷ XIX đến nay.
- Bí ẩn khó giải về mộ phần Hưng Đạo Vương
- Ngồi hút thuốc uống trà, suýt chết vì ô tô mất lái phi vào nhà
- Vụ đâm bạn nhậu tử vong ở Nam Định: “Chú cháu anh ấy thân nhau lắm”
- Cột điện đổ hàng loạt tại Nam Định: Chẳng ai nhận trách nhiệm?!
- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cảnh báo Nam Định tình trạng “thừa nam – thiếu nữ”
- Vụ án mạng tại Nam Định: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
- ‘Nam Định là đất học mà khởi nghiệp ít quá!’
- Hoa gạo Thành Nam
- Tai nạn rình rập tại 271 đường ngang dân sinh ở Nam Định
- Nam Định: Bắt đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy
- Quê nhà tiếc thương, chuẩn bị lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang
- Vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ Nam Định
- Nam Định: ‘Nữ quái’ làm giả sổ đỏ chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân
- Nhớ mẹ, bé trai đạp xe hơn 100km từ Nam Định lên Hà Nội tìm mẹ
- Phở gia truyền Nam Định
- Nam Định: Cá chết nổi trắng một góc hồ Truyền Thống