Biểu tượng 128 năm của ngành dệt may - Dệt Nam Định đang làm ăn ra sao?

Biểu tượng 128 năm của ngành dệt may – Dệt Nam Định đang làm ăn ra sao?

Kết quả kinh doanh của Dệt Nam Định đang tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên các khoản nợ của công ty lại khá lớn.

Biểu tượng của dệt may Việt Nam – Dệt Nam Định đã tồn tại suốt 128 năm

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tổng CTCP Dệt may Nam Định (Natexco) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong đó doanh thu bán hàng đạt 414 tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ), lợi nhuận gộp tăng 28% đạt gần 41 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty do đó mà được cải thiện từ 8,91% lên 9,87% (tăng gần 11%).

Doanh thu tài chính đạt 11,4 tỷ (tăng 84%) chủ yếu tăng do nhận chia cổ tức, tuy vậy chi phí tài chính của Công ty cũng tăng thêm 18% mà nguyên nhân từ việc dệt Nam định phải chịu 15,5 tiền lãi vay và lỗ tỷ giá số tiền gần 3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dệt may Nam Định đạt khoản lãi 15,5 tỷ đồng, tăng trưởng 125% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Dệt Nam Định

Một điểm đáng chú ý của Dệt Nam Định là các khoản nợ khá lớn. Bảng cân đối kế toán cho thấy tổng nợ phải trả tính đến ngày 30/6/2017 là 870,5 tỷ đồng (tăng gần 60 tỷ so với cùng kỳ) trong đó nợ ngắn hạn 583 tỷ, nợ dài hạn 287 tỷ đồng. Hệ số tổng nợ phải trả/vốn chủ là 4,35 lần.

Các khoản vay tài chính cả ngắn hạn và dài hạn hơn 634 tỷ mà chủ yếu cũng là vay nợ ngắn hạn.

Các khoản vay nợ thuê tài chính của Natexco

Tổng tài sản đến hết quý II năm 2017 đạt 1.070 tỷ đồng, hàng tồn kho công ty ở mức 250 tỷ. Về cấu trúc công ty, Dệt Nam Định hiện có 7 công ty con và 2 công ty liên kết trong đó khoản đầu tư vào các công ty liên kết liên doanh là hơn 38 tỷ đồng.

Công nhân tại nhà máy dệt Nam Định (Ảnh: Zing)

Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định tiền thân là Nhà máy Sợi Nam Định, được thành lập năm 1889, tới năm 1954 được Nhà nước tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định.

Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là biểu tượng của ngành dệt may Việt Nam cũng như tỉnh Nam Định. Thậm chí hình ảnh của nhà máy còn được in trên mặt sau của tờ tiền 2.000 đồng. Tuy nhiên đến năm 2016, nhà máy đã bị phá bỏ, di dời đến địa điểm mới do quá cũ kĩ.

Được biết, dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định có quy mô 24,8 ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng được thực hiện trong khoảng 5 năm. Trong đó, giai đoạn I (khoảng 2 năm) sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ khu công viên, bãi đỗ xe với tổng mức đầu tư dự kiến là 130,9 tỷ đồng.

Giai đoạn II, tiến hành di dời các Nhà máy Dệt, Dệt khăn với tổng diện tích 5,9ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở, 1 nhà văn hóa và trường học quy mô 27 lớp học với tổng mức đầu tư 130,1 tỷ đồng.

Giai đoạn III, di dời xong toàn bộ phần còn lại gồm Nhà máy May 4, Nhà máy Sợi, Nhà máy Chỉ khâu, Văn phòng Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) với tổng diện tích 10,5ha, tiến hành đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo thiết kế với tổng giá trị đầu tư dự kiến 151,9 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Dệt May Nam Định sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076 m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314 m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748 m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ Thành Nam theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bạch Mộc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng


TOP