Đặc sản Nam Định trong thơ ca

Đặc sản Nam Định trong thơ ca

Nam Định không những nổi tiếng là đất học mà còn được biết đến nhiều bởi những món ăn ngon.
Gạo Tám

Gạo Tám Nam Định xuất hiện khá nhiều trong ca dao, tục ngữ:

Em như hạt gạo Tám xoan

Thổi nồi đồng điều lại chan nước cà

Hay

Gạo Tám thơm
Chim ra ràng
Cà cuống trứng

Hoặc

Cơm Tám ăn với chả chim
Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no

Gạo Tám Nam Định được trồng chủ yếu ở Hải Hậu. Nó đặc trưng bởi hạt nhỏ dài, thổi cơm mau chín. Cơm thổi ra có màu trắng xanh, dẻo, thơm ngào ngạt, ăn mau tiêu. Đặc biệt, theo các nhà khoa học, hàm lượng chất bổ trong gạo Tám Nam Định cao hơn các loại gạo khác.

Gạo Tám có 2 loại là Tám cổ ngỗng và Tám xoan. Tuy khá giống nhau về hình dáng nhưng Tám cổ ngỗng lại không có được vị thơm, dẻo như Tám xoan. Ngược lại, nó có lợi thế về sản lượng.

Ảnh minh họa.

Nếu như Tám cổ ngỗng không kén đất thì Tám xoan rất kén. Nó cần được trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, không chịu úng, hạn. Muốn nấu ngon nhất thì phải nấu Tám xoan trong niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm.

Do cơm thổi ra dẻo, ngọt nên gạo Tám xoan nên ăn với giò lụa, chả quế, rưới thêm nước mắm nhĩ cùng một ít hạt tiêu hay ăn cùng cá bống kho, cá rô rán giòn….

Nem Giao Thủy

Tay cầm bầu rượu, nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn gì!

Món nem Giao Thủy khá cầu kỳ trong cách chế biến. Nem làm từ thịt nạc mông của con lợn khỏe mạnh. Miếng thịt phải được chế biến ngay sau khi cắt ra từ con lợn mới thịt mà không được rửa để giữ vị ngọt, dẻo, ngon.Sau khi lọc bì và nạc riêng rẽ, phần thịt nạc được luộc chín tới, thái to bản, dọc thớ, thật mỏng, sao đó lấy sống dao dần cho mềm. Phần bì, sau khi làm sạch lông, luộc rồi lạng sao cho thật mỏng, thái thành từng miếng nhỏ theo chiều dài sao cho đều nhau.

Ảnh minh họa.

Muốn có món nem ngon thì thính trộn nem phải ngon. Thính này được làm bằng gạo Hải Hậu. Gạo ngâm qua đêm, để ráo nước, đem đi rang vàng rồi nghiền ra cho mịn. Trộn lẫn cả thịt, bì với thính cùng một chút nước mắm, tỏi sao cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Sau đó, gói thành từng nắm, bọc trong lá sung, lá chuối để nem lên men.

Ăn nem nắm không thể thiếu nước mắm ngọt ngọt, chua chua, cay cay cùng vị đắng của các loại lá ăn kèm như lá sung, lá đinh lăng, lá mơ.

Hòa An (Tổng hợp) – khoahocphattrien.vn


TOP