Thuyết Trống: Người thổi hồn cho bóng đá Thành Nam

Thuyết Trống: Người thổi hồn cho bóng đá Thành Nam

Tùng, tùng, tùng, tùng… những hồi trống giục giã làm dậy sóng khán đài sân Thiên Trường. Trên sân cỏ, các cầu thủ Nam Định tràn lên như nước vỡ bờ. Nguyễn Văn Thuyết – cựu VĐV marathon VN, người đánh trống thành Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống bóng đá Nam Định…

Thuyết Trống

– Thưa anh Nguyễn Văn Thuyết, làm thế nào mà một nhà vô địch marathon trở thành người đánh trống nổi tiếng thành Nam ?

– Trước đây tôi thi đấu điền kinh cho mỏ Apatic Lào Cai, sau này về lập nghiệp ở Nam Định (NĐ), trở thành HLV các tuyến việt dã của tỉnh. Tôi cũng đã quyết định đưa 5 con gái của mình về sinh sống nơi đây, trong đó cháu Thanh Xuân đã lập gia đình với Trung Kiên, tiền vệ của đội NĐ. Có lẽ chính vì thế mà tôi trở thành một fan cuồng nhiệt của NĐ. Hơn nữa, từ ngày bóng đá NĐ trở lại hạng chuyên nghiệp đến nay, không khí bóng đá ở thành Nam càng trở nên cuồng nhiệt. Từ đó, tôi thấy mình phải làm một điều gì để cổ vũ bóng đá NĐ và quyết định trang bị… một cái trống, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho đội. Chính Trung Kiên cũng nói với tôi: “Cả đội bóng giờ đây rất quen thuộc với tiếng trống của bố. Mỗi khi bố thúc trống, đội đá hăng hơn. Bố như người cầm chịch giúp cho chúng con thêm mạnh mẽ”.

– Cái trống của anh có vẻ đặc biệt ?

– Cái trống này tôi đặt làm, kích cỡ rất khác so với trống bình thường. Trống to nhất ngoài thị trường thường có đường kính 50 cm, cao 60 cm. Trống của tôi nặng đến 30 kg, cao 80 cm và đường kính 65 cm. Để có được cái trống này, Giám đốc Sở TDTT NĐ đã giúp cho phân nửa tiền và CLB giúp cho nửa kinh phí còn lại. Có nhiều trận tôi đánh hăng quá, về nhà xem lại thấy mặt trống bị rách phải đi sửa lại. Nhiều trận đội đấu ở nơi khác, tôi cũng mang trống theo, chở bằng xe máy. Như hôm 2.9.2003, khánh thành sân Mỹ Đình, tôi đã chở trống từ Nam Định lên. Do đi trễ, không có vé, tôi phải “lừa” các anh công an gác cổng rằng “LĐBĐ VN yêu cầu tôi mang trống đến cổ vũ cho đội tuyển” để được vào sân. May là các anh cũng thương tình cho qua. Đến khán đài B, tôi quăng đại xe ở sát cửa, chỉ khóa cổ rồi nhờ mấy anh bảo vệ khiêng trống lên. Vào trận, chỉ khi nào đội mình bị phạt hoặc bóng chết, tôi mới ngừng tay trống, chạy ra xem xe… có còn không.

Tôi luôn tâm niệm rằng, được ra sân đánh trống thúc giục các cầu thủ là niềm hạnh phúc của mình. Hôm rồi đội gặp Viettel để giành vé lên hạng V.League mùa 2018, tôi đánh trống và gào thét đến khan cả cổ vì mừng quá, hạnh phúc quá, Bóng đá Nam Định sau 7 năm chơi ở giải hạng nhất đã vươn lên V league, tôi vui mừng lắm .

– Liệu anh sẽ gắn bó với “nghề” đánh trống này suốt đời không?

– Tôi đã hơn 50 tuổi và chắc vẫn gắn bó với bóng đá Nam Định suốt đời. Mơ ước của tôi là LĐBĐ VN cần nhanh chóng thành lập hội cổ động viên cho tất cả các trận đấu của đội tuyển VN mọi lứa tuổi. Như trận đá với Lebanon trên sân Thiên Trường, nói thật, nếu có lực lượng cổ động viên được tổ chức đàng hoàng, mạnh mẽ, chắc chắn chúng ta gây được áp lực tâm lý lớn với đội bạn. Nếu hội cổ động viên VN được thành lập, tôi tình nguyện tham gia hết mình vì màu cờ sắc áo VN…

Nguyễn Văn Thuyết được nhiều người biết đến bởi ông là tay trống cổ động của đội bóng thành Nam hơn là một VĐV chạy việt dã lừng danh. (Ảnh: Quang Minh)

Trống ta có ma lực

Ai cũng biết ông Thuyết đánh trống mà thành Thuyết “trống” nhưng có mấy ai biết, ông đánh trống theo bài gì đâu?

Nói thực, bóng đá Việt không thiếu những tay trống, đi sân nào cũng thấy một đội kèn hòa tấu cùng đội trống. Chết nỗi, trống làm đệm cho kèn. Ông Thuyết thì khác, trống của ông tách bạch, và nói như ông, “nó có ma lực riêng”.

“Khi ta đánh nhịp đều, nghe trống ta mà kéo dãn đội hình, cứ nhịp nhàng đan bóng. Khi ta dồn liên hồi là có khoảng trống phía trước, nghe trống ta phản công.

Khi ta đánh nhịp cắc – nhịp tùng, tiếng trống liên hồi đan xen cứ dọc biên khoét lận. Nếu bỗng nhiên trống đổi nhịp ba tùng một cắc là ý ta thông báo cánh đối diện có khoảng trống.

Khi ta dập cả hai dùi, tiếng đánh rầm, bất thình lình là lúc cầu thủ bên ta tung cú sút. Tiếng trống lúc này dễ làm thủ môn đối phương giật mình kiểu tay vợt môn bóng bàn tung cú bạt và dậm chân.

Khi ta hãm những thanh cắc lên thành trống là hậu vệ đề phòng phía sau. Còn nếu trống im bặt nghĩa là chẳng có hàm ý gì nữa, ngoài việc để đội nhà tập trung phòng ngự trước đối phương…” – Ông Thuyết múa một hồi độc chiêu của mình trên miệng!

Clip tay trống Thành Nam



Bài thơ nói về Thuyết Trống

Chiều nay Văn Thuyết nhà ta

Đến sân thanh hóa thông qua lời mời

Rộn vang tiếng trống một thời

Thiên trường chảo lửa sáng ngời tên anh

Hôm nay anh đến sứ thanh

Gõ cho thiên hạ quân xanh quân vàng

Nhịp đều tiếng vẫn vang vang

Mà lòng nặng trĩu không màng thắng thua

Anh buồn trời cũng như mưa

Nhân tài nam định bị mua hết rồi

Giờ xem chẳng thấy hộp hồi

Thiên hạ họ đá mà tôi cũng buồn

Bao giờ lại được hò reo

Căng tay anh gõ tôi theo trống kèn

Biết rằng kinh phí tỉnh nghèo

Những người làm bóng noi theo Thuyết già

Quang Tuyến – Tintucnamdinh.vn


TOP