Theo đơn thư công dân tố cáo: bà Vũ Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng (Ý Yên-Nam Định) đã không trung thực, sử dụng bằng THPT giả để được đi học, được cấp bằng trung học chính trị… Còn thông tin từ cơ sở đào tạo lại cho thấy việc tuyển sinh, điều kiện được cấp bằng quá “thông thoáng”…
Khai man trình độ văn hóa
Trong đơn thư tố cáo gửi các cơ quan có trách nhiệm của huyện Ý Yên, đồng thời gửi tới Báo Đại Đoàn Kết, công dân xã Yên Thắng đã phản ánh nhiều điểm bất thường liên quan đến việc học hành, các loại bằng cấp của bà Vũ Thị Hiên, Chủ tịch UBND đương nhiệm của xã này.
Một trong những điểm bất thường đơn thư nêu ra là: Mãi đến năm 2007 bà Hiên mới có bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, nhưng trước đó rất lâu, trong lý lịch đảng viên khai ngày 26/7/1990, bà Hiên khai với tổ chức, có trình độ văn hóa 10/11; tiếp đến, trong phiếu đảng viên khai ngày 5/10/2002 bà Hiên khai có trình độ văn hóa 10/10.
Liên quan đến nội dung này, làm việc, thông tin với PV, bà Hiên thừa nhận việc bà khai trình độ văn hóa như trên khi chưa tốt nghiệp THPT là không đúng.
“Thời điểm năm 1990 tôi đang học dở lớp 10 thì lấy chồng, sinh con nên phải bỏ dở việc học hành. Tuy nhiên khi ấy tôi vẫn tham gia công tác Đoàn ở thôn xóm, làm Bí thư chi đoàn. Khi chi bộ làm thủ tục kết nạp Đảng, do nhận thức không đúng, nghĩ mình đã học dở đến lớp 10 thì cứ khai có trình độ văn hóa như vậy thôi” – bà Hiên lý giải.
Trong Thông báo giải quyết tố cáo ngày 28/1/2015, liên quan đến nội dung này, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Ý Yên cũng kết luận “Đồng chí Vũ Thị Hiên khai trình độ văn hóa trong lý lịch Đảng viên 10/11, phiếu Đảng viên 10/10 là không đúng, trách nhiệm thuộc về đồng chí Vũ Thị Hiên”.
Ngoài việc tố cáo bà Hiên khai man trình độ văn hóa, công dân còn tố cáo bà Hiên sử dụng bằng THPT giả để được đi học, được Trường Chính trị Trường Chinh (tỉnh Nam Định) cấp bằng trung học chính trị.
Gửi kèm đơn thư, công dân cung cấp một bản photo có công chứng thể hiện là một bằng tốt nghiệp tú tài, hệ bổ túc do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cấp cho người có tên Vũ Thị Hiên ngày 23/7/1999.
Các thông tin, hình ảnh trên bằng tốt nghiệp photo có công chứng này trùng khớp với các thông tin cá nhân của bà Hiên, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng.
Liên quan đến nội dung trên, làm việc, thông tin với PV, bà Hiên phủ nhận việc mình sở hữu, sử dụng tấm bằng tú tài này, cho rằng người tố cáo đã tự tạo ra nhằm mục đích xấu với cá nhân bà.
Tại thông báo kết quả giải quyết tố cáo ngày 28-1-2015, dẫn chứng quá trình làm việc với cơ quan kiểm tra, bà Hiên khẳng định mình không biết, không sử dụng bằng tốt nghiệp tú tài trên;
dẫn chứng công văn phúc đáp ngày 23/6/2015 của Trường Chính trị Trường Chinh, trong đó khẳng định bà Hiên là học viên lớp trung học chính trị khóa 2, huyện Ý Yên, niên khóa 2000-2003 và hồ sơ của học viên không còn lưu tại trường,
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ý Yên cho rằng để khẳng định bà Hiên có sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để được đi học và được cấp bằng trung học chính trị đến thời điểm này (năm 2015) là chưa có cơ sở.
Tuy nhiên, trong thông báo trên, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ý Yên kết luận: Việc bà Hiên nhận và sử dụng bằng tốt nghiệp trung học chính trị,
do Trường Chính trị Trường Chinh cấp ngày 30/5/2003 trong khoảng thời gian từ tháng 6-2003 đến tháng 8-2007 (thời điểm bà Hiên được cấp bằng THPT hệ bổ túc) là không đúng với quy chế số 07/QC-HVCTQG ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-HVCTQG ngày 3-11-1998 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
cho đến khi nhận bằng tốt nghiệp trung học chính trị, bà Hiên vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT, trong khi theo quy chế kèm quyết định trên đây là một trong những điều kiện bắt buộc để những học viên như bà Hiên được cấp bằng. Trên thực tế, mãi đến năm 2007 bà Hiên mới có bằng tốt nghiệp PTTH hệ bổ túc.
Bất thường việc lưu giữ hồ sơ học viên
Để rõ việc bà Hiên có sử dụng bằng tú tài giả để đi học, để được cấp bằng trung học chính trị hay không, ngày 23/4/2018,
Làm việc với ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Ý Yên, PV được ông Bắc cho biết: Năm 2015, sau khi có đơn thư tố cáo bà Hiên, đích thân ông Bắc đã ra tận nơi, làm việc với bà Phạm Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trường Chính trị Trường Chinh để xác minh.
Tuy nhiên, theo ông Bắc, câu trả lời sau đó của nhà trường là hồ sơ của học viên không còn lưu lại trường, do vậy phía Huyện ủy Ý Yên không có cơ sở để xem xét, kết luận bà Hiên có sử dụng bằng THPT giả để được cấp bằng tốt nghiệp trung học chính trị hay không?
Cũng liên quan đến sự việc, ngày 26/4/2018, làm việc, thông tin với PV, ông Hoàng Đình Trung- Phó Giám đốc Trường Chính trị Trường Chinh khẳng định bà Hiên đúng là học viên lớp Trung học chính trị khóa 2 huyện Ý Yên do nhà trường đào tạo và đã được cấp bằng tốt nghiệp.
Cũng theo ông Trung, theo quy chế khi đó, sau khi hoàn thành khóa học, học viên nào có bằng tốt nghiệp THPT bản gốc hoặc bản photo có công chứng sẽ được nhà trường cấp bằng tốt nghiệp; học viên nào không có bằng tốt nghiệp THPT thì chỉ được cấp giấy chứng nhận theo học khóa học.
Đối chiếu với trường hợp của bà Hiên- người đã được Trường Chính trị Trường Chinh cấp bằng tốt nghiệp trung học chính trị- thì trước khi được nhận bằng, bà Hiên phải nộp cho nhà trường bằng gốc hoặc bản photo bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp thông tin về hồ sơ học viên của bà Hiên, tương tự nội dung công văn của Trường Chính trị Trường Chinh phúc đáp Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Ý Yên thời điểm năm 2015, ông Trung cũng cho biết hiện hồ sơ của khóa học không còn lưu đầy đủ tại trường.
Lý do, theo ông Trung, các học viên của khóa học là các cán bộ đương chức hoặc là cán bộ nguồn, do Huyện ủy Ý Yên cử đi học.
Trước khi cử đi học, tổ chức Đảng ở địa phương đã phải kiểm tra, đảm bảo các điều kiện theo học của học viên. Phía Trường Chính trị Trường Chinh chỉ tiếp nhận danh sách, tổ chức đào tạo…
Như vậy, cho đến nay việc bà Hiên đã cung cấp văn bằng gì thể hiện mình đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương để được Trường Chính trị Trường Chinh cấp bằng tốt nghiệp Trung học chính trị vẫn là một “khoảng tối”, cần những cơ quan có trách nhiệm là Huyện ủy Ý Yên, Trường Chính trị Trường Chinh làm rõ.
Duy Hưng-Việt Linh
(đại đoàn kết)
- Đi lễ Nam Định đầu năm, đừng quên thưởng thức những đặc sản bánh kẹo nức tiếng này
- Chữ trên ấn đền Trần có nội dung gì?
- Nhân mùa Giáng sinh: Ngắm vẻ đẹp những nhà thờ Nam Định
- Trải nghiệm món Bún Chả Thành Nam
- Nam Trực: Làng nghề khăn xếp độc nhất vào vụ Tết
- Nữ sinh Nam Định được báo Trung gọi là “cực phẩm hot girl”
- Nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp
- Ngồi hút thuốc uống trà, suýt chết vì ô tô mất lái phi vào nhà
- Công nhận thêm 5 cây di sản tại tỉnh Nam Định
- Nghĩa Hưng: Vỡ hụi tiền tỷ, chấn động vùng quê ven biển
- Nam Định: Chủ tịch UBND xã Yên Lợi bị “tố” sử dụng bằng giả để thăng tiến?
- Bánh mỳ Bít Tết Hai Bà Trưng Nam Định
- Hồ sơ chính sách giả: Tố cáo quyết liệt – Trả lời qua loa
- Nam Định: Một bệnh nhân tử vong bất thường sau khi cắt a-mi-đan
- Người dân dí dao vào cổ để ‘tra khảo’ người phụ nữ lạ mặt nghi bắt cóc trẻ em
- Mâu thuẫn lúc đậu xe, thanh niên quê Nam Định lùi xe đâm chết người rồi bỏ trốn
- Khám phá xứ sở kèn đồng Nam Định
- Một phụ nữ thu mua phế liệu quê Nam Định nhập viện do bị xe máy đâm
- Phát hiện người đàn ông nằm chết trên cầu Đò Quan
- Nam Định: Thêm huyện Hải Hậu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
- Nam Định: Xác minh một thi thể không đầu dạt vào bờ biển
- CSGT bắt 9X đi xe biển Nam Định giật túi xách phụ nữ