Sở Xây dựng Nam Định: Các biện pháp thúc đẩy thi đua

Sở Xây dựng Nam Định: Các biện pháp thúc đẩy thi đua

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, cụ thể hóa các nội dung thi đua yêu nước. Trong những năm qua, Sở Xây dựng Nam Định đã phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Nam Định phát động nhiều đợt thi đua; trọng tâm của phong trào là phấn đấu có nhiều công trình, sản phẩm đạt chất lượng cao, chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ lớn của dân tộc.

Sở Xây dựng Nam Định phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Nam Định phát động nhiều phong trào thi đua, phấn đấu có nhiều công trình, sản phẩm đạt chất lượng cao.

Các phong trào thi đua yêu nước tại Sở Xây dựng Nam Định không chỉ phát triển về quy mô mà còn được nâng cao về chất lượng, ngày càng đi vào thực chất, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn trong từng giai đoạn cụ thể, vì vậy đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực, trở thành động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân và thu được rất nhiều thành tích quan trọng, điển hình như các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành Xây dựng”, “Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc của công nhân viên chức, lao động ngành Xây dựng”, “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025, “DN Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động theo Kế hoạch của UBND tỉnh…

Ông Vũ Văn Hưng – Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định chia sẻ: Để tổ chức triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị trên lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng Nam Định đã thực hiện các biện pháp như sau:

Một là, công tác thi đua khen thưởng phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thống nhất sự chỉ đạo từ trên xuống dưới, lấy mục tiêu nhiệm vụ của đợt thi đua làm phương hướng hành động của phong trào tranh thủ được sự tham gia của mọi tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mỗi phong trào được phát động đều phải tổ chức thực hiện nghiêm túc có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, có biểu dương khen thưởng với những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc của phong trào.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua – khen thưởng; Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong đơn vị. Có biện pháp tốt để tuyên truyền những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt của những điển hình tiên tiến để mọi người cùng tham gia học tập và phấn đấu làm theo, đồng thời động viên gương người tốt, việc tốt làm hạt nhân cho phong trào thi đua của đơn vị.

Ba là, tổ chức triển khai các phong trào thi đua phải nhằm giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, những khó khăn bức xúc của cơ quan, đơn vị, DN. Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, phải gắn phong trào chung với các phong trào thi đua có tính đặc thù riêng của mỗi cơ quan, đơn vị, DN, có thể tổ chức thành nhiều đợt tạo điều kiện để phong trào phát triển liên tục, hiệu quả, không nên phô trương hình thức.

Bốn là, công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, có tính thuyết phục cao, mặt khác phải có cơ chế chính sách khuyến khích, động viên phong trào thi đua chung và duy trì, phát huy thành tích của các điển hình tiên tiến.

Năm là, tổ chức tốt công tác giao kết thi đua giữa các bộ phận, đơn vị, các tập thể trong DN, đơn vị với nhau, giữa DN với DN tạo khí thế thi đua sôi nổi, liên tục, thường xuyên tác động lẫn nhau phấn khởi vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao.

Sáu là, thực hiện công tác khen thưởng kịp thời, công khai minh bạch và đúng quy định. Có biện pháp cụ thể để thực hiện khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người trực tiếp sản xuất, lao động… Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Bảy là, tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng các cấp đảm bảo ổn định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Bố trí, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất chính trị, có năng lực, tinh thần trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng.

Tags:

TOP