Cô gái Nam Định chạy từ cánh đồng tới Olympic

Cô gái Nam Định chạy từ cánh đồng tới Olympic

Hành trình của Nguyễn Thị Huyền đến Olympic 2016 giống như một câu chuyện cổ tích, và chính VĐV người Ý Yên (Nam Định) đóng vai cô bé Lọ Lem. Gian khổ đã tôi luyện cho Huyền nghị lực, bản lĩnh để trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 20 năm, điền tên mình vào hành trình đến Thế vận hội của điền kinh Việt Nam.

Nguyễn Thị Huyền (giữa) trong đội hình đội tuyển quốc gia.

Nguyễn Thị Huyền (giữa) trong đội hình đội tuyển quốc gia.


Mồ côi cha từ nhỏ

Nguyễn Thị Huyền sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại huyện nghèo Ý Yên, Nam Định. Tuổi thơ của cô gái sinh năm 1995 là chuỗi ngày cực khổ khi phải làm trụ cột gia đình quá sớm. Mồ côi cha, còn mẹ thì ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chị gái Huyền lại mắc chứng bệnh thần kinh nên cũng không tự lo được cho bản thân chứ nói gì đến chuyện giúp đỡ gia đình.

Một tuổi thơ cơ cực, nhọc nhằn và chịu nhiều thiệt thòi, hi sinh, nhưng những tháng ngày ngược xuôi lao động vất vả trên cánh đồng làng để mưu sinh, đã giúp “Lọ Lem” Nguyễn Thị Huyền tôi luyện được ý chí và đôi chân rắn rỏi.

Năm 2008, Huyền đã được tuyển thẳng vào trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh Nam Định khi cô bé quê mùa đen đúa, gầy còm xuất sắc băng băng về đích như một mũi tên trong cuộc thi học sinh giỏi TDTT cấp huyện. Từ thời điểm đó, giới chuyên môn đã đánh giá Huyền chính là viên ngọc thô của điền kinh Việt Nam.

Quan niệm sống và động lực để Nguyễn Thị Huyền vươn lên, chính là gia đình của mình. “Hoàn cảnh khó khăn thôi thúc tôi phải luôn nỗ lực để mẹ và chị được tận hưởng một chút gì đó đầy đủ của cuộc sống. Thương mẹ đau yếu, thương chị mắc chứng bệnh thần kinh quái ác. Đối với tôi, mỗi chiến thắng trên đường chạy có sự đóng góp rất lớn từ gia đình”, Huyền chia sẻ.

Huyền được gọi lên ĐTQG, nhưng cô vẫn chỉ được xem như một VĐV trẻ triển vọng. Suốt giai đoạn chuẩn bị trước SEA Games 28 năm 2015, Huyền chỉ tập huấn trong nước, dưới sự dẫn dắt của một ông thầy nội không mấy tên tuổi. Ở đội tuyển, Huyền luôn phải đứng sau bóng, cùng cả áp lực lớn từ đồng đội xuất sắc Quách Thị Lan, người đoạt HCB ASIAD 2014. Trong khi đó, cả bề dày thành tích, kinh nghiệm của Huyền cũng chưa là gì, so với hàng loạt cái tên ở đội tuyển điền kinh.

Nhưng, chỉ trong đúng 6 tháng, từ một chân chạy gần như vô danh ngay ở tầm Đông Nam Á, Nguyễn Thị Huyền vụt sáng thành ngôi sao của châu lục, một hiện tượng đặc biệt mà hàng thập kỷ điền kinh và thể thao Việt Nam mới có được. Đó kỷ lục của tuyển thủ 20 tuổi người Nam Định tại SEA Games 28, giành chuẩn B Olympic và ngay sau đó là hai HCV ở Grand Prix châu Á.

Tiền thưởng giúp mẹ và chị chữa bệnh

Những CĐV Việt Nam có mặt trên khán đài SVĐ Quốc gia Singapore, cũng như khán giả trong nước xem trực tiếp qua truyền hình chắc hẳn sẽ không thể quên hình ảnh về những giọt nước mắt hạnh phúc của Nguyễn Thị Huyền trong vòng tay của người thầy Vũ Ngọc Lợi, khi chân chạy người Nam Định xuất sắc giành HCV 400m rào nữ và đạt chuẩn Olympic để có vé tới Rio 2016.

Cô gái quê Nam Định đã thành công ngoạn mục, thành công một cách vững chắc và thuyết phục, mang tính đẳng cấp rõ ràng, chứ không hề có bất cứ dấu ấn của sự may mắn hay xuất thần. Các chuyên gia điền kinh nhận xét “cuộc vượt ngưỡng” của nhà vô địch SEA Games đến nhờ ý chí và nội lực phi thường. Dựa trên một nền tảng, quá trình chắc chắn và đầy đủ, cô đã vượt lên một tầm mới bằng một khối lượng tập luyện cao, gắn với khát khao và kể cả một chút gì đó chạnh lòng, buồn tủi khi không được ra nước ngoài tập huấn như các đồng đội.

Với Huyền, kỳ tích tại SEA Games 28 còn hơn cả một giấc mơ. Nhưng những thành quả Huyền nhận được, thực sự cũng vượt ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc sống của Huyền và gia đình đã hoàn toàn thay đổi.

Ngay sau khi trở về từ Singapore, cả xóm nhỏ ở xã Yên Minh (Ý Yên, Nam Định) rộn ràng, với một niềm tự hào về cô gái đầy nghị lực và giỏi giang Nguyễn Thị Huyền khi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm, động viên Huyền cùng gia đình và tặng một sổ tiết kiệm 400 triệu đồng. Món quà vô giá cả về tinh thần lẫn vật chất giúp người mẹ già và chị gái thua thiệt của Huyền có thể yên tâm trong cuộc sống thường ngày, cũng như chữa bệnh.

Với thành tích vừa đạt được tại Singapore và Thái Lan, Nguyễn Thị Huyền nhận được không ít tiền thưởng. Tuy nhiên, cô gái người Nam Định không dám phóng tay mua cho bản thân thứ gì, bởi ngoài tiền gửi về cho mẹ và chị, cô còn phải dành dụm để đóng tiền học.
Bước chậm để nhìn lại mình

Tại SEA Games 2015, Nguyễn Thị Huyền đã lập kỳ tích khi trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên vượt chuẩn Olympic. Thế nhưng, cũng chỉ sau SEA Games không lâu, Huyền cùng cả làng điền kinh phải đón nhận “hung tin” khi hai thông số vượt chuẩn (52 giây 00 nội dung 400m và 56 giây 15 nội dung 400m rào) không đủ giúp cô lọt vào danh sách các VĐV giành quyền dự Olympic theo quy định.

Tình thế càng trở nên bế tắc bởi Huyền không cải thiện được thành tích, số lượng VĐV đạt và vượt chuẩn Olympic trên thế giới ngày càng đông. Có lúc chính các nhà quản lý huấn luyện cũng xác định Huyền coi như phải quên đi hai chuẩn Olympic đó để tìm cơ hội tại các cuộc đấu loại khác.

Sự thật là sau những phút thăng hoa giành được chuẩn B Olympic, Nguyễn Thị Huyền gặp nhiều sóng gió trong tập luyện. Chính HLV Vũ Ngọc Lợi của cô từng lên báo chia sẻ rằng thầy trò khó hợp tác do VĐV chểnh mảng tập luyện vì hướng tới hào nhoáng bên ngoài.

Huyền vắng mặt hầu hết các giải và ít khi xuất hiện. Những thông tin về chân chạy người Nam Định trên đều chỉ là kết quả trong tập luyện. Huyền là người khá kiệm lời. Nếu gặp hỏi gặng về chuyện tập luyện chuẩn bị Olympic thế nào, cô gái với vóc dáng thướt tha này chỉ cười nhỏ nhẹ rằng mình cố hết sức.

“Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam đã phải chịu nhiều sức ép. VĐV điền kinh trong hành trình tìm vé Olympic luôn áp lực nhất. Áp lực vì môn này được chú ý hơn cả cũng như nhà quản lý không chấp nhận điền kinh “trắng” vé Olympic.

Với Huyền, khoảng thời gian từ SEA Games 26 tới đầu năm 2016 giống như một khoảnh lặng, cô bước chậm để nhìn lại mình chứ không đầu hàng. Huyền nỗ lực tham dự một số giải từ đầu năm và cô đạt những thành tích rất khích lệ. Mới đây, một tin vui đã đến với điền kinh Việt Nam cũng như cá nhân Nguyễn Thị Huyền.

Theo quy định mới tại Olympic 2016 ở môn điền kinh (không xét chuẩn A-B mà lấy từ trên xuống dưới), Huyền đã “sống” lại hy vọng dự Thế vận hội. Và, cuối cùng thì Liên đoàn điền kinh thế giới chính thức công bố danh sách VĐV được dự Olympic 2016, trong đó có Nguyễn Thị Huyền.

Cùng với người đồng đội Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Huyền đã có vé tới Olympic. Từ đồng ruộng, “Lọ Lem” Nguyễn Thị Huyền đã chạy tới sân chơi Thế vận hội, trên con đường đầy chông gai và chắc chắn gian nan vẫn ở phía trước, nhưng như thế chiến thắng sẽ càng trở nên đẹp và ý nghĩa.

An Chi – Daidoanket.vn


TOP