Ý Yên: Chuyện lạ về 'cụ' cây quý hiếm 600 tuổi

Ý Yên: Chuyện lạ về ‘cụ’ cây quý hiếm 600 tuổi

Nghe nhiều chuyện lạ về đại thụ 600 tuổi, dịp rằm tháng 6, chúng tôi về thôn Dương Phạm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định), để chiêm ngưỡng “cụ” cây được ghi tên trong Sách đỏ thế giới.

Gốc tích đại thần mộc
Đứng trên con đường đê dẫn vào thôn Dương Phạm, phóng tầm mắt ra xa là thấy cái bóng khổng lồ của đại mộc tinh trùm lên cả một vùng làng quê bình yên, trù phú. Chẳng cần hỏi thăm đường, cứ nhắm hướng bóng cây mà đi cũng nhanh chóng tìm được miếu Nhị Phi Cung Tần, nơi thờ bà Ngô Nữ Thị Hoằng – một người con của đất Dương Phạm xưa.

Cây dã hương cổ thụ có tên trong Sách đỏ thế giới ở thôn Dương Phạm.

Cây dã hương cổ thụ có tên trong Sách đỏ thế giới ở thôn Dương Phạm.


Theo quan sát của chúng tôi, “cụ” dã hương này có đường kính giữa thân phải vài người ôm mới hết. Thân cây mốc xanh với nhiều tạo hình tự nhiên đầy vẻ cổ kính, huyền hoặc. Bóng cây tỏa rộng, che mát cả khu miếu thờ lẫn lăng mộ của bà Nhị Phi.

Ngồi lân la với những người nông dân Dương Phạm đang tranh thủ nghỉ trưa tránh cái nắng gắt dưới bóng cây đại thụ, chúng tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện kỳ lạ xung quanh cụ cây hơn nửa nghìn năm tuổi này. Có thể đấy chỉ là những câu chuyện ngẫu nhiên trùng hợp được những người làng truyền miệng kể cho nhau, không có cơ sở khoa học nào để chứng minh, nhưng một điều chắc chắn là những câu chuyện đó đã làm nên cơ sở tâm linh để người Dương Phạm luôn thành kính với sự linh thiêng của khu miếu thờ bà Nhị Phi và đại lão mộc.

Theo lời ông Nguyễn Văn Kiên – Trưởng ban Bảo vệ di tích tâm linh văn hóa vật thể cây dã hương, bà Nhị phi lúc sinh thời tên là Ngô Nữ Thị Hoằng. Bà sinh năm 1449, tại thôn Dương Phạm. Thân sinh ra bà là cụ Ngô Công Tước và cụ Nguyễn Thị Thái Hằng. Theo tích xưa, bởi gia đình rất nghèo nên bà phải mò cua bắt ốc để đổi gạo nuôi bố mẹ già.

Dù lam lũ, vất vả nhưng bà nổi tiếng đẹp người, đẹp nết khắp vùng. Năm 1468, một buổi trưa hè, Vua Lê Thánh Tông về Dương Phạm để thị sát công trình làm đê Hồng Đức bỗng nghe thấy tiếng hát trầm bổng nơi bến sông. Vua cho thuyền rồng ghé đến xem thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đang tắm ở rìa sông, trên đầu có đám mây che… Vua hỏi chuyện thì thấy thiếu nữ đối đáp thông minh, lanh lợi, khí phách nên đem lòng yêu mến.
2
Ít lâu sau, Vua cho người về đón Ngô Nữ Thị Hoằng vào cung. Vua phong cho bà làm Nhị phi cung tần lo việc hậu cần trong cung cấm. Được Vua vô cùng sủng ái nhưng 3 năm sau bà mắc bạo bệnh và mất vào năm 1471. Lúc lâm chung, bà có ước nguyện được đưa về quê an táng.

Sau khi bà mất, triều đình đã làm 9 cỗ săng (quan tài) bằng đồng, 9 thuyền chở thi hài, đồ tùy táng và đá ngũ sắc để xây mộ. Bà Nhị Phi mất vào ngày 10/6 âm lịch – đúng mùa mưa ở đồng bằng Bắc Bộ nên quân lính cứ đào huyệt đến đâu thì đất lở đến đó.

Dân làng đành phải làm một cái nhà quàn tạm 9 cỗ quan tài để khói hương. Đến khi trời tạnh, quân tướng và nhân dân mới phát hiện mối đùn lấp một số quan tài. Cho rằng đây là đất đẹp nên người dân chôn cả 9 cỗ săng xuống rồi đổ đá lên đắp mộ. Sau khi chôn xong, người dân xây miếu thờ bà và làm chùa Phúc Linh Tự thờ Phật. Bên miếu, họ trồng một cây mộc hương, còn bên chùa thì trồng hai cây thị (cũng gần 600 năm tuổi).
1
Kỳ bí tin đồn

Từ bao đời nay, người ta mách nhau rằng miếu bà Nhị Phi thiêng lắm. Trẻ con vào nghịch ở trong miếu bà về kiểu gì cũng bị ốm đau. Trâu bò vào miếu bà ăn lá cây về thường bỏ bữa, không cày kéo được. Những gia đình có việc như thế phải biện lễ ra miếu xin bà thứ tội thì trẻ con, gia súc mới khỏe lại bình thường. Ngày xưa miếu bà quay về hướng bắc nhưng không hiểu sao dân trong làng làm ăn thất bát, nông vụ mất mùa nên các cụ bô lão làm lễ xin quay miếu bà sang hướng nam.
Điều lạ là trong cơn bão năm 1985, bao nhiêu cành cây to nặng cả tạ bị gió quật gãy bay tứ tung nhưng không một cành nào rơi vào những nóc nhà dân ở gần khu vực miếu cả.

Kể từ đó làng ngày càng hưng thịnh, người dân làm ăn thuận lợi, được mùa, có của ăn của để. Các cụ cao niên đã quyết định đổi tên làng từ Tài Long thành Ngõ Phát (tên hành chính là Dương Phạm) để ghi nhớ sự thay da đổi thịt này.
Năm 1976, trong phong trào chống mê tín dị đoan miếu bà Nhị Phi bị phá. Sau khi phá miếu, người dân cắt rễ, cắt cành cây dã hương về đóng đồ dùng và đun bếp. Khi gỗ bén lửa, khói bốc lên có mùi thơm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, không hiểu sao tất cả giường tủ đều được người dân khênh ra trả lại.

Ngày 5/9/1985, một cơn bão lớn đã làm cây gãy và rụng xuống hàng chục tấn cành. Rất nhiều người ra nhặt các cành gỗ to về dùng nhưng rồi sau đó đều chở ra trả đầy sân miếu.

Ông Kiên cho biết thêm: “Trước đây, trong thôn có anh tên Thành, có lần lấy đá ném con chim trên cành cây. Hòn đá vừa bay đi thì tay anh ta cũng gãy luôn dù không va đập vào đâu. Con rể ông trưởng xóm cũ leo lên chặt ba cành cây to về bán thì đúng 3 năm sau đi xe máy đâm vào gốc cây mà tử nạn…

Có thể đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng do người dân Dương Phạm rất tôn thờ miếu bà và cây thiêng nên đã gắn kết 2 sự việc lại với nhau để răn đe những ai dám cả gan mạo phạm đến khu di tích văn hóa tâm linh này”.

Theo Dân Việt

Xem thêm: Tin Tức Nam Định


TOP