Ốc nóng chiều đông

Ốc nóng chiều đông

Mùa đông, trời càng lạnh, nước trong các hồ, ao càng trong vắt, có thể nhìn thấu cả đáy. Trong vườn nhà, những cây sắn gạc nai lá bắt đầu chuyển sang màu vàng tươi rồi rụng, trơ ra từng đoạn thân khẳng khiu, khô khốc.

Mẹ tôi sau khi dỡ hết củ bao giờ cũng buộc cây sắn thành từng bó, vứt xuống ao. Bẵng đi vài hôm, mẹ gọi chúng tôi đi thu hoạch ốc.

Mấy đứa so đầu rụt cổ nghĩ đến trời lạnh thế này, lội xuống ao bắt ốc có mà rét cóng. Chúng tôi xúm xít đứng trên bờ, chăm chú dõi theo mẹ dùng chiếc sào dài, nhẹ nhàng kều những bó cây sắn vào sát cầu ao.

Lũ trẻ reo lên thích thú mỗi khi mẹ nhấc bó sắn lên, cơ man nào là ốc bám xung quanh. Trời lạnh, ít người đi mò nên ốc sinh sôi thật nhiều và béo, con nào con ấy tròn vo, miệng đầy ắp.

Chúng tôi giúp mẹ gỡ ốc cho vào rổ, loáng cái đã được lưng rổ. Mẹ giục các con rửa tay, vào bếp đốt lửa sưởi kẻo lạnh, còn mẹ thì chà xát quanh vỏ ốc, chao xuống nước mấy lần cho bớt rong rêu, bùn đất.

Mẹ ngâm ốc vào chậu nước vo gạo đặc, bỏ thêm vài lát ớt cay để ốc nhanh nhả hết nhớt bẩn. Đến chiều, chúng tôi đi hái gai bưởi chuẩn bị sẵn.

Mẹ cắt lá sả lót dưới đáy nồi, rửa sạch ốc đổ vào nồi, bên trên lại rải đều một lớp lá chanh. Nồi ốc vừa sôi bùng trên bếp, hương thơm của lá sả, lá chanh ngào ngạt bay ra tận ngõ.

Chúng tôi mỗi đứa một cái ghế con, ngồi vây quanh chiếc mẹt đặt giữa sân. Bát nước chấm có đủ tỏi, gừng, củ sả giã nhỏ, mấy khoanh ớt đỏ tươi, lá chanh thái chỉ, toàn là cây trái vườn nhà, tỏa mùi thơm thật hấp dẫn.

Bên cạnh đó là bát sung thái lát mỏng cũng đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Mẹ nhanh tay múc liền mấy bát, cầm con ốc trên tay vẫn còn bỏng giẫy.

Ốc béo khi luộc lên bao giờ cũng có lớp mỡ trắng đọng ngay sát vảy. Chúng tôi cầm gai bưởi, nhẹ nhàng khêu xoắn vòng quanh để con ốc không bị đứt ruột.

Thịt ốc giòn sần sật, ngọt và đậm đà, béo mà không ngán. Những ngày trời rét buốt, quây quần bên nhau, thưởng thức món ốc nóng hổi cùng với nước chấm cay xè, vừa ăn vừa xuýt xoa, cảm giác như bao nhiêu giá lạnh của mùa đông tan biến hết.

Khi các con ăn xong, mẹ tôi còn múc một bát tô nước ốc để mỗi đứa uống vài ngụm cho khỏi lạnh bụng. Mẹ cẩn thận phòng xa như thế, chứ với chúng tôi – những đứa trẻ đồng chiêm trũng vốn được nuôi lớn bằng con cua, con ốc, bụng dạ có hề gì.

Rồi chúng tôi trưởng thành, lần lượt rời xa vòng tay chở che và sự chăm chút của mẹ, lên thành phố làm việc. Nơi phố thị, biết các con chẳng thiếu những món ngon.

Nhưng mỗi lúc gió lạnh tràn về, mẹ tôi khi thu hoạch củ sắn gạc nai vẫn giữ thói quen chặt thân cây thả xuống ao cho ốc bám vào, đợi các con về xúm xít giữa sân, tranh nhau chấm mút, xuýt xoa như thuở còn thơ bé./.

Lam Hồng (Báo Nam Định)


TOP