Thái Bình, Nam Định bị phê bình về công tác phòng chống tham nhũng

Thái Bình, Nam Định bị phê bình về công tác phòng chống tham nhũng

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình vẫn còn hạn chế, vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện công tác phòng chống tham nhũng còn chưa được phát huy được Đoàn công tác số 2 chỉ rõ.

Mới đây, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng dẫn đầu, đã công bố kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu ý kiến về kết quả kiểm tra công tác PCTN tại Thái Bình (ảnh bộ Công an).

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thuân – Phó Chánh án TAND tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác số 2 trình bày dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng tại tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình.

Theo đó, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của 2 tỉnh đã luôn xác định công tác đấu tranh PCTN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc dư luận xã hội quan tâm được tăng cường; cấp uỷ các cấp đã chỉ đạo sâu sát, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra cho thấy, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện công tác PCTN còn chưa được phát huy; chưa chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Các vụ việc tham nhũng, sai phạm về kinh tế được phát hiện chủ yếu thông qua đơn tố cáo của công dân. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế qua thanh tra còn hạn chế. Kết quả thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp…

Đoàn công tác đề nghị 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình cần nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế, tập trung làm rõ nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn trong thời gian tới.

Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định và Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”; Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề. Không để việc khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp về an ninh, trật tự, hình thành điểm nóng.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tự kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra ở cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, lãnh đạo 2 tỉnh phải có giải pháp hiệu quả thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, từng bước đẩy lùi tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương.

Minh Sơn – Nguoiduatin.vn


TOP