Làng cổ Bách Cốc - Vụ Bản Nam Định

Làng cổ Bách Cốc – Vụ Bản Nam Định

Làng Bách Cốc chỉ cách thành phố Nam Định khoảng 7km về phía tây, cách huyện lỵ Vụ Bản chừng 4km về phía đông. Làng xưa thuộc tổng Trình Xuyên, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng. Nay Bách Cốc thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Theo thần phả vào thời vua Hùng Vương có 12 vị tổ xuôi thuyền theo dòng sông Hồng từ Bạch Hạc về cửa biển Côi Sơn khai khẩn dải bãi hoang sơ bên dòng sông Cốc lập nên làng Bách Cốc, xưa có tên là Bạch Cốc, nhớ ơn 12 vị có công khai phá, đề ở đình làng “Thập nhị tính gia tiên”.

Lăng Nguyễn Công Triều

Lăng Nguyễn Công Triều

Bách Cốc nằm giữa huyện Vụ Bản xưa thuộc vùng đất trũng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, ở đây chứa đựng những tập tục văn hóa đậm đà bản sắc. Nơi phát hiện được dấu vết cư trú của người thời đại đồ đá mới và văn hóa Đông Sơn. Đã tìm thấy nhiều di chỉ khảo cổ như trống đồng ở núi Gôi, di chỉ khảo cổ ở núi Hổ (xã Liên Minh), hang Lồ núi Lê (xã Tam Thanh), núi Ngăm (xã Minh Tân), núi Tiên Hương (xã Kim Thái)… Nhiều dòng họ đã về vùng này khai hoang, lập ấp. Còn để lại di tích: Đình Hồ Sen xã Vĩnh Hào, đền Riềng Đại Thắng, từ thời Hùng Vương… Góp phần làm sáng tỏ vùng đất cổ xung quanh Bách Cốc.

Ở Bách Cốc những đình làng, mếu mạo, chùa chiền, nhà thờ, văn bia, mộ chí, bằng sắc lưu giữ, tôn thờ phản ánh văn hóa phong phú đa chiều.

Trước nhất ta hãy đến những nơi thờ tự. Đầu tiên là đền Bách Cốc, đền có bức đại tự “Thượng đẳng linh từ”. Hậu cung thờ Thái hậu Dương Vân Nga, tương truyền bà đã từng về đây đốc thúc binh lương. Ghi dấu ấn của bà làng lập đền thờ tôn là Thần Hoàng làng. Gian ngoài thờ khai quốc công thần Bùi Ư Đài người đã cùng Nguyễn Trãi ở Lam Sơn phò nhà Lê. Được Lê Lợi phong làm Lễ bộ Thượng Thư. Bên phải thờ “Thập nhị tính gia tiên” – 12 vị tổ có công lập làng.

Chùa Bách Cốc – Hưng Long tự, có tấm bia đá “Bản xã tự bi”, lập năm Quang Hưng nhị niên (1579).
Miếu An Nhân, thờ Sùng Hi, tướng thời Đinh thế kỉ X.
Chùa Dương Lai khởi dựng từ thời Lê Chính Hoà.
Lăng Nguyễn Công Triều, Tước phương Nam hầu qua binh phiên thị nội giám, xây dựng năm 1700, bia mộ lập năm 1691.
Lăng Thản Thọ Hầu Nguyễn Công Thiệu, dựng năm Vĩnh Khánh thứ 7(1735).
Lăng mộ Bùi Huy Phan, từng làm quan Bố chính tỉnh Bình Định. Năm Tự Đúc thứ 15(1863), điều đi hộ phủ tại Quảng Yên, đuổi giặc bị chết ở Cát Bà, được tặng chức Tuần phủ.

Đặc biệt hai tấm bia có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật: bia chân dung Bùi Thị Muôn, mẹ Phương quận công Nguyễn Công Triều dựng năm Chính Hòa thứ 7(1686), bia đặt tại từ đường Nguyễn Công Triều.Bia “Nguyễn Công bi kí”, đặt tại chùa Bách Cốc, dựng năm Cảnh Hưng 46(1785) nói về vợ chồng Thản Thọ Hầu tứ vệ quân vụ Tham đốc Nguyễn Công Thiệu, có công tu sửa đền, giúp nước, giúp dân phát triển sản xuất.
Lăng Thủ quân đô đốc, Phó bảng Vũ Thiện Đễ từng làm tuần phủ Ninh Bình, có công chống Pháp.
Tại từ đường họ Bùi Huy có bia đá “Bùi tộc bi kí”, dựng năm Minh Mệnh, trong họ ai đỗ Tú tài sẽ được thưởng 5 quan tiền, đỗ Cử nhân được thưởng 10 quan tiền.
12 dòng họ ở Bách Cốc, mỗi họ đều có nhà thờ của họ mình.
Trong Địa chí Nam Định còn ghi: Bách Cốc, Đại Bi, Ôi Lỗi, Phú Lão, Nam Chấn có truyền thống múa rối nước trong những mùa lễ hội.

Bách Cốc còn được thể hiện qua cái nhìn khảo cổ: Từ năm 1994 GS SaKuRai cùng với 176 nhà khoa học của các trung tâm nghiên cứu thuộc 17 trường đại học quốc gia Tokio Nhật Bản, phối hợp với trường Đại học quốc gia Hà Nội; suốt 3 năm từ 1997 – 2000, bằng con mắt chuyên môn đoàn đã chọn 1 số địa điểm ở các xóm Bến Ngự, Dương Lai… đào bẩy phẫu diện sâu 1,5 – 4 m qua các tầng bồi tụ thu được khá nhiều hiện vật đồ đá, gốm, dụng cụ canh tác… Kết quả cho thấy đã có dấu vết hoạt động của con người ở thế kỉ III – IV, đặc biệt vào thời Trần, sự cư trú ổn định hơn. “Lịch sử cư trú tại làng Bách Cốc bắt đầu có từ thời tiền sử. Trong thế kỉ XVII khu vực Bách Cốc và chung quanh có hiện tượng mặt bằng cư trú…”. Đó là những phát hiện nghiên cứu, kết luận hết sức quan trọng về làng cổ Bách Cốc. Là cái nôi lúa nước từ thời Hùng Vương, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng. Hiện nay việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.

Những tư liệu trên đã được tập hợp trong 16 cuốn kỉ yếu thông tin Bách Cốc bằng cả tiếng Nhật và tiếng việt. Công trình này được tổ chức hội thảo chuyên đề năm 2002 ở Hà Lan, 2003 ở Hà Nội và 2007 ở Nhật Bản. Đây là một công trình đồ sộ dày công nghiên cứu có giá trị mang tầm quốc tế về làng Bách Cốc.

Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hình ảnh làng Bách Cốc là một nét đẹp đã được trình chiếu trong bộ phim phóng sự dài tập “Sông Hồng ký sự” đến với công chúng cả nước.

Xem vậy đủ biết Bách Cốc quả là một làng giàu truyền thông văn hóa, lịch sử lâu đời đã thể hiện trong nhiều nguồn tư liệu nêu trên, mà ở Việt Nam ta hiếm thấy làng nào được như vậy!

Nguồn: tranmygiong.vn


TOP