Nghị lực phi thường của chàng trai mang tên “thằng ngốc“

Nghị lực phi thường của chàng trai mang tên “thằng ngốc“

Đặng Xuân Chinh vượt lên số phận để nuôi ước mơ vào đại học.

Đặng Xuân Chinh vượt lên số phận để nuôi ước mơ vào đại học.


Là một cậu bé thiệt thòi từ nhỏ, Đặng Xuân Chinh (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã vượt qua mặc cảm và tật nguyền để thực hiện ước mơ vào Đại học. Chàng trai là tấm gương nghị lực phi thường cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Kỳ tích của “thằng ngốc”

Vừa lọt lòng mẹ, Xuân Chinh đã không cất tiếng khóc chào đời như bao đứa trẻ khác. Khi mặt tím tái, bị nghẹt và tưởng như thần chết đang đến gần thì bác sĩ kịp thời xử lý khiến cậu bé thoát chết.

Thế nhưng, chỉ 2 tuần sau, thấy con có những biểu hiện bất thường, quấy khóc và không ngủ được. Bố mẹ cho Chinh vào bệnh viện và chết đứng khi bác sĩ báo: Cho cháu về nhà ngay, chúng tôi không chữa được. Đó là tin sét đánh đối với đôi vợ chồng nông dân nghèo. Nhưng dường như kỳ tích đến với Chinh khi cậu bé lại ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Niềm vui chưa dứt thì khi lên 2 tuổi, Chinh có những biểu hiện bất thường: Phải bế ẵm thường xuyên và không biết nói, khóc thường xuyên.

Mẹ Chinh như xát muối vào tim nhưng vẫn tin rằng còn có những điều kỳ diệu. Hai vợ chồng bà chạy vạy khắp nơi, trong nhà có vật gì giá trị cũng cố gắng cầm cố để chữa bệnh cho con.
Lên 4 tuổi, dường như không còn hi vọng gì khi con vẫn chưa biết nói, chưa một lần gọi mẹ và cũng không biết đi. Thế nhưng, bố mẹ Chinh muốn con được hòa nhập với xã hội, bạn bè nên xin cho con đi học.

Cuộc sống dường như lại mỉm cười với cậu bé, Chinh có thể bập bẹ nói, đi liêu xiêu không vững nhưng đó cũng là niềm vui lớn đối với cả gia đình. Chinh đi học và phát triển chậm hơn các bạn nhưng cậu luôn cố gắng từng phút, từng ngày để nuôi dưỡng ước mơ được học.

Đó cũng là những tháng ngày Chinh đau khổ nhất. Ở nhà thì gắn liền với những đợt máy móc điều trị, những viên thuốc đắng ngắt phải uống đúng giờ.

Đến lớp, bạn bè cười nhạo gọi Chinh là “thằng ngốc”. Vậy là Chinh lớn lên trong nỗi mặc cảm tật nguyền, không nói được, cũng không đi lại bình thường được. Những giọt nước mắt chảy dài theo năm tháng ấy lại nuôi dưỡng ước mơ vào Đại học của Chinh.

Mặc kệ những lời chọc ghẹo, dèm pha, cười đùa của bạn bè cùng trang lứa, Chinh học tập miệt mài để quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Gạt đi những giọt nước mắt thẫm đẫm mỗi ngày đến lớp, chàng trai ấy đã vùi đầu vào học tập, quên đi thể lực yếu kém và những ngày nghỉ học gián đoạn do sức khỏe quá yếu.

Ước mơ được báo hiếu bố mẹ!

Giờ đây, khi đã là sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Chinh nhớ lại: “Sự ám ảnh bị kỳ thị của bạn bè không làm mình buồn bằng lần mình làm bố mẹ khóc. Do ngày bé mình còn chưa hiểu hết nỗi khó nhọc của gia đình, nên em đã hỏi bố mẹ rằng sao nhà mình không xây nhà to. Thế rồi, chỉ ít lâu sau, bố mẹ đã xây nhà bằng tiền vay mượn. Sau này mình mới hiểu do thương con, thấy con thiệt thòi nên bố mẹ đã cố gắng bù đắp cho con cái.

Nhớ lại những đêm bố nhận làm thêm, đi vác hàng tấn thóc, những ngày mẹ đi cày thuê, cuốc mướn chữa chạy cho con, rồi lấy tiền cho con đi học lại thấy mình có lỗi lớn…”

Càng nghĩ càng thấy thương bố mẹ nhiều hơn nên Chinh quyết tâm học tập để sau này báo đáp công lao của to lớn của gia đình.

Chinh đang theo học Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính viễn thông. Tuy ngôn ngữ của Chinh không được nhanh nhạy như người bình thường và đi lại còn khó khăn nhưng chàng trai trẻ quyết tâm từng ngày.

Chinh học tập miệt mài, thường xuyên tìm tòi sáng tạo và được bạn bè, thầy cô quý mến. Ai nấy đều khâm phục nghị lực vươn lên của Chinh. Đó là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, ham học hỏi và có hiếu với cha mẹ của chàng trai trẻ.

Ngọc Trang – GDTD


TOP