Di tích lịch sử, danh thắng thành Nam

Di tích lịch sử, danh thắng thành Nam

Từ xa xưa đến nay, Nam Định được coi là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích của triều Trần (thế kỷ XIII – XIV), cũng là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, danh sĩ, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp của các vị đó được sử sách ghi công, nhân dân tôn thờ. Qua các ngày lễ hội hàng năm, người dân Nam Định bày tỏ lòng ngưỡng mộ những vị anh hùng dân tộc đã sinh ra tại Nam Định hoặc đã chiến đấu trên mảnh đất này. Họ thờ cúng những những vị thành hoàng có công dựng xã, giúp dân và nêu cho dân xã những tấm gương sáng về học tập, lao động và chiến đấu. Bài học lịch sử luôn luôn là sức mạnh tinh thần cổ vũ nhân dân trong sự nghiệp chống giặc, giữ nước qua các kỳ lịch sử từ ngàn xưa cho đến hôm nay.
1. Đền Đá

Đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thờ ba vị tướng thời Hùng Duệ Vương.

Tích xưa kể rằng: ông Vũ Sơn người Châu ái (Thanh Hoá) chuyên bốc thuốc và dạy học, rời quê hương tìm đường sinh sống. Khi đến làng Kim Âu – huyện Giao Thuỷ – phủ Thiên Trường (nay là xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực) thấy phong cảnh hữu tình, dân cư đông đúc đã xin ở lại làm ăn. Ông có ba người con là Gia Sửu, Gia Ngọ và Vũ Uy. Ba anh em được cha mẹ cho ăn học chu đáo. Sau khi cha mẹ qua đời, ba anh em ra đầu quân và được vua Hùng Duệ Vương phong tướng.

Sau khi lập được nhiều chiến công, cả ba anh em trở về quê hương chia Kim Âu thành ba làng là Võ Lao, Thượng Lao, Nan Hà, khuyên dân chăm lo việc đồng áng, lấy cây lúa làm đầu, dựng nhà dạy học cho con em trong làng. Sau khi mất, ba ông được dân làng lập đền thờ.

đền đá nam định

đền đá nam định


2. Đền Vĩnh Lại
Đền Vĩnh Lại thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản. Ngôi đền này thờ Bạch Đẳng – Cao Lôi, hai vị tướng dưới thời Hai Bà Trưng.

Tương truyền, thời đó ở quận Phong Châu có ông Bạch Bằng, vợ là Hoàng Thị Đảng, ăn ở hiền lành, dốc lòng làm việc nghĩa. Hai ông bà sinh được cậu con trai khôi ngô, tuấn tú và đặt tên cho con là Bạch Đẳng. Năm 16 tuổi, cha mẹ ông qua đời. Sau khi báo hiếu cha mẹ, ông nghe danh Hai Bà Trưng là người có chí lớn nên tìm đến mong được góp phần vào việc đại nghĩa. Trưng Trắc nhận ông làm con nuôi, nên ông có tên là Nghĩa Nuôi.

Dưới trướng Hai Bà Trưng, Bạch Đẳng gặp Cao Lôi và hai người kết nghĩa anh em, cùng về trang Vĩnh Phúc – huyện Thiên Bản – phủ Nghĩa Hưng (nay thuộc xã Vĩnh Hảo – huyện Vụ Bản) để mộ thêm quân lính.

Tại trang Vĩnh Phúc, hai ông đã xây dựng đồn trong, đồn ngoài ở phía đông và phía tây khá kiên cố. Đồn xưa, nay không còn, nhưng dấu ấn vẫn in đậm trong tên các địa danh. Đó là khu đồng binh với cánh đồng Rậm, diện tích khoảng chừng hơn ba mẫu, cùng con bơn chạy dọc từ Đông sang Tây với tên gọi là đường Rậm như dãy thành đất che chắn ở mặt Bắc. Phía đông và đông nam đồng binh còn có dòng sông cổ, uốn khúc như một hào sâu án ngữ rất tiện lợi cho việc phòng thủ.

đền vĩnh lại nam định

đền vĩnh lại nam định


3. Đền Trần
Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc – xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Đền Trần gồm có đền Thiên Trường (gọi là đền thượng) và đền Cố Trạch (còn gọi là đền hạ) được xây dựng sát cạnh nhau, vốn trước đây là khu trung tâm của Hành cung Thiên Trường. Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần.

Tích xưa kể rằng: năm 1239, vua Trần cho dựng cung điện ở đây và giao cho Phùng Tá Chu chỉ đạo thi công. Lê Trác, người đương thời đã viết về hành cung này như sau: “ở nơi ấy nước thuỷ triều quanh thành, hoa cỏ bên bờ mùi hương xông ngát, có những thuyền trang hoàng đẹp đẽ qua lại trên sông, y như cảnh tiên vậy”.

Đền Cố Trạch thuộc Khu di tích đền Trần (xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định)
Tức Mặc là cung điện lớn thời Trần, nhưng đã bị giặc ngoại xâm tàn phá. Trong khu di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật quan trọng. ở đền Thiên Trường, người ta đã tìm thấy một đường cống thoát nước ngầm. Dưới lòng đất xung quanh đền Trần, đào xuống 0,2 – 0,3 m ở bất kỳ chỗ nào cũng gặp rất nhiều gạch ngói cổ. Trong đợt thám sát năm 1976, ở độ sâu 0,3 m, các nhà khảo cổ đã gặp tầng nền móng, trong đó có cả gạch bó kè. Những cánh đồng xung quanh đền với diện tích khoảng trên hai mẫu Bắc Bộ còn mang nhiều tên lịch sử như Kho Nhi, Nội Cung, Cửa Triều,… ở các địa điểm có liên quan đến di tích, các nhà khảo cổ đã phát hiện có nhiều đồ gốm, men nâu, đầu rồng, đầu phượng đất nung, gạch hoa, ngói mũi hài để trang trí trên các công trình xây dựng và nhiều đồ gia dụng như; bát, đĩa, thạp,… Thậm chí, nhiều đáy bát còn ghi chữ “Thiên Trường phủ chế”.

đền trần nam định

đền trần nam định

4. Đền Bảo Lộc (đền An Lạc hay đền Hà Lộc)

Đền Bảo Lộc thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng trên trang ấp cũ của An Sinh Vương Trần Liễu, thân sinh của Hưng Đạo Vương. Cách đền 600 m về phía đông, năm 1979, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật đời Trần như gạch hoa, đầu rồng đất nung, mô hình tháp, bát, đĩa,… Ngôi đền này nằm sát khu vực cung điện nhà Trần xưa, cung đệ tam, vườn lựu,…

Đền Bảo Lộc ban đầu được xây dựng ven sông Châu (Hoàng Giang) ngôi đền có ba gian bằng gỗ, thấp. Sau bờ sông bên này bị lở, đền được chuyển vào khu vực hiện nay với ba gian lợp rạ. Khi làm lại, đền được xây thành ba toà theo kiểu chồng diêm. Năm 1928, đền Bảo Lộc được trùng tu, tôn tạo với quy mô như hiện nay. Đền Bảo Lộc nằm chính giữa, bên trái là chùa, bên phải là phủ, phía sau là nhà Khải Thánh thờ cha mẹ Trần Hưng Đạo.

đền bảo lộc nam định

đền bảo lộc nam định


Đền Bảo Lộc cùng với đền Trần, chùa Tháp tạo thành một quần thể kiến trúc vừa có giá trị lịch sử cao, đồng thời lại là những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài nước. Hàng năm vào 20 – 8 âm lịch (ngày mất của Quốc Công Tiết chế) đã trở thành ngày hội truyền thống “tháng tám hội cha tháng ba hội mẹ”. Khách hành hương sẽ đi trọn con đường: Bảo Lộc – Trần Hương – Kiếp Bạc, có như vậy, mới hiểu biết hơn về đức thánh Trần, một con người “Võ công, văn trị” sáng mãi ngàn thu.
5

5. Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, được xây dựng vào năm 1262 dành cho việc thờ Phật của vua quan quý tộc nhà Trần. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chữ công, đồ án kiến trúc sớm nhất của Việt Nam. Ngoài thờ Phật, chùa là nơi thờ phụng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang – ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Phật giáo mang tính độc lập và sáng tạo của tư tưởng Việt Nam. Trong những năm 1970, việc đào thám sát khảo cổ đã chứng minh, chùa Phổ Minh là địa điểm có nhiều di sản văn hoá thời Trần như chân cột chạm cánh sen, rồng đá, sóc đá, đồ gốm. Đặc biệt, tháp Phổ Minh cao 19,51 m, 14 tầng (được xây dựng từ thế kỷ XIV) còn khá nguyên vẹn là bằng chứng sinh động nhất của thời Trần còn lại đến hôm nay.

chùa phổ minh nam định

chùa phổ minh nam định


6. Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang)
Chùa Keo Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng – huyện Xuân Trường là quần thể kiến trúc với 13 toà rộng, dãy dài gồm 121 gian nối tiếp nhau, soi bóng xuống mặt hồ. Gác chuông trước cửa chùa có kiến trúc kiểu tam quan nội năm gian, chồng diêm, mái cong, bờ cánh kẻ bẩy uốn lượn. Phía dưới là tám đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh sen nở. Phần trên, kết cấu theo kiểu chồng rường đỡ mái. Những mảng cuốn ở các vì và các then ngang, đố dọc mang phong cách thuộc thời Hậu Lê. Hai bên đường kiệu lát gạch, kế liền là hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.
chùa keo hành thiện

chùa keo hành thiện


Tiền đường năm gian, mái cong, toà đệ nhị ba gian, toà thờ Phật và ba toà sau thờ Thánh tổ Thiền sư Không Lộ. Cuối cùng là 10 gian nhà tổ. Chùa còn lưu giữ những di vật có giá trị của thế kỷ thứ XVII: án thư, sập thờ, tượng pháp, chuông khánh, văn bia, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về lịch sử chùa Keo. Kể từ ngày khởi dựng, chùa Keo Hành Thiện đã được tu sửa nhiều lần vào các năm: Hoằng Định thứ 13 (năm 1612), Cảnh Trị thứ 9 (năm 1671), Chính Hoà thứ 25 (năm 1704), Thành Thái thứ 7 (năm 1896). Năm 1962, chùa Keo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá.

Hàng năm, chùa mở hội hai lần vào dịp tết Nguyên Đán và hội tháng 9 (mở vào ngày 13, 14, 15) để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Trong đó, hội tháng 9 được tổ chức trọng thể. Ngoài những nghi thức mang tính tôn giáo, hội tháng 9 còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, vào ngày hội, không chỉ nhân dân trong vùng mà du khách thập phương trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo về dự hội.

7. Chùa Cổ Lễ (chùa Thần Quang)

Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, một di tích lịch sử – văn hoá, thắng cảnh nổi tiếng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Chùa Cổ Lễ do Hoà thượng Phan Quang Tuyên xây dựng vào tháng 11 năm 1920. Hoà thượng đã hạ giải ba chùa nhỏ đều ở làng Cổ Lễ, tương truyền do Thiền sư Nguyễn Minh Không lập vào thế kỷ thứ XII thời Lý. Chùa dựng trên một nền đất vuông, có sông nhỏ và hồ bao quanh.

Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã từng chữa cho vua Lý Thần Tông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Trong kháng chiến chống Pháp (năm 1947), chùa Cổ Lễ là nơi làm lễ xuất phát cho 29 vị sư tự nguyện cởi áo cà sa ra mặt trận giết giặc cứu nước. Nhà sư Phạm Thế Long, người kế tục Hoà thượng Phạm Quang Tuyên trụ trì ngôi chùa này đã tham gia kháng chiến, sau này trở thành Hoà thượng, ông đã giữ nhiều trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

chùa cổ lễ

chùa cổ lễ


8. Cột cờ Thành Nam
Cột cờ Thành Nam được xây dựng vào thế kỷ thứ XIX. Theo “Đại dư thuế lệ”, cột cờ Thành Nam xây cùng thời với cột cờ Hà Nội (năm 1812). Công trình này được bổ sung nhiều lần, nên đến năm Quý Mão (năm 1843) mới hoàn thành.

Cột cờ Nam Định được xây dựng từ thời Nguyễn (1912 – 1943)
Cột cờ Thành Nam cao 23,84 m – công trình kiến trúc cao nhất trong thành Nam Định, được xây vào năm Gia Long thứ 11 (năm 1812) ở phía nam nội thành, cách Vọng Cung khoảng 100 m. Cột cờ được xây trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên trên. Tầng dưới cũng hình vuông mỗi cạnh 16,33 m, cao 2,40 m. Hai phía Đông và Tây của tầng một có hai cầu thang 10 bậc, xây bằng gạch dẫn lên tầng hai. Tầng này mỗi cạnh 11,42 m, cao 3,10 m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Đông có hai chữ “nghênh húc” (đón ánh sáng ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ “hướng quang” (hướng theo đức sáng).

Cột cờ Thanh Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27-3-1883, tàu chiến Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong thành. Trong đó, một phát đạt đã bắn trúng cột cờ ở độ cao 11 m, cắm sâu vào cột cờ 4 cm, đường kính 6 cm.

Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, đảng viên lấy cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay giặc Mỹ đánh phá. Đỉnh cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hảo – tự vệ Nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu.

Cột cờ Thành Nam được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Nhà nước theo Quyết định số 313 ngày 28-4-1962.
12650762_1673405452911027_1478050677_n
9. Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Nhà lưu niệm thuộc xóm Bảy, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, nơi sinh trưởng của đồng chí Trường Chinh. Ngôi nhà này do ông Đặng Xuân Bảng xây dựng năm Nhâm Dần (năm 1903) cho người con thứ tư là Đặng Xuân Viện – cụ thân sinh của đồng chí Trường Chinh.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (xóm Bảy, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường)
Nhà trên gồm 5 gian làm bằng gỗ lim, hướng nam, hai hồi và tường xây bằng gạch. Hai gian buồng ở hai đầu, có bức chạm ngăn cách với khu nhà khách ở giữa. Cửa hồi phía đông thông xuống bếp rồi đến dãy nhà ngang lợp bổi, gồm năm gian nhỏ. Phía trước có tường hoa, sân gạch và một ao nhỏ nằm sát ở phía ngoài đường giong. Bờ ao có một số cây lưu niên. Giáp đường là hàng dậu bằng tre được xén ngay ngắn. Lối vào là cổng gạch được xây dựng khá cổ kính. Bên cạnh khu nhà là nhà khách – nhà trưng bày lưu niệm, trước đây là nhà của ông Đặng Xuân Tiết – anh ruột của ông Viện. Đây cũng là ngôi nhà năm gian, bằng gỗ lim, nằm cùng dãy quay hướng Nam như nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh.

Khu nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh là di tích lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ nhiều trọng trách quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh


10. Bãi biển Quất Lâm

Khu du lịch biển Quất Lâm thuộc huyện Giao Thuỷ có quy hoạch rộng 58 ha, chính thức được khai thác từ năm 1999. Khu trung tâm của Quất Lâm hình thành tự nhiên hai hồ lớn, mỗi hồ khoảng 10ha. Trong tương lai, hồ sẽ được kè bờ làm đường xung quanh và xây dựng khách sạn cao tầng, nhà hàng, khu câu cá, khu bơi thuyền, khu thuỷ cung,… Dọc theo bãi tắm, năm 2003 đã xây dựng đường bê tông, đặc biệt bãi biển Quất Lâm là bãi biển hoang sơ và đẹp, môi trường trong sạch. Quất Lâm đã thu hút nhiều thành phần kinh tế đến đầu tư xây dựng. Trong tương lai, Quất Lâm sẽ trở thành khu đô thị biển sầm uất của tỉnh Nam Định.
biển quất lâm nam định

biển quất lâm nam định


11. Bãi biển Thịnh Long

Biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu) đã trở thành khu nghỉ mát từ những năm 1940. Song phải đến những năm 1960, khi Công đoàn tỉnh Nam Định đầu tư xây dựng khu nhà nghỉ thì nơi đây mới được nhiều người dân biết đến. Ba năm lại đây, sau khi xã Hải Thịnh được Chính phủ cho phép nâng cấp thành thị trấn Thịnh Long, khu du lịch biển Thịnh Long mới trở nên sầm uất. Để khai thác tiềm năng của kinh tế biển nơi đây, Thịnh Long đã được tỉnh đầu tư xây dựng cảng biển thương mại.

Bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu
Quy hoạch thị trấn biển ngày càng rõ nét. Thị trấn đã đầu tư xây dựng các tuyến đường rải nhựa theo trục dọc, ngang. Một số nhà nghỉ cao tầng cùng nhà nghỉ Công đoàn, khu nhà nghỉ của công nhân Dệt đã tạo thành một quần thể đón khách du lịch trong mùa hè. Nước biển Thịnh Long có độ mặn cao, bãi tắm thoải, sóng vỗ ì ầm suốt ngày đêm. Với những lợi thế sẵn có, Thịnh Long đã trở thành điểm hẹn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Mùa du lịch hè năm 2003, Thịnh Long có ngày đón hàng nghìn du khách từ thủ đô Hà Nội và các địa phương trong tỉnh.

Khu du lịch biển Thịnh Long đang mở rộng, phát triển trong chiến lược khai thác kinh tế biển của tỉnh, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà kinh tế trong và ngoài nước.

biển thịnh long nam định

biển thịnh long nam định


12. Khu bảo tồn quốc tế Ramsar

Đây là bãi bồi ngập mặn, gồm Cồn Lu và Cồn Ngạn của huyện Giao Thuỷ. Khu vực này có nhiều bãi triều rộng, nhiều khu rừng xanh tốt. Tháng 1-1989, nơi đây đã được ghi nhận là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của khu vực Đông Nam á. Khu vực này được hình thành tự nhiên do phù sa sông Hồng đổ ra biển gặp dòng hải lưu dồn tụ chất màu của đất vào đây. Hạt của nhiều loại cây ngập mặn các châu lục bồng bềnh trên mặt biển theo sóng dạt vào. Gặp đất tốt, hạt nảy mầm nối nhau thành rừng ngập mặn và tự nó giữ lại những gì mà thiên nhiên ban tặng. Rừng ngập mặn ở đây gồm nhiều loại cây như: trang sú, bần, muồng biển, lau sậy… Các cây này tham gia chắn sóng tạo điều kiện cho hàng chục loại tảo, phù du phát triển. Kho thức ăn vô tận mà thiên nhiên ban tặng đã thu hút nhiều loài quý trong vùng sinh sôi nảy nở.

Về thực vật, khu bảo tồn quốc tế Ramsar có khoảng 100 loài, trong đó có khoảng 20 loài thích ứng tốt với điều kiện ngập nước. Rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng, tạo dựng sinh cảnh, nơi nhân giống và dự trữ thức ăn phong phú cho nhiều loại động vật, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho khu vực.

Rừng ngập mặn thuộc Khu bảo tồn quốc tế Ramsar

5
Thực vật nổi tiếng có 57 giống, 111 loài, trong đó có nhiều loại rong có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là loài rong câu chỉ vàng dùng làm nguyên liệu chế biến agar xuất khẩu.

Động vật bao gồm động vật nổi, động vật đáy và động vật rừng. Trong đó, động vật nổi có 104 loài, gồm 46 loài cá, 23 loài giáp xác. Động vật đáy có trên 200 loài, nhiều loài giun tơ và nhuyễn thể có giá trị kinh tế. Động vật rừng có hai lớp: chim và thú, các loài rái cá, cá heo, cá đầu ông sư, dơi, sóc, chuột đồng, đặc biệt là chim. Do đặc thù của vị trí địa sinh học ở một cửa sông lớn nhất miền Bắc, nơi đây được coi là sân ga của dòng chim di trú quốc tế khá phong phú. Lúc đông đúc lên tới ba, bốn chục ngàn cá thể với khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 100 loài chim di trú, khoảng 50 loài chim nước, 9 loài chim được ghi trong Sách Đỏ quốc tế gồm: 02 loài bồ nông, 02 loài cò thìa, mòng bể đầu đen mỏ ngắn, cò trắng Trung Quốc, choi choi mỏ thìa, choắt đầu đốm và choắt chân màng lớn.

Từ năm 1994, khu vực này đã được thế giới công nhận là khu bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar đầu tiên ở Đông Nam á. Khu bảo tồn thiên nhiên Giao Thuỷ là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu môi trường có giá trị của Việt Nam và thế giới


TOP