Nam Định:Cty điện lực từ chối tiếp PV về việc cột điện đổ hàng loạt

Nam Định:Cty điện lực từ chối tiếp PV về việc cột điện đổ hàng loạt

Mặc dù dư luận đang hồ nghi về chất lượng hoàng loạt cột điện đổ và cần một lời giải thích rõ ràng, thì Công ty điện lực Nam Định lại hiển nhiên coi đó là sự việc đã rồi và từ chối làm việc với PV.
Nam Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 1, đặc biệt với ngành điện, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

Với thực tế hàng loạt cột điện bị gãy đổ sau bão tại Nam Định, vấn đề đang được dư luận quan tâm là chất lượng của những cột này có đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hay không?

Hình ảnh cột điện bị đổ tràn lan khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, trong số các cột điện bị đổ, số lượng cột trung thế mới được ngành điện thay thế có khá nhiều.

Cột điện bị gãy (hình ảnh minh họa).

Cột điện bị gãy (hình ảnh minh họa).


Để giải đáp những thắc mắc, nghi vấn của người dân, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với Công ty điện lực Nam Định để tìm hiểu. Tuy nhiên, khi đến trụ sở cơ quan này, PV bị từ chối làm việc với lý do: không có thẻ PV mặc dù đã có giấy giới thiệu của cơ quan.

Nhân viên văn phòng ở đây cho biết: Theo nguyên tắc làm việc của công ty, khi nhà báo hoặc PV đến tác nghiệp phải có giấy giới thiệu và thẻ nhà báo (hoặc thẻ PV), rồi để lại số điện thoại để cơ quan sắp xếp lịch làm việc với lãnh đạo. Khi công ty sắp xếp được sẽ liên hệ lại. Còn nếu PV không có thẻ mà chỉ có giấy giới thiệu thì công ty không làm việc.

Nguyên tắc này của Công ty Điện lực Nam Định liệu có vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí hiện hành? Liên quan đến sự việc, PV đã trao đổi với Luật sư Cao Văn Tỉnh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội để tìm hiểu.

Theo Luật sư Tỉnh: “PV là người làm nghề liên quan đến các hoạt động báo chí, do đó thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật báo chí 2016. Luật này bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo rất mạnh mẽ, đã quy định cụ thể quyền cũng như nghĩa vụ nhà báo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo, PV”.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 thì nhà báo, PV có quyền đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Cụ thể quy trình tác nghiệp ít nhất là cơ quan báo chí phải có kế hoạch cử PV tác nghiệp theo nhiệm vụ. Nhà báo hoặc PV tác nghiệp phải có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để chứng minh tư cách hợp pháp. Như vậy, nếu chưa được cấp thẻ nhà báo thì giấy giới thiệu của cơ quan chính là để PV chứng minh tư cách hợp pháp.

Ngoài ra, vấn đề ai là người đứng ra bảo vệ PV, nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Trao đổi với PV, Luật sư Tỉnh cho biết: Cho đến thời điểm này, cơ chế bảo vệ nhà báo, PV đã có trong Luật Báo chí hiện hành. Những quy định này đã khá rõ ràng: “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Đồng thời trong luật cũng quy định chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về báo chí, trong đó có hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật.

“Ngoài ra, hành lang pháp lý bảo vệ tác nghiệp của nhà báo không chỉ riêng Luật Báo chí mà còn các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… Như vậy có thể khẳng định rằng, về mặt pháp lý, quyền tác nghiệp của nhà báo đã được bảo vệ một cách đầy đủ và chắc chắn khi tác nghiệp đúng pháp luật”, Luật sư Tỉnh nhấn mạnh.

Đến đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, việc từ chối làm việc với PV của Công ty Điện lực Nam Định phải chăng chỉ là sự nguỵ tạo để trốn tránh báo chí trước những dấu hỏi về chất lượng cột điện đổ, gãy hàng loạt sau bão?!

Nhung Dương – Nguoiduatin.vn


TOP