Thiên Trường xưa – nay là Nam Định, vùng đất quê hương của các đời vua nhà Trần, là nơi “khai sinh” của nhiều loại hình dân ca, dân vũ độc đáo, đồng thời cũng là mảnh đất có nhiều cuộc thi thể hiện trí thông minh, lòng quả cảm, sức mạnh của con người chiến thắng thiên nhiên và giặc ngoại xâm.
Những loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian đó đều gắn với lịch sử vùng miền, phản ánh quá trình lao động khai phá đất đai của con người, trong đó độc đáo nhất phải kể đến múa bài bông, thi bơi chải và thi đánh cờ người.
MÚA BÀI BÔNG
Hàng năm cứ vào dịp từ tháng Giêng đến tháng Ba và tháng Tám âm lịch, nhân dân các nơi lại nô nức kéo về làng Phương Bông dự hội múa bông, đông nhất là vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch.
Hội múa bông thực chất là một phần của lễ tưởng niệm Trần Quang Khải, một danh tướng dòng dõi quý tộc thời Trần. Tương truyền, ông cũng chính là người dạy dân làng cách trồng bông, dệt vải và là tác giả của điệu múa bài bông nổi tiếng.
Sau chiến thắng quân Nguyên-Mông, Trần Quang Khải trở về quê cũ Tức Mặc. Ông dạy dân Phương Bông (còn gọi là Hương Bông, thuộc hương Tức Mặc – hành cung Thiên Trường năm xưa, nay là xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc) biết cách trồng bông. Từ đó, Phương Bông trở thành vườn bông của triều đình.
Bài hát, điệu múa bài bông cũng ra đời từ đó. Điệu hát múa này trước kia được biểu diễn trong các dịp khánh lễ ở sân rồng và đặc biệt không thể thiếu trong những ngày ăn mừng chiến thắng. Về sau, múa bài bông trở thành một phần quan trọng trong nghi lễ cúng tế Trần Quang Khải và chỉ có ở làng Phương Bông, do đó nó mang đậm sắc thái địa phương và mang tính dân tộc sâu sắc.
Đình làng Phương Bông đã tôn Trần Quang Khải làm Thành hoàng, coi ông như vị tổ sư nghề ca kỹ.
Để thực hiện múa bài bông, những người tham gia vào đội múa được dân làng tuyển chọn kỹ càng. Họ phải là những cô gái trẻ, đẹp và có giọng hát hay. Trang phục để múa bài bông hết sức rực rỡ, nhiều màu sắc, chủ yếu là áo màu đỏ thắm, thắt lưng bao xanh hoặc đỏ. Trên vai người múa là một cái cần, hai đầu cần là hai cái giỏ buộc dải lụa điều, đầu cần tròn có cuốn giấy màu xanh đỏ theo hình rắn lượn. Trong mỗi giỏ lại đựng đầy hoa tươi (chủ yếu là hoa huệ) được xếp tròn và cao tượng trưng cho bông hoa khi nở rộ, ở giữa mỗi giỏi hoa có một ngọn nến cháy sáng.
Điểm đặc biệt của điệu múa này là số người tham gia múa bao giờ cũng là số chẵn, người múa đứng xếp thành hàng, tạo hình như các ô vuông tượng trưng cho thửa ruộng. Căn cứ vào số người tham gia điệu múa và địa điểm biểu diễn mà người ta chia múa bài bông ra làm ba hạng: Thiên tử, Chư hầu và Đại phu.
Điệu múa, lời ca khúc hát bài bông được diễn diễn tấu trong sự hòa âm từ các nhạc cụ như đàn, sáo, nhị, hồ…; động tác múa mô phỏng theo các động tác lao động như trồng bông, hái bông, quay tơ, dệt vải… được nghệ thuật hóa cao độ.
Do yêu cầu của nội dung bài múa phải sử dụng ánh sáng lung linh từ những ngọn nến như một yếu tố tạo nên vẻ huyền ảo nên người ta chỉ biểu diễn múa bài bông vào ban đêm.
Dưới ánh sáng của những ngọn nến, tiếng đàn, tiếng hát cất lên, hòa quyện trong mùi hương hoa ngây ngất, người múa quần áo rực rỡ, phất phơ dải bao lưng xanh…, tất cả tạo nên một bầu không khí thiêng liêng mà thanh khiết. Những cô gái vừa hát, vừa múa uyển chuyển nhịp nhàng trong tiếng nhạc chừng hai mươi phút, sau đó từng người tiến lên phía trước, quỳ xuống và đặt hai giỏ hoa của mình lên ban thờ. Cứ thế cho tới người cuối cùng và họ kết thúc điệu múa bằng một bản hợp ca ca ngợi vị tướng đã có công giúp dân giúp nước.
THI BƠI CHẢI Ở ĐỆ NHỊ
Một trong số các cuộc thi được nhân dân Thiên Trường xưa ưa thích là thi bơi chải trên sông Vĩnh Giang của thôn Đệ Nhị ( hay còn gọi là Đệ Nhì -thuộc hành cung Thiên Trường xưa, nay thuộc xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc).
Sông Vĩnh Giang là con sông chảy quanh co uốn khúc, ôm lấy đồng ruộng, làng mạc, men theo làng Đệ Nhất rồi chảy xuôi xuống Đệ Nhị, nơi ngã ba sông có đền thờ Đệ Nhị hay còn gọi là đền thờ Thánh Bơi.
Thuyền bơi (chải) được làm bằng gỗ, dài chừng 12m, để mộc không sơn; đầu chải hơi vót, chải có khoang và chia làm tám phách để 16 người ngồi bơi. Người gõ mõ đứng ở giữa chải, người cầm chải đứng cuối, người đứng ở đầu chải cầm sào để đẩy chải khác ra xa chải của mình trong khi bơi.
Trong các cuộc thi bơi, thông thường Lý trưởng của làng đứng ra cầm chải. Nhân dân địa phương quan niệm rằng nếu ông Lý trưởng nào cầm chải thắng trong cuộc thi thì dân làng đó sẽ làm ăn phát đạt trong ba năm liền.
Mỗi hiệp thi có hai chải cùng bơi, chải nào thắng thì được vào thi bơi tiếp với các chải còn lại. Khoảng cách giới hạn trong cuộc thi là từ khúc sông làng Thanh Khê ra đến chợ Viềng. Chải giành chiến thắng là chải bơi nhanh và đẹp nhất sẽ được nhà vua trao giải.
Có một điểm đặc biệt, đó là trong lúc ngoài sông thi bơi thì trong đền cũng diễn ra nghi lễ cầu thánh và lễ tế. Cuộc thi bơi chải ở Đệ Nhị phục vụ hai mục đích, vừa là nghi lễ tế thánh, vừa là trò vui trong ngày hội.
THI ĐÁNH CỜ NGƯỜI Ở ĐỆ TỨ
Cũng như múa bài bông, bơi chải, đánh cờ người là một hình thức giải trí, vui chơi được nhân dân Thiên Trường xưa hết sức ưa thích, đặc biệt là trong các dịp lễ hội. Thi đánh cờ người ở Đệ Tứ có những nét rất riêng, từ cách bày quân đến cách đánh đều mang sắc thái, phong tục tập quán của người dân Thiên Trường.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, người ta bày quân chia thành hai bên nam và nữ. Tướng cờ bên nam là một cụ ông, tướng cờ bên nữ là một cụ bà, chỗ ngồi của tướng cờ đều được trang trí hết sức lộng lẫy, tướng cờ hai bên đều mặc áo thêu kim tuyến vàng óng ánh.
Phục sức của mỗi quân cờ cũng rất trang trọng, các quân sỹ, tượng, xe, pháo… đều mặc áo màu sặc sỡ không giống nhau để phân biệt quân của hai bên. Trước mặt mỗi quân cờ đều cắm tấm biển có tua rua bay phấp phới, mang tên chính quân cờ đó.
Khi đánh, các quân cờ vẫn ngồi im, người đánh chỉ di chuyển tấm biển trước mặt các quân cờ người. Chính vì thế trông bàn cờ vẫn rất đẹp dù nhìn ở mọi góc độ, hàng ngũ ngay ngắn từ khi bắt đầu tới khi kết thúc mà không hề bị lộn xộn.
Do khoảng đất làm bàn cờ rất rộng nên đòi hỏi người chơi phải có hình dung tốt, quan sát thật nhanh và nắm chắc luật chơi.
Ngoài các trò chơi đã đi vào các câu ca dân gian, ở Nam Định còn vô số những trò chơi khác vẫn còn được lưu lại đến nay trong các dịp lễ hội của nhân dân các vùng như: thi bắt vịt, dệt vải, đấu vật, thổi cơm niêu, bắt trạch trong chum…
Những lễ hội và trò chơi dân gian đã tồn tại, lưu truyền trên mảnh đất Thiên Trường-Vị Hoàng qua nhiều thế hệ, tiềm ẩn bên trong những sinh hoạt dân gian ấy là nội dung lịch sử sống động và sâu sắc, phản ánh đời sống của người dân qua lao động, sản xuất với nhiều sắc thái tinh thần phong phú.
- Xôn xao đại gia chi 5 tỷ mua cây sanh nguồn gốc Nam Định nổi tiếng bậc nhất Việt Nam
- Cách làm Nông thôn mới hay, sáng tạo ở Hải Hậu
- Khám phá Việt Nam – Chùa Cổ Lễ Nam Định
- Chùm ảnh cuộc sống yên bình của vùng quê Hải Hậu
- 10 Món ăn nổi tiếng tại Thành Nam nhắc đến là thèm.
- Nam Định: Cây khế cổ thụ trăm tuổi giá gần nửa tỷ đồng đẹp miễn chê
- Thăm ngôi chùa cổ xuất hiện trên tờ 100 đồng ‘huyền thoại’
- Trưa nay bão “Thần sét” giật cấp 12 – 14 sẽ đổ bộ Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh
- Nam Định: “Lộ diện” những vi phạm tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trực?
- Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn
- Nam Định: Trong vài ngày thêm gần 600 ca sốt xuất huyết
- 10 món ngon “nhắc là thèm” của thành phố Nam Định
- Ca sĩ Trần Lập – 1 người con Nam Định qua đời
- Đã tìm thấy cô gái nhảy cầu Đò Quan tự tử ngày 26/06/2016
- Nam Định: Hơn 10 côn đồ mang dao, kiếm chém người trọng thương
- Nam Định: Nữ sinh 15 tuổi nhảy cầu Vòi tự tử
- Những địa điểm khó bỏ qua ở Nam Định
- Quất Lâm ngập rác “Việc này là quá tầm của Ban Quản lý”
- Nam Định: Đám cưới có cả banner liệt kê ca sĩ hát khiến người đi đường cứ ngỡ là show âm nhạc
- Hải Hậu gìn giữ tinh hoa văn hoá trong các làng nghề truyền thống
- Nam Định: Khởi tố đối tượng 17 tuổi đâm chết người vì ghen
- Tàu hỏa ”ủi” văng xe tải tại Nam Định, lái xe may mắn thoát chết