Lạ kỳ với nghề đồng nát ở Thành Nam

Lạ kỳ với nghề đồng nát ở Thành Nam

“Ai đồng chì, nhôm bẹp, dép rách, xoong nồi, lông ngan, lông vịt bán đi…”. Tiếng rao đã trở thành “thương hiệu” của những người làm nghề thu mua phế liệu, nghề mà người ta thường gọi dân dã bằng hai tiếng: “Đồng nát”.

Nghề đồng nát nhọc nhằn vất vả, nhiều lúc bắt gặp những thái độ khinh thường cũng khiến cho họ tủi thân. Nhưng giữa cuộc sống bộn bề, họ đều chấp nhận và vượt qua khó khăn để kiếm những đồng tiền chân chính vun đắp cho gia đình nhỏ bé của mình.

Người xưa nói về nghề này là “vốn ăn mày, lãi quan viên”, bởi chỉ cần ít vốn, lại cải thiện được thu nhập trong những lúc nông nhàn giúp cho cuộc sống bớt khó khăn. Gặp họ ở Thành Nam, tôi có cảm tưởng rằng bao nhiêu năm tháng qua, nghề này không thay đổi.

Bất cứ thứ gì cũng có thể chở trên những những chiếc xe đạp, từ giấy bìa, lon bia cho đến sắt thép phế liệu.


Nghề đồng nát chẳng biết có từ bao giờ, nhưng hình ảnh những người phụ nữ trên những chiếc xe đạp rong ruổi trên những con phố cổ ở Nam Định đã trở nên rất quen thuộc trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây. Nghề này cũng chẳng kén người làm, chỉ cần chăm chỉ, nhẫn lại với một chút vốn liếng ít ỏi là có thể đi hành nghề khắp các con đường góc phố.

Mỗi ngày phải di chuyển quãng đường từ 20-30km, chiếc xe đạp là người bạn đồng hành của những người làm nghề đồng nát. Nó giúp họ đi lại để thu mua và cũng chính là phương tiện vận chuyển hàng về các điểm thu gom tập trung trong thành phố.

Giờ nghỉ trưa cũng là lúc những người đồng nát tập trung tại những điểm thu mua phế liệu để bán lại và cũng là lúc nghỉ ngơi. Bữa trưa đạm bạc của những người đồng nát đôi khi chỉ là bún với nước canh dưa hay đơn giản chỉ là bát cơm nguội mang đi từ sáng sớm.

Mỗi lần ngồi cùng nhau phân loại phế liệu, tiếng nói cười rộn rã của họ làm vơi đi những nhọc nhằn trong công việc.


Theo: Báo Mới


TOP