Chùa Cổ Lễ (Nam Định) – Điểm đến tâm linh đầu năm của người Việt

Chùa Cổ Lễ (Nam Định) – Điểm đến tâm linh đầu năm của người Việt

Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khổng chỉ của tỉnh Nam Định mà còn của cả nước. Đây là ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa “Thần Quang” tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tôn, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ XII, hương quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thuở thiếu thời, ngài chuyên làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã “Văn – Tư – Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc sư”

Chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định với quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo

Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài kiến trúc chùa tháp được giao về trụ trì chùa. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa.

Trong khoảng thời gian sau đó, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt, nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây”.

Tương truyền rằng nhà sư Phạm Quang Tuyên không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính.

Chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn

Đó chính là lý do giải thích vì sao ngôi chùa Cổ Lễ vừa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng ngàn năm lịch sử, vừa mang dáng dấp hiện đại của một thánh đường Gia tô giáo với lối kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Nhìn từ xa chùa có dáng như một nhà thờ nhưng nhìn kỹ thì lại là một ngôi chùa bởi đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác.

Ngoài ra chùa Cổ Lễ ngay nay còn được du khách gần xa biết tới là một trong những quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm cho du khách có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực.

Niềm tự hào lớn của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều người dân nơi đây kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.

Nét độc đáo khác của chùa Cổ Lễ là chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.

Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng. Do đó, nơi đây được coi là điểm đến lý thú không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.

Hội chùa Cổ Lễ một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người…, phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa, để hình dung sự gắn bó của Thánh với đồng đất, kênh rạch nơi đây…

Dưới đây là một số hình ảnh đặc sắc tiêu biểu tại ngôi chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Đinh:

Phía đầu vào của cổng chùa hiện vẫn đang lưu giữ tảng đá in dấu phật tích

Bên cạnh đó không thể không nói đến chiếc đại Hồng Chung chùa Cổ Lễ

Đến nay chùa Cổ Lễ vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn kiểu kiến trúc độc đáo, đặc sắc của mình

Cũng những đường nét chạm trổ tinh tế, tinh xảo

Đến với chùa Cổ Lễ du khách sẽ có những khám phá đầy thú vị

Với cảnh khuôn viên ao hồ trong xanh, thoáng mát

Hướng lòng mình đến đức phật từ bi

Phía ngoài cổng chùa còn có rất nhiều bức tượng phật độc đáo, nổi bật khác

Theo Huy An( baotainguyenmoitruong.vn)


TOP