Nam Định: Nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAHP thu cả tỷ đồng

Nam Định: Nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAHP thu cả tỷ đồng

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (SN 1967, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) mỗi năm thu về cả tỷ đồng.

Công nhân chăm sóc lợn giống. Ảnh: Mai Chiến.

Đây là một trong những trang trại chăn nuôi đầu tiên ở Nam Định đạt tiêu chuẩn VietGAHP (thực hành sản xuất chăn nuôi tốt). Trang trại rộng 3ha của gia đình ông Thọ nằm xa khu dân cư; đảm bảo vệ sinh an toàn, không gây ô nhiễm, không bốc mùi hôi thối ra ngoài môi trường.

Gặp chúng tôi, ông Thọ tâm sự, năm 2013 ông bắt đầu chuyển sang nuôi lợn sau nhiều năm chăn nuôi gà thất bát. Thời điểm đó, vì chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ, toàn bộ lợn nái được mua của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Chăn nuôi lợn có lãi, ông mở rộng diện tích, thiết kế lại trang trại theo kiểu chuồng kín kết hợp với nền sàn. Đây là công nghệ chăn nuôi tiên tiến, tiết kiệm nguồn nước trong chăn nuôi, giúp tăng cường khả năng thu gom chất thải nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Năm 2018, 2019, trong khi nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi càn quét thì trang trại của gia đình ông Thọ vẫn an toàn, trụ vững, vượt qua cơn “bão” dịch; thắng lợi giòn giã, thu về cả tỷ đồng.

Ông Thọ bảo, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP có nhiều cái lợi. Ngoài việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng để người tiêu dùng yên tâm, không còn phải lo trước vấn nạn thực phẩm bẩn mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt dịch bệnh, sức đề kháng của lợn cao hơn so với nuôi truyền thống.

“Hiện trang trại đạt các tiêu chí của quy trình VietGAHP về địa điểm chăn nuôi, thiết kế chuồng trại; quản lý con giống, thức ăn, thuốc thú y, nguồn nước; phòng trị bệnh; quản lý chất thải, rác thải; kiểm soát động vật gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ…”, ông Thọ kể một loạt các tiêu chí đã đạt.

Ông Thọ cho biết thêm, đã chăn nuôi theo hướng VietGAHP thì việc ghi chép lại nhật kí trong chăn nuôi là điều bắt buộc. Giúp trang trại quản lý tốt nguồn thức ăn, thuốc thú y và nắm bắt được sự sinh trưởng của đàn lợn.

Hiện tại, trang trại có hơn 200 con lợn bố mẹ. Ảnh: Mai Chiến.

Từ năm 2015 đến nay, tổng đàn lợn của trang trại luôn duy trì ở mức cao, gần 2.000 con. Trong đó, khoảng 1.400 – 1.500 con lợn thương phẩm và lợn theo mẹ, hơn 200 con lợn bố mẹ. Lợn được nuôi riêng biệt ở các dãy nuôi khác nhau.

“Trang trại đã được các cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch từ nhiều năm nay. Đến nay, trang trại cũng tự sản xuất tinh để phối giống; lợn đực giống được đánh số tai và theo dõi sức khỏe, sức sản xuất…”, ông Thọ thổ lộ.

Mỗi tháng trang trại xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 300 con lợn thịt với trọng lượng 100 – 105kg/con. Ảnh: Mai Chiến.

Với tổng đàn lớn như hiện nay, gia đình ông đã chủ động xây bể chứa chất thải nhiều ngăn, hầm khí sinh học với thể tích 5.000m3 được phủ bạt HDPE. Theo đó, tất cả chất thải của lợn từ trong chuồng sẽ chảy xuống bể lắng. Khi máy ép phân vận hành sẽ hút chất thải; sau đó tách, ép thành nước và phân hữu cơ riêng biệt.

Phân khô được đùn ra như những đống mùn nhỏ mịn, khô tơi như mùn cưa; còn nước thải được đổ xuống hầm biogas. Do đó, môi trường nuôi và môi trường sống xung quanh trang trại được cải thiện rõ rệt, sạch sẽ, không có mùi hôi thối.

“Năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư máy ép phân để xử lý chất thải, không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh trang trại mà còn biến chất thải chăn nuôi thành tiền”, ông Thọ bộc bạch.

Trung bình mỗi tháng trang trại xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 300 con lợn thịt với trọng lượng 100 – 105kg/con cho các cơ sở giết mổ tập trung, chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho siêu thị, cửa hàng tiện ích và hơn 100 con giống cho những gia trại, trang trại chăn nuôi lớn. Mỗi lứa nuôi kéo dài từ 4 – 4,5 tháng.

Tags:

TOP