Chợ Viềng Nam Định năm có một phiên

Chợ Viềng Nam Định năm có một phiên

Qua bao thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng,

Qua bao thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật của mọi vùng miền và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch), người dân khắp nơi lại nô nức kéo nhau đi chợ Viềng (Nam Định) mua bán cầu may.

Chợ Viềng có từ bao giờ cũng không ai biết nữa. Theo nhiều cụ cao niên ở quê tôi thì chợ Viềng đã có từ rất lâu. Còn theo nhiều tài liệu thì chợ Viềng xuất hiện vào đời nhà Trần. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, cũng vào ngày 8 tháng Giêng thì chợ Viềng được tổ chức hai nơi là chợ Viềng Phủ (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Chùa (huyện Nam Trực). Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao lại có hai chợ Viềng họp cùng một ngày? Theo tìm hiểu thì chợ Viềng (huyện Vụ Bản) có trước, còn chợ Viềng (huyện Nam Trực) có sau. Nhiều tài liệu để lại còn cho thấy, hai chợ cách nhau con sông Đào, do một năm nước sông dâng cao, người dân phía bên Nam Trực không sang sông họp chợ được nên về khu đất cao cạnh chùa Đại Bi họp chợ và từ đó chợ Viềng Chùa xuất hiện.

Sản phẩm thịt bò – một đặc sản của huyện Nam Trực được bày bán tại Chợ Viềng

Đi chợ Viềng mua lấy may, bán lấy may đầu xuân đã đi vào ca dao, tục ngữ và tiềm thức người dân quê tôi:

“Bỏ con bỏ cháu không bỏ hai sáu chợ Yên

Bỏ tổ bỏ tiên, không bỏ chợ Viềng mùng tám”

Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm và cũng có thể là lỡ cả một đời người. Dân Nam Ðịnh đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người tứ xứ từ Hà Nội về, Thanh – Nghệ ra, Hải Phòng – Quảng Ninh sang, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt; để chơi, để kiếm món đồ cổ giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng!

Điều đặc biệt ở chợ Viềng là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Ðến chợ Viềng đầu xuân mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc, đó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ đã được xem là có may mắn trong cả năm.

Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như gạo, thịt, quần áo, giày dép…, càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ mà chỉ đơn giản là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất nông nghiệp như cái cày, cái cuốc, con dao, cái liềm… hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi, các loại cây cảnh, cây ăn trái… Bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng…

Chợ Viềng (Trung Thành, Vụ Bản, Nam Định) mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất, kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tháng Giêng.

Ngày nay, giao thông đi lại thuận tiện, nhiều người ở tỉnh xa như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang… vẫn có thể đi chợ Viềng ngay trong ngày. Suốt cả vùng từ đêm trước phiên chợ ánh điện đã sáng bừng. Những người buôn bán đến chợ Viềng dù xa hay gần, thuận lợi hay cách trở, đến đây đều mang thứ đặc sản của quê hương mình tham gia phiên chợ.

Nhiều đôi nam thanh nữ tú tay trong tay vãn cảnh chợ Viềng, cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Hội chợ Viềng đầu xuân thật vui vẻ, nhộn nhịp với tiếng chiêng, tiếng trống hòa lẫn với tiếng gò mâm, gò nồi, hàng búa thợ rèn cùng với âm thanh của hàng ngàn, hàng vạn người mua, kẻ bán, người xem đã tạo nên thứ âm thanh ồn ào, rất đặc trưng của phiên chợ Viềng đầu xuân:

“Chợ Viềng năm có một phiên

Làm cho trai gái tốn tiền trầu cau”

Nếu nói đến chợ Viềng mà chỉ nói đến những thứ vừa nêu trên thì chưa thật đầy đủ, vì điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất đối với mỗi du khách chính là những miếng thịt bò thui vàng ruộm. Người ta quan niệm đi chợ Viềng mà không mua bán một thứ gì đó cũng như không có một miếng thịt bò mang về lấy lộc thì coi như chưa đến chợ Viềng, chưa được may mắn. Người ta quan niệm thịt bò mang lại vận son cho cả năm vì có màu đỏ. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu “nói sao, mua vậy”. Nghĩa là, người bán không cần nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả, bởi người xưa cho rằng nếu còn chút gì đó “băn khoăn” về giá cả thì sẽ làm mất hết lòng thành kính và sự tôn nghiêm ý nghĩa của chợ Viềng o

HOÀNG THẠCH – tapchigiaothong.vn


TOP