Xuân Trường: Chàng cử nhân thích bán bún vỉa hè hơn “ngồi điều hòa”

Xuân Trường: Chàng cử nhân thích bán bún vỉa hè hơn “ngồi điều hòa”

“Đây chính là công ty của em”, Thanh nói về gánh hàng rong của mình một cách tự hào.
Tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng Đặng Xuân Thanh (SN 1990, quê Xuân Trường, Nam Định) lại không thích công việc văn phòng. Thanh quyết định chọn gánh bún rong của mẹ làm “công ty” của mình.
Trước khi chọn bán bún rong cùng mẹ trên phố Nguyễn Tuân, Thanh đã từng làm nhân viên kinh doanh ở một công ty chuyên cung cấp dịch vụ, thiết bị nha khoa. Thu nhập trung bình hàng tháng cũng được 7-8 triệu đồng. Nhưng làm được hơn nửa năm thì cậu thấy chán, thấy mình không phù hợp với công việc văn phòng nên quyết định đi bán bún.

Quán bún vỉa hè của chàng cử nhân quê nam định

Quán bún vỉa hè của chàng cử nhân quê nam định


Thanh bảo, bạn bè, người thân biết chuyện cũng nhiều người gàn, có người còn chửi là “hâm” và cũng không ít người tỏ ra coi thường công việc chân tay này. Nhưng cậu “kệ”, “dân kinh doanh chai mặt mà”. Chia sẻ về quyết định của mình, Thanh nói: “Khó nói cụ thể lắm, chỉ là em thấy thích làm công việc này hơn là ngồi văn phòng. Dù thu nhập không bằng làm văn phòng nhưng em vẫn thích. Vì nó là của mình nên cảm thấy rất tự do”.
Chàng cử nhân kinh tế gọi gánh hàng rong chính là “công ty” của mình. (Ảnh: FB Đức Cường)

Chàng cử nhân kinh tế gọi gánh hàng rong chính là “công ty” của mình. (Ảnh: FB Đức Cường)


Thanh đã quen với công việc bán bún từ thời sinh viên năm cuối, ngày mẹ mới lên Hà Nội bán hàng, cậu và em trai đã ra phụ. Nay thì không còn “phụ” nữa, mà đã trở thành một phần của “công ty”. Cậu có thể làm mọi thứ từ bưng bê, rửa bát, trần bún, pha trộn… chỉ có mỗi nước dùng là mẹ chưa truyền cho bí quyết, vì mẹ bảo chỉ dạy cho con dâu.
Cả ngày “phơi” mặt ra đường nắng nóng, làm công việc mà người ta vẫn cho là chỉ dành cho phụ nữ, nhưng Thanh không hề ngại. “Làm rồi cũng quen, giờ thấy rất bình thường, không vất vả gì cả. Người ta có nói sao thì kệ, em không thấy xấu hổ, chị thấy em cười tươi thế này cơ mà”, Thanh chia sẻ.
Chàng cử nhân kinh tế cũng chia sẻ rằng, hồi đi học, các thầy cô cũng chia sẻ rằng, việc gì cũng là việc, không nhất thiết học đại học ra là cứ phải sơ vin, xách cặp vô công ty lớn mới là thành công. Khi cậu đi làm, cùng công ty cũng có những anh chỉ học hết cấp hai nhưng làm rất giỏi, lương gấp đôi gấp ba người học đại học. Nên Thanh thấy sự lành nghề quan trọng hơn bằng cấp rất nhiều.
“Thế là em quyết định sẽ ở đây phụ mẹ?”, người viết hỏi. “Không, em làm ở đây chứ không phải phụ”, Thanh khẳng định. (Ảnh K. Minh)

“Thế là em quyết định sẽ ở đây phụ mẹ?”, người viết hỏi. “Không, em làm ở đây chứ không phải phụ”, Thanh khẳng định. (Ảnh K. Minh)


“Thế là tấm bằng 4 năm đại học coi như xếp xó?”. Thanh bảo nhiều người cứ nghĩ rằng bán bún thì cần gì học hành. Nhưng với chàng trai trẻ quê Nam Định này thì có học vẫn hơn. “Em cũng áp dụng những kiến thức em đã học để giao tiếp với khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Em cũng đang ấp ủ kế hoạch mở rộng, phát triển quán bún thành một thương hiệu. Nếu không học thì chắc em không nghĩ được những cái đó”, Thanh chia sẻ.
Chàng cử nhân kinh tế đang ấp ủ kế hoạch phát triển gánh hàng rong thành thương hiệu riêng. “Em không muốn chia sẻ về kế hoạch này, sợ nói trước bước không qua”, Thanh nói. (Ảnh K. Minh)

Chàng cử nhân kinh tế đang ấp ủ kế hoạch phát triển gánh hàng rong thành thương hiệu riêng. “Em không muốn chia sẻ về kế hoạch này, sợ nói trước bước không qua”, Thanh nói. (Ảnh K. Minh)


Thanh bảo, nhìn các bạn cùng lứa khoe ảnh ngồi văn phòng khang trang, ảnh đi chơi, đi du lịch hàng năm cũng thấy ghen tị. Nhưng cậu không hề hối tiếc khi chọn rời xa văn phòng máy lạnh để ra đứng đường nắng nóng. Tương lai cậu cũng không có ý định tìm việc văn phòng, mà sẽ chú tâm phát triển quán bún này. “Bây giờ kệ ai nói gì thì nói, sau này họ sẽ có cái nhìn khác”, Thanh nói.

Đỗ đại học, ra trường kiếm được việc làm trí óc nhàn nhã, lương tháng ổn định là mong mỏi, kỳ vọng của nhiều bậc phụ huynh khi đầu tư cho con cái học hành. Khi được hỏi về quyết định chọn việc chân tay để làm của con trai, cô Mơ, mẹ Thanh chia sẻ rằng cô tôn trọng quyết định của con “làm gì cũng được, miễn sao kiếm sống bằng sức lao động của mình”.
Kim Minh – VietNamnet – 2015

Xem thêm Tin Tức Nam Định


TOP