Chung quanh vụ việc bệnh nhân tử vong do cắt a-mi-đan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Chung quanh vụ việc bệnh nhân tử vong do cắt a-mi-đan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Những ngày qua, dư luận trong tỉnh rất bức xúc trước việc bệnh nhân Nguyễn Thị T, sinh năm 1981, quê ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) cư trú tại số nhà 55, Hoàng Diệu (TP Nam Định) đột ngột tử vong sau khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cắt a-mi-đan. Vậy những người có liên quan đến sự việc này nói gì? Trách nhiệm của kíp mổ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định và ngành Y tế ra sao trước sự việc trên?

Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định

Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định


Từ nỗi đau mất vợ, mất mẹ…

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi tìm đến gia đình chị T. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là sự trống vắng, u buồn bao trùm gia đình trước việc “ra đi” đột ngột của chị T. Trong căn nhà rộng chừng 6-7m2, ban thờ chị T vẫn đầy khói hương nghi ngút. Mặc dù, việc lo hậu sự cho chị T đã qua 5 ngày nhưng vẫn có một số người bạn của chị T mới nhận được tin mang lễ đến thắp hương, chia buồn cùng gia đình… Anh Nguyễn Đức D, chồng chị T, vừa nhìn lên di ảnh của người vợ quá cố, vừa rơm rớm nước mắt: “Em còn nhớ như in cái vẫy tay và nụ cười hiền hậu mà nhà em chào em và các bệnh nhân khác trong buồng bệnh tại bệnh viện trước khi lên bàn mổ. Thật không ngờ đó cũng là lần cuối cùng…”. Rồi D nghẹn ngào kể tiếp, em làm nghề cắt tóc, còn vợ em là công nhân Cty CP Dược Trường Thọ (KCN Hòa Xá, TP Nam Định), cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Chúng em sinh được 2 cháu trai, cháu lớn được 8 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi. Trong suốt mấy ngày qua, bọn nhỏ cứ khóc hoài đòi mẹ, chúng bảo: “Sao mẹ đi làm lâu thế, mãi chẳng về với chúng con?!… Em chẳng biết trả lời thế nào chỉ biết ôm các con vào lòng rồi cả ba bố con cùng khóc. Sự đau buồn, xót thương chị T còn được bác H ở ngay sát bên chia sẻ với chúng tôi: Là hàng xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau”, giờ đây nhìn cảnh tượng “con mất mẹ, chồng mất vợ” mà tôi không thể cầm được nước mắt vì thương 2 đứa nhỏ bơ vơ, côi cút, thiếu đi sự chăm sóc, giúp đỡ và yêu thương của người mẹ hiền. Càng nghĩ về chị T, tôi càng thấy đau lòng và xót xa, không hiểu vì sao nên nỗi vậy!?

… Đến những dấu hiệu bất thường
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết: Bệnh nhân T năm nay 35 tuổi, được nhập viện sáng ngày 31-10-2016. Sau khi các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân T bị viêm a-mi-đan mãn tính quá phát và được chỉ định mổ. Theo anh D, thì từ ngày 31-10 đến trước khi lên bàn mổ ngày 2-11, sức khỏe của vợ anh vẫn bình thường, không có bất cứ biểu hiện bất thường. Và, từ trước tới nay, chị T cũng không có bất kỳ tiền sử bệnh tật nào nên gia đình rất yên tâm và nghĩ rằng ca mổ sẽ thành công. Trao đổi với phóng viên Báo Nam Định, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết: Để tiến hành ca mổ cho bệnh nhân T, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập kíp phẫu thuật – gây mê hồi sức gồm 6 người, đó là: Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thu Hà, Trưởng khoa Tai mũi họng, phẫu thuật viên mổ chính; Bác sĩ Trịnh Đức Toản, Phó trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức; kỹ thuật viên Đặng Đức Thọ và 2 điều dưỡng Cao Thị Thúy Nhài, Nguyễn Thị Thanh Hảo đều ở khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức; Bác sĩ Mai Ngọc Thành, khoa Tai mũi họng. Theo đúng kế hoạch, ca mổ cho bệnh nhân T được tiến hành lúc 10h sáng ngày 2-11-2016. Theo xác nhận của đại diện Bệnh viện thì việc phẫu thuật cắt a-mi-đan cho bệnh nhân T chỉ là “phẫu thuật loại 2”.

Tuy nhiên sau mổ, chị T đã có những biểu hiện: suy hô hấp, suy tuần hoàn. Trước những diễn biến bất thường trên, Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn toàn Bệnh viện, sau đó quyết định chuyển bệnh nhân T lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để cấp cứu. Nhưng đến 13h30’ chiều cùng ngày, Bệnh viện Việt Đức xác định bệnh nhân T đã tử vong. Tuy nhiên, theo thông tin mà anh D, chồng chị T khẳng định với phóng viên thì tất cả “mọi thủ tục cần thiết” gia đình đã hoàn tất và ca mổ được tiến hành ngay từ 8h sáng ngày 2-11. Đến 13h45’, Bệnh viện mới thông báo cho gia đình là chuyển bệnh nhân T lên bệnh viện tuyến trên. Sau đó đến 17h cùng ngày, bệnh nhân T mới được di chuyển từ Bệnh viện Việt Đức về gia đình.

Như vậy, thời gian diễn ra ca mổ trong ngày 2-11 đã có sự trả lời khác nhau giữa gia đình nạn nhân và Bệnh viện!? Và, với ngần ấy thời gian cho một ca mổ cắt a-mi-đan thông thường thì thật khó hiểu cho những bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của 2 chuyên khoa Tai mũi họng và Phẫu thuật – Gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thuộc kíp mổ đã làm gì đối với bệnh nhân T???.

Nếu cứ tiếp tục để xảy ra các vụ việc chết người thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh có còn nhận được sự tin tưởng của người bệnh? Ảnh: Khôi Nguyên

Nếu cứ tiếp tục để xảy ra các vụ việc chết người thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh có còn nhận được sự tin tưởng của người bệnh? Ảnh: Khôi Nguyên

Vẫn theo đại diện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì ngay sau khi gia đình đưa bệnh nhân T về nhà để thực hiện việc chôn cất đối với người quá cố, đại diện Bệnh viện đã đến gặp gỡ chia sẻ, động viên người thân trong gia đình “vượt qua nỗi đau này”?! Đồng thời trích Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của Bệnh viện để “hỗ trợ” gia đình lo việc hậu sự cho người quá cố. Dư luận đặt câu hỏi: Nếu là những bệnh nhân được thầy thuốc hết lòng cứu chữa nhưng vì “bệnh trọng” mà qua đời thì liệu có đại diện Ban giám đốc, Công đoàn Bệnh viện đến tận nhà bệnh nhân để động viên, chia sẻ, chia buồn cùng gia đình hay không? Và, liệu gia đình anh D có được nhận một số tiền từ phía Bệnh viện (đại diện Bệnh viện không cung cấp cụ thể số tiền mà Bệnh viện đã trích để “hỗ trợ” cho gia đình là bao nhiêu – PV) như vậy không?!.

Tiếp diễn sự việc, ngày 3-11-2016 lãnh đạo Bệnh viện đã có Quyết định số 980/QĐ-BVT về việc đình chỉ công tác gây mê và phẫu thuật đối với kíp mổ cho bệnh nhân T. Theo đó, kíp mổ sẽ bị tạm đình chỉ công tác gây mê và phẫu thuật trong thời gian 7 ngày kể từ ngày 3 đến ngày 9-11-2016, với lý do “kiểm thảo quá trình gây mê và phẫu thuật a-mi-đan quá phát của người bệnh Nguyễn Thị T – khoa Tai mũi họng ngày 2-11-2016”. Quyết định cũng yêu cầu khoa Gây mê hồi sức, khoa Tai mũi họng và toàn bộ kíp mổ họp kiểm thảo quá trình gây mê và phẫu thuật a-mi-đan quá phát của bệnh nhân T, đồng thời làm bản tường trình báo cáo về Ban giám đốc Bệnh viện. Dư luận cho rằng, với việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy mà lãnh đạo Bệnh viện chỉ “tạm đình chỉ” trong thời gian “7 ngày” đối với kíp mổ thì có thỏa đáng hay không?!. Sự tắc trách, coi thường công luận của lãnh đạo bệnh viện còn thể hiện ở chỗ khi làm việc với đại diện cơ quan tuyên truyền của tỉnh. Mặc dù phóng viên đã trực tiếp liên hệ, đặt lịch làm việc với Ban giám đốc nhưng Bệnh viện chỉ cử một lãnh đạo cấp phòng là anh Hoàng Ngọc Hà, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp tiếp và làm việc với phóng viên Báo Nam Định.

Chính vì không phải là lãnh đạo đơn vị nên khi phóng viên nêu những câu hỏi liên quan đến nguyên nhân sự việc, trách nhiệm của những bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng cũng như những đánh giá, kết luận sơ bộ ban đầu của Bệnh viện về cái chết “bất thường” của bệnh nhân T thì không dưới 3 lần phóng viên nhận được những câu trả lời rất chung chung, không thỏa đáng, là “chúng tôi đang chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn bệnh viện”?!.

Và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan

Ngay sau khi có buổi làm việc với đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, chúng tôi tiếp tục làm việc với lãnh đạo ngành Y tế của tỉnh. Mặc dù đang rất bận công việc của ngành và không có lịch hẹn trước nhưng đồng chí Bùi Thị Minh Thu, TUV, Giám đốc Sở Y tế vẫn tiếp và trả lời có trách nhiệm trước phỏng vấn của phóng viên Báo Nam Định. Đồng chí cho biết: Với trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành, ngay sau khi sự việc xảy ra, đích thân tôi và Ban Giám đốc Sở Y tế đã xuống trực tiếp nghe lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh báo cáo để nắm bắt thông tin và xử lý sự việc. Trước mắt, Sở Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện đình chỉ ngay kíp mổ cho bệnh nhân T và thành lập Hội đồng chuyên môn bệnh viện có trách nhiệm xem xét, đánh giá, kết luận việc thực hiện các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình điều trị người bệnh Nguyễn Thị T. Sở cũng thành lập Đoàn công tác do đồng chí Trương Tiến Lập, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Sở Y tế làm trưởng đoàn chỉ đạo và phối hợp các phòng, ban chuyên môn làm việc cụ thể, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân T tử vong và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Sở đang rất quyết liệt làm việc để có được kết luận sớm nhất về sự việc đáng tiếc này. Cũng thông qua sự việc này, Sở đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn, các trung tâm y tế các huyện, thành phố và nhất là các bệnh viện trong toàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế, quy trình chuyên môn trong khám và điều trị cho người bệnh, tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Điều khiến dư luận quan tâm nhất lúc này chính là các cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong của chị T trong thời gian sớm nhất để trả lời trước công luận, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các khoa, phòng có liên quan. Dẫu vẫn biết rằng có làm bao nhiêu đi nữa cũng không khoả lấp hết nỗi đau và cuộc sống đầy khó khăn phía trước của gia đình nạn nhân, đặc biệt là hai con nhỏ của chị T, nhưng không thể không làm./.

Khôi Nguyên và Đức Minh – Baonamdinh.vn


TOP