Quán phở Nam Định hơn 60 năm hút khách giữa lòng Sài Gòn

Quán phở Nam Định hơn 60 năm hút khách giữa lòng Sài Gòn

Phở Dậu, phở Nguyễn Cao Kỳ hay phở Cây Trứng Cá là 3 trong số rất nhiều cái tên mà người Sài Gòn thường nhớ về quán ngon, gắn với khu cư xá cũ ở quận 3 (TP.HCM).

Tồn tại hơn 60 năm ở đất Sài thành, phở Dậu không đơn thuần là địa chỉ ăn sáng thường nhật mà còn là nét văn hóa bình dị và gần gũi. 5h sáng, con hẻm 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) đã bắt đầu tấp nập người qua lại. Người đến ăn phở Dậu phải “canh me” từ sáng sớm bởi quán chỉ mở đến 12h trưa, và nhiều món ngon đặc biệt thì nhanh hết.

Đến phở Dậu, người ta say mê vị nước lèo đặc trưng từ xương ống bò hầm. “Đúng phở Bắc thì nước phải trong, vị phải thanh chứ không đậm gia vị”, chị Hoàng – con gái chủ quán chia sẻ. “Chúng tôi không coi nước lèo là nét đặc trưng của phở Dậu, nhưng tôi tin tiêu chuẩn đặc biệt giúp quán giữ chân khách suốt những năm qua”, chị nói.

Bởi thế, người sành ăn còn gọi riêng một chén nước tiết. Đó là nước cốt thơm, ngọt của xương ống bò hầm đặc sản ở đây.

Để giữ nguyên bản phong vị phở Nam Định, phở Dậu không phục vụ những thứ rau ăn kèm như ngò gai, giá đỗ hay húng quế. Khách quen chỉ nêm nếm chút tương, chút đường vào chén hành tây thái mỏng, để rồi nhấm nháp cùng thịt bò mềm cho ra hương vị đặc biệt chỉ có tại phở Dậu.

Đặc sắc của phở Dậu còn là sợi phở mỏng, bản nhỏ nhưng có độ dai nhất định. Gia đình chị Hoàng luôn tự hào vì khắp Sài Gòn không thể tìm ra thứ phở khác như vậy.

Người đến phở Dậu đa phần là khách quen. Có cặp vợ chồng trẻ từ quận 11 vẫn thường tới lui phở Dậu thưởng thức bữa sáng. Họ chia sẻ: “Phở Dậu đặc biệt từ chất lượng món ăn đến không gian và nhân viên quán, tất cả mang đến cảm giác bình dị và gần gũi khó tả”.

Những năm 1945, ông bà nội chị Hoàng rời quê hương vào Sài Gòn sinh sống. Vốn xuất thân từ Nam Định – nơi bắt nguồn của món phở Việt truyền thống, ông bà mở quán phở nhỏ ngay trong khu cư xá để mưu sinh.

Trước đây quán không có bảng hiệu nên mỗi khách tự đặt một cái tên để dễ nhớ. Có người gọi phở Cây Trứng Cá vì quán ngày đầu có sẵn một cây trứng cá. Nhiều du khách lại ưu ái gọi phở Nguyễn Cao Kỳ khi nghe giai thoại về các chuyến ghé ăn của vị tướng này. Có thời điểm, nhiều người nhắc nhau đến phở khu phố 4 (quận 3, TP.HCM) tìm vị phở Bắc.

Dù cố gắng gìn giữ món phở truyền thống chuẩn Nam Định, phở Dậu ngày nay cũng được biến tấu đôi chút để phù hợp hơn với thực khách. Điển hình là những chén hành tây thái mỏng mà nhiều vị khách vẫn thích thú ở đây.

Đứng bếp nấu phở và các thức uống bán kèm đều là thành viên gia đình chị Hoàng. “Phở gia truyền phải do chính tay người trong nhà nấu chứ không thể giao cho người ngoài, bởi vậy mà chúng tôi cũng không mở thêm chi nhánh nào khác”, chị Hoàng chia sẻ.

Từ một quán nhỏ trong nhà, giờ đây phở Dậu gần như chiếm hết không gian khu cư xá. Nhưng điều đặc biệt là không khí gia đình và thân thuộc nơi đây không hề đổi khác.

Đông đúc là vậy nhưng phở Dậu luôn toát lên không khí yên bình hiếm quán xá nào có được. Không gian quán bình dị còn thực khách lại nhẹ nhàng, thanh nhã. Phở Dậu bởi vậy mà khắc họa những giá trị văn hóa Sài Gòn cổ xưa hơn 60 năm qua.

Theo (news.zing.vn)


TOP