Chuyện về người con gái Thành Nam

Chuyện về người con gái Thành Nam

Có một người con gái Nam Định xa quê, xa người thân, một mình ở lại nơi “đất khách, quê người” hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của phụ nữ tỉnh Khánh Hoà vào thời kỳ đầu chống thực dân Pháp. 61 năm sau ngày hy sinh anh dũng, chị mới được về yên nghỉ tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình…
Chị Đặng Thị Kim (tức Oanh) sinh ngày 19-12-1929 ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định) trong một gia đình viên chức nghèo. Do hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên đầu năm 1945, mấy chị em vào ở cùng với người cậu ruột ở Nha Trang (Khánh Hoà). Cách mạng Tháng Tám thành công, chị hoạt động công tác thanh niên ở địa phương. Tháng 2-1946, mặt trận Nha Trang vỡ, anh trai chị đi vào Nam Bộ, gia đình người cậu cùng mấy chị gái trở lại quê, chị đã quyết định ở lại cùng đoàn thể tham gia kháng chiến. Khi ấy chị mới 16 tuổi. Thấy chị nhanh nhẹn, dũng cảm nên tổ chức đã “biên chế” vào đội Tuyên truyền xung phong, hoạt động ở Thành phố Nha Trang. Giặc Pháp chiếm đóng trở lại, lực lượng của đội tạm rút, chị được quần chúng che giấu ở lại hoạt động bí mật trong thành phố. Chị là người có giọng hát hay, chất giọng truyền cảm nên không những thuyết phục được mọi người mà còn được chị em và bà con cô bác quý mến, thương yêu, thường gọi chị là “Chim Oanh vàng” của phố biển Nha Trang.

Tháng 7-1946, chị công tác ở Ban vận động phụ nữ Nha Trang. Với vốn sống, kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết cách mạng cộng với sự hoạt bát nhanh nhẹn, gần gũi với quần chúng, chị đã xây dựng lại các cơ sở cách mạng ở phường 3 (còn có tên gọi là Rọc rau muồng) là một trong những cơ sở mạnh của tỉnh. Chị cùng một số đồng chí tổ chức lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30-10-1946, đòi chính phủ Pháp phải thi hành Tạm ước 14-9-1946. Cuộc biểu tình đã gây tiếng vang lớn ở địa phương, thúc đẩy phong trào cách mạng lên cao, nhân dân tin tưởng ở chính phủ kháng chiến, kẻ thù hoang mang khiếp sợ. Tháng 11-1946, chị được Tỉnh uỷ Khánh Hoà điều vào xây dựng lại cơ sở quần chúng ở Hoà Tân, Suối Dầu nay thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hoà). Không phụ lòng tin của tổ chức, chỉ trong một thời gian ngắn, chị gây dựng, chắp nối được cơ sở, rồi bàn giao lại cho đồng chí khác phụ trách, còn mình trở lại Nha Trang hoạt động. Tháng 12-1946, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1947, Tỉnh uỷ quyết định bổ sung chị vào Ban lâm thời Thị uỷ Nha Trang.

Đầu năm 1948, địch tăng cường truy lùng, càn quét, một số cán bộ của ta bị bật khỏi cơ sở, một số bị bắt và bị giết hại. Trước tình hình ấy, Tỉnh uỷ Khánh Hoà quyết định đưa chị về huyện Vĩnh Xương hoạt động cùng với một số cán bộ địa phương gây dựng cơ sở xã Xuân Hải, nhằm tạo địa bàn hoạt động vào Nha Trang thuận lợi. Tại đây, chị giữ chức Uỷ viên chi bộ Đảng Xuân Hải. Chỉ trong vòng nửa năm, chị đã xây dựng được các tổ chức Phụ nữ, Nông hội và một Tiểu đội nữ du kích tham gia canh gác, bảo vệ và dẫn đường cho cán bộ hoạt động, tiếp tế lương thực từ thị xã lên chiến khu.

Cuối tháng 6, các cơ sở cách mạng ở Nha Trang được khôi phục trở lại, Tỉnh uỷ lại quyết định đưa chị về hoạt động ở nội thị Nha Trang. Trong một lần đi dự hội nghị, chị cùng một số đồng chí đi thuyền qua eo biển từ Nha Trang về chiến khu Vĩnh Xương thì bị địch bắt. Do trong hàng ngũ của ta có kẻ phản bội, nên địch biết chức vụ và tên của chồng chị (đồng chí Trương An, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà năm 1947). Chúng coi chị là tù nhân “đặc biệt” và sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man như quay điện, lộn mề gà đến hộc máu, treo người lên cao rồi ngâm xuống nước… Một người lính nguỵ (sau về theo cách mạng) chứng kiến đã kể, chị một mực không khai, chửi vào mặt kẻ thù. Chúng lồng lộn xông vào bóp cổ chị, nhét giẻ vào miệng, bỏ vào bao tải, cột túm lại vứt lên xe chở đi hành quyết.

Hơn 60 năm sau ngày chị Oanh hy sinh, khi thi công hệ thống thoát nước tại con hẻm 74 đường Trần Phú, Thành phố Nha Trang, đơn vị thi công đã phát hiện ra ba bộ hài cốt và đã di dời về nghĩa trang nhân dân trên đèo Rù Rì – phía bắc Thành phố Nha Trang. Đó là các ngôi mộ số 159, 160, 161, trong đó ngôi mộ số 160 là mộ chị Oanh. Ngày 28-12-2009, gia đình chị Oanh đã đưa di hài của chị về quê hương Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Mới đây, Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Công nghệ Khoa học Việt Nam có kết quả giám định gen, xác định hài cốt ngôi mộ số 160 chính là liệt sỹ Đặng Thị Kim (tức Oanh).

Theo nguyện vọng của gia đình và đồng đội của chị, tỉnh Khánh Hoà nên bổ sung họ tên liệt sỹ Đặng Thị Kim vào sổ vàng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm Trầm Hương Thành phố Nha Trang. Trong các tư liệu về lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Khánh Hoà và các tài liệu có liên quan, cần đính chính tên Đặng Thị Kim (tức Oanh) cho chính xác (không phải là Đặng Thị Ngọc Oanh).

Ghi nhận sự hy sinh anh dũng của chị, Chính phủ ta đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công năm 1957 và truy tặng chị Huân chương Kháng chiến hạng Ba./.

Theo: Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng


TOP