Không thể tin nổi: Con ngõ "không điện, không nước, không người quản lý" giữa lòng thành phố Nam Định

Không thể tin nổi: Con ngõ “không điện, không nước, không người quản lý” giữa lòng thành phố Nam Định

Hơn 10 năm nay, khoảng 200 hộ dân phải sống trong cảnh 3 không tức “Không điện, không nước, không người quản lý”.
Ngay giữa lòng thành phố Nam Định, nơi được xếp vào đô thị loại I, nhưng hơn 10 năm nay, khoảng 200 hộ dân sống tại ngõ 186 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Trần Quang Khải đã phải sống trong cảnh 3 không, tức “Không điện, không nước, không người quản lý”.

Những hộ dân đang sống tại ngõ 186 đều rất bức xúc khi hàng chục năm nay họ phải sống như những người ngoài xã hội. Chính quyền không đoái hoài gì đến và coi họ như những người cư trú bất hợp pháp. Không có hộ khẩu, tạm trú đồng nghĩa với việc họ không có tất cả, nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như điện, nước để đảm bảo sinh hoạt họ phải đi mua nhờ gía cao. Con cái đến tuổi đi học, đi làm chính quyền không xác nhận.

Ngõ 186, đường Nguyễn Văn Trỗi hiện có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống trong tình trạng 3 không.

Ngõ 186, đường Nguyễn Văn Trỗi hiện có khoảng 200 hộ dân đang sinh sống trong tình trạng 3 không.


Đa phần những người đến định cư ở khu vực này là do họ gặp khó khăn, mỗi người mỗi cảnh chỉ vì thấy đất rẻ thì họ đến mua, dù biết đất này không có sổ đỏ. Kiểu mua “nhảy dù” diễn biến từ năm này sang năm khác mà không hề có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, theo như quan sát có rất nhiều hộ dân trong ngõ 186 xây dựng nhà khá khang trang từ 2 đến 3 tầng, khi hỏi người dân thì được biết, khi xây nhà chính quyền địa phương cũng không có ý kiến gì, nên họ cũng cứ tự ý xây dựng.

Những ngôi nhà mọc lên mà chính quyền không có ý kiến gì.

Những ngôi nhà mọc lên mà chính quyền không có ý kiến gì.


Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Tâm, 68 tuổi, người dân đang sống tại ngõ 186 cho biết: “Gia đình tôi ở ngõ này đã gần chục năm rồi, từ khi về đây chúng tôi phải sống trong tình trạng không điện, không nước, không có người quản lý. Lên xin chính quyền địa phương làm tạm trú thì chính quyền không cho phép. Vì không có sổ tạm trú nên chúng tôi phải đến xin nhờ các hộ dân khác có điện để mua điện, nước sạch chấp nhận giá thành cao. Điện 4 nghìn đồng/Kwh, nước 13 nghìn đồng/m3.

Con cháu chúng tôi đến tuổi đi học, đi làm gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin giấy tờ. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền vẫn không đồng ý. Phường trả lời rằng Phường chưa có chủ trương và phường không dám quyết cho chúng tôi. Gia đình tôi trước kia sống tại phường Năng Tĩnh, TP Nam Định nên mỗi lần xin chứng giấy tờ chúng tôi lại phải tìm cách quay lại phường cũ để xin dấu xác nhận”.

Ông Nguyễn Văn Tâm (bên trái) và ông Hoàng Công Xá (bên phải) trao đổi với PV.


Ông Hoàng Công Xá, 71 tuổi, người đã sống tại ngõ 186 từ năm 2000 đến nay cho biết: “Ngõ 186 có khoảng hơn 200 hộ dân đang sinh sống, hầu hết để cho con cái đi học, đi làm họ phải quay lại phường cũ nơi đăng ký hộ khẩu trước đó để xin xác nhận giấy tờ hoặc phải tìm cách nhập khẩu cho con cái vào những gia đình người quen để cho các cháu có thể đi học ở nơi khác. Chúng tôi đã lên phường xin cấp giấy tạm trú nhiều lần nhưng không được chính quyền cho phép, tôi cảm thấy như mình đang sống vô gia cư, vô chính phủ”.

Tuyến đường nội bộ một số hộ dân tại ngõ 186 tự góp nhau mỗi hộ vài triệu để xây dựng.


Để làm rõ hơn về khu dân cư “3 không” tại ngõ 186, đường Nguyễn Văn Trỗi, PV đã 2 lần đến UBND phường Trần Quang Khải để liên hệ làm việc, tuy nhiên đều nhận được câu trả lời là lãnh đạo bận họp.

Khi yêu cầu được đặt lịch làm việc vào một ngày khác thì một cán bộ phường Trần Quang Khải trả lời rằng: “Cái này em đến sau nhé, chị về chị hỏi sếp, biết sao được mà trả lời em luôn”.

Minh Trang – Phapluatplus.vn


TOP