Làng Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) được nhiều người biết tới bởi nơi đây còn lưu giữ hoạt động bơi chải truyền thống được dân làng tổ chức vào ngày 10-8 âm lịch các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Hai năm qua, đội bơi chải của làng được đại diện cho huyện Nam Trực tham gia giải bơi chải truyền thống tỉnh vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong đó tại giải bơi chải năm 2011 đội giành vị trí thứ 3 nội dung bơi chải nam.
Làng Đỗ Xá giáp sông Hồng, trong làng có sông Cửa Đình và sông Hậu Hà chạy qua nên từ xưa người dân nơi đây đã phát triển mạnh các hoạt động sông nước. Cụ Hoàng Viết Trai, 92 tuổi, người làng Đỗ Xá cho biết, theo các tài liệu cổ, bơi chải làng Đỗ Xá gắn liền với tướng quân Đoàn Thượng – một hào trưởng vào cuối nhà Lý, đầu nhà Trần, được dân làng thờ làm Thành hoàng làng. Dưới sự chỉ đạo của ông, bơi chải ngày đó phát triển mạnh với mục đích để thanh niên trai tráng rèn luyện sức khỏe đi đánh giặc, phòng chống thiên tai, bảo vệ mùa màng.
Từ thế kỷ XVII, để tưởng nhớ công lao của tướng quân Đoàn Thượng, vào ngày 10-8 âm lịch các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu người dân trong làng lại tổ chức hội bơi chải truyền thống thu hút đông đảo nhân dân 3 xóm Thượng, xóm Trung và xóm Hạ tham dự. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dù đang dồn sức người, sức của cho tiền tuyến nhưng cứ hễ có cơ hội là làng Đỗ Xá lại tổ chức bơi chải.
Từ năm 1995, người dân Đỗ Xá bắt đầu duy trì hội bơi chải truyền thống hằng năm. Những người trong làng có nhiều kinh nghiệm bơi chải như ông Đặng Văn Xừ ở thôn Hạ, sau này là các ông Đỗ Duy Quân, Phạm Văn Đăng đứng ra huy động trai tráng tập luyện. Khác với bơi chải các miền quê khác trong tỉnh như Hải Thanh, Thị trấn Cồn (Hải Hậu), Thành Lợi (Vụ Bản), Hồng Quang (Nam Trực)… thường mỗi chải có 15 người, bơi chải làng Đỗ Xá có tới 20 đinh, trong đó có người chỉ huy, mõ, lái trưởng, tát nước và 16 tay chèo.
Mỗi lần mở hội, làng Đỗ Xá đều làm lễ rước Thành hoàng từ đình, miếu ra đình Bơi của làng, sau đó mới tổ chức bơi chải. Ngày đầu tiên bơi chải ở sông Cửa Đình, ngày sau bơi chải trên sông Hậu Hà với mỗi lần thi gồm 3 vòng, mỗi vòng 3km. Thời kỳ đầu, mỗi xóm gồm 2 chải, nhưng do một số chải đã bị hỏng, mặt sông cũng bị thu hẹp lại nên hội bơi chỉ có 3 chải tham dự. Trong tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ đông đảo của người dân bên bờ sông, những chàng trai đồng phục, đầu chít khăn vải ra sức chèo các thuyền đua lao vun vút trên sông. Để giành được giải cao, ngoài sự bền bỉ, dẻo dai thì mỗi người trong chải đều phải phối hợp nhịp nhàng đến từng động tác. Các tay chèo bổ đều, sâu, mạnh đẩy thuyền lao đi, người chèo lái khéo léo lựa chiều nước, quay thuyền ở những khúc cua thật khéo, đỡ mất sức của đồng đội, tay mõ thì nhịp nhàng, người tát nước thật nhanh.
Để lưu giữ nét đẹp truyền thống bơi chải của quê hương, làng Đỗ Xá đã huy động các nguồn lực từ nhân dân. Với tấm lòng hướng về cội nguồn, ngưỡng vọng tri ân với những bậc tiền nhân có công với đất nước, từ những năm 1995, các hộ trong làng và cả từ những người đi làm ăn xa đã cùng nhau đóng góp hàng trăm triệu đồng để đóng 6 thuyền chải. Ngoài đóng thuyền, mua sắm trang phục, hàng năm dân làng còn đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội truyền thống bơi chải, tu sửa lại các công trình kiến trúc. Năm 2008, dân làng đã khởi công, xây dựng lại đình Bơi là nơi tổ chức lễ hội bơi chải của làng, đồng thời tổ chức đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với đền Cả.
Lễ hội bơi chải làng Đỗ Xá là nét văn hóa kết tinh từ giá trị lao động, mồ hôi, công sức… của các thế hệ cha ông. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm tới làng Đỗ Xá sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, hình thức tổ chức lễ hội bơi chải, để bơi chải không chỉ là hoạt động rèn luyện sức khỏe mà còn là nét văn hoá mang đậm bản sắc riêng của người dân Đỗ Xá./.
Thanh Ngọc – Sưu Tầm
- Độc Đáo Nghệ Thuật Và Trò Chơi Dân Gian Thời Trần
- Người dân vùng ven biển Nam Định làm giàu từ nghề may áo cưới
- Vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ Nam Định
- Ý Yên: 2 NẤM MỘ, 3 MẠNG NGƯỜI – Thảm kịch trong một buổi chiều định mệnh
- Nam Định: Bất ngờ người chết ‘đội mồ’ về họp dân cho thuê đất
- Đi chợ Viềng “mua” lộc đầu năm
- Du khách nô nức về dự Lễ hội truyền thống đền Trần
- Bắt giữ đối tượng người Nam Định vận chuyển gần 2kg ma túy
- Nam Định: Xe giường nằm 40 chỗ bốc cháy rừng rực trong đêm
- Nhà thờ Giáo xứ Trực Chính – Nam Trực Nam Định
- Đến Nam Định thưởng thức bún sung ấm áp vị đồng quê
- Nam Định: Lễ hội chùa Keo Hành Thiện
- Quỳ lạy xin tha, nam thanh niên quê Nam Định vẫn bị đâm đến chết
- Nam Định tập trung khôi phục sản xuất sau bão số 1
- Nam Định và Hải Dương cuối tuần này, đừng quên cuộc hẹn tại Lễ hội Bia Hà Nội 2019
- Về Nam Định ăn gỏi cá…
- Chùm ảnh lạ kiến trúc nhà thờ tại Nam Định
- Nam Định: Độc đáo phong tục xin ‘lửa thánh’ đầu năm cầu may
- Sở GDĐT tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác về trường Mầm non B Trực Đại điều tra sự việc bé 4 tuổi bị buộc dây treo lên cửa sổ
- Chiêm ngưỡng tượng Phật bằng đồng 150 tấn lớn nhất Việt Nam
- Bánh khúc Thành Nam
- Gia đình đau đớn nhận thi thể bé gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc