Có rất nhiều điều để nói sau ASIAD 2018, một sân chơi mà bóng đá Việt Nam đã khẳng định được mình để hướng tới một giải đấu với cấp độ lớn hơn là Asian Cup vào đầu năm 2019.
Thương và tiếc cho thầy trò ông Park
Nhìn các tuyển thủ Olympic Việt Nam (VN) vắt cạn sức sau 7 trận cày ải liên tiếp chỉ trong 18 ngày (trung bình chỉ 2,5 ngày/trận) nhiều người hâm mộ VN cảm thấy vừa thương vừa tiếc cho thầy trò HLV Park Hang-seo.
Thương vì họ đã không có nền tảng thể lực tốt nhất nên trạng thái thi đấu càng về sau càng mất đi sự nhanh nhẹn, chính xác, không thể giải quyết được trận đấu dù đã nắm thế trận trong tay. Phần đông cầu thủ đến trận tranh hạng ba thực tế là không thể hồi phục để có nguồn năng lượng tốt nhất, trái lại chỉ gắng gượng ra sân, có người còn hụt hơi sau một pha tăng tốc quay về còn không thở nổi trên sân.
Vài cầu thủ tâm sự rất thật là đi trên sân mà hai bước chân còn cảm thấy nặng nề nói chi chạy. Những cầu thủ chơi ổn định và đá đủ 7 trận như Văn Thanh thậm chí còn nhiều lần chuyền hỏng và đến khi đứng trước chấm 11m bình thường thì rất tỉnh táo nhưng khi đó mệt quá nên đánh mất sự tập trung sút phạt đền hỏng một cách dễ dàng như Quang Hải.
Còn tiếc vì nếu đội hình VN đủ mạnh và ổn định đến giờ chót thì đã không có những vá víu khập khiễng từ hàng thủ đến vị trí tiền vệ trung tâm. Đình Trọng chấn thương, chúng ta không còn một trung vệ nào chơi tốt đến nỗi phải kéo Đoàn Văn Hậu vào trám chỗ dẫn đến sự không an toàn ở trung lộ lẫn đánh mất hẳn các pha tấn công đột biến từ biên trái.
Hay Hùng Dũng bị chấn thương, Xuân Trường trạng thái thi đấu không tốt cũng không có người thay thế xứng đáng buộc phải kéo Quang Hải lùi sâu vừa không thể đảm bảo sức mạnh phòng thủ từ xa vừa làm giảm luôn uy lực của chân sút vốn càng ở gần khung thành đối phương càng tốt nhằm giải quyết khâu ghi bàn này.
Những sự hụt hẫng về chuyên môn đó lẽ ra đã làm suy yếu Olympic VN ở các trận knock-out nhưng dưới bàn tay của thầy Park may mắn là mọi chuyện đã được khắc phục dần bằng những sự điều chỉnh rất hay và thay người hợp lý nên VN đã chiến thắng chính mình bằng những trận vang dội trước Bahrain, Syria. Chỉ tiếc là sức tàn lực mỏi nên chúng ta không thể bật lên được một cách mạnh mẽ ở trận gặp UAE.
VFF nên nghĩ đến tầm châu lục
Sau thành công ở vòng chung kết giải bóng đá U 23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc) khi xây dựng mục tiêu cho những giải đấu lớn năm 2018, VFF lẽ ra phải có hướng đầu tư phát triển cho lứa cầu thủ trẻ này vươn lên mạnh mẽ hơn ở tầm châu lục. Nhưng tầm nhìn của VFF vẫn chỉ là Đông Nam Á, là hướng đến trận chung kết và chức vô địch AFF Cup chứ không hề xem trọng ASIAD.
Chính vì thế trong kế hoạch tổ chức thi đấu ban đầu của VFF lẫn VPF không hề có sự ưu tiên nào cho sân chơi châu lục, thậm chí còn không tin thầy trò HLV Park Hang-seo có thể đi đến trận cuối cùng nên làm lịch bán kết lượt về Cúp quốc gia và V-League rất sát ngày vừa kết thúc ASIAD. Thời gian tập trung đội Olympic ngắn, lúc đầu dự định vào cuối tháng 7 chỉ có chưa đầy 2 tuần. Sau đó bị HLV Park kêu ca nên VFF và VPF dồn toa trong thời gian World Cup để có 3 tuần cho U.23+3.
Nhưng chừng ấy vẫn không đủ giúp cầu thủ có sự chuẩn bị thể lực và hồi phục tốt vì khi đang thi đấu V-League vẫn còn mỏi mệt hoàn toàn khác với lúc chuẩn bị cho U.23 hồi đầu năm trong tâm trạng không có giải vô địch quốc gia ràng buộc nên tinh thần và sức lực đều sung mãn hơn. Mặt khác việc không xem trọng ASIAD và chỉ muốn dồn lực cho AFF Cup còn thể hiện ở chỗ ngay sau ASIAD gần như không dành cho cầu thủ khoảng nghỉ nào phù hợp mà yêu cầu đá bán kết Cúp quốc gia và V-League ngay. Khi truyền thông lên tiếng thì VPF mới điều chỉnh lùi ngày.
Nói thật việc lùi này không thấm thía vào đâu vì với 7 trận đã chơi càng vào sâu càng với cường độ cao như vậy ít nhất cũng phải mất 2-3 tuần nghỉ ngơi các tuyển thủ mới hồi phục. Bài học World Cup còn nóng hổi, nhiều cầu thủ của Pháp, Bỉ, Croatia, Anh đá 7 trận phải nghỉ mất 3 tuần mới trở lại thi đấu. Trong khi bóng đá VN cứ vắt cạn sức Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Quyết, Xuân Trường, Văn Thanh… hết giải này qua giải khác như vậy mà không có thời gian giúp họ tái tạo thì làm sao đòi hỏi sự tận hiến.
Vì chỉ nghĩ đến việc săn vàng AFF Cup nên thời gian VFF làm lịch dành cho ASIAD không nhiều. Đúng ra VFF phải hài hòa, thậm chí phải ưu tiên nhiều hơn cho sân chơi châu lục. Hơn nữa AFF Cup thi đấu tháng 11 sau khi V-League kết thúc, cầu thủ hoàn toàn có sự tập trung cao và với mật độ 4 ngày/trận thì chuyện tích lũy và phân phối sức dễ chịu hơn rất nhiều so với ASIAD. Thế nên theo chúng tôi để giúp toàn đội Olympic hồi phục tích lũy năng lượng tốt hơn trong thời gian tới thì cần nên để cho các tuyển thủ nghỉ ngơi hoàn toàn đến sau 15 thậm chí 20.9 thi đấu lại sẽ giúp họ tìm lại cảm giác hưng phấn hơn.
Đã đến lúc bóng đá VN nên nhìn rõ mình đang đứng ở đâu, cần làm gì một cách thiết thực nhất để duy trì vị thế đã giành được sau ASIAD. Đừng để tư duy làm bóng đá của mình cứ mãi quanh quẩn ao làng Đông Nam Á sẽ chẳng bao giờ giúp thế hệ tài năng đang có của mình đủ sức bước ra biển lớn.
Theo (thanhnien.vn)
- Huyền thoại nhà máy dệt ‘cứ trả lương là cả thành phố chao đảo’
- Thăm ngôi chùa cổ xuất hiện trên tờ 100 đồng ‘huyền thoại’
- Vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ Nam Định
- Nam Định: Nỗi khổ của giám đốc phải “chui lủi” trốn họp họ
- Múa rối Đầu Gỗ – Nét văn hoá đặc sắc trong lễ hội chùa Đại Bi
- Bầu khí chuẩn bị Giáng Sinh tại một số giáo xứ Nam Định
- Đền Thánh Báo Đáp – Giáo Phận Bùi Chu
- Thái Bình, Nam Định bị phê bình về công tác phòng chống tham nhũng
- Ấm lòng bát phở 5000 ở Thành Nam
- Tại sao lại gọi là “phở”?
- Chiêm ngưỡng tượng Phật bằng đồng 150 tấn lớn nhất Việt Nam
- Tắc mọi ngả về chợ Viềng
- Thuê ô tô tự lái, tài xế gây tai nạn liên hoàn
- Lịch cắt điện ở Nam Định từ ngày 27/8 đến 31/8
- 90% diện tích nông nghiệp tại Nam Định có nguy cơ mất trắng
- NÓNG: Điều tra nghi án dùng súng cướp tiệm vàng ở Nam Định
- Ca sĩ Trần Lập – 1 người con Nam Định qua đời
- Phố cổ thành Nam
- Làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá xã Yên Xá huyện Ý Yên
- Nam thanh niên lái xe “ba tỷ tư” đùa giỡn với hiểm nguy
- Nam Định dự kiến hôm nay nối lại cầu phao Ninh Cường
- Người đầu tiên ở Nam Định nuôi lợn sạch bằng thảo dược quy mô lớn