Nam Định: Cần làm rõ những khiếu nại về đối tượng hưởng chế độ chính sách

Nam Định: Cần làm rõ những khiếu nại về đối tượng hưởng chế độ chính sách

Theo nội dung bà Ninh Thị Liên phản ánh, trong suốt một thời gian dài 3 trường hợp mà bà phát hiện đã có hành vi khai man hồ sơ lý lịch để được hưởng chế độ ưu đãi người có công…
Một người có 2 tên, hưởng… 3 chế độ?

Bà Ninh Thị Liên trú tại đội 7, thôn Nam Lạng (xã Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định) phản ánh, từ tháng 9/2016 bà đã làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức 3 trường hợp trú tại xã Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định) đã có hành vi khai man lý lịch để được hưởng chế độ ưu đãi Người có công trong một thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân.

“Vì tôi là người cùng địa phương và có tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên tôi biết rất rõ về ba trường hợp này”, bà Ninh Thị Liên khẳng định.

Bà Ninh Thị Liên phản ánh về những trường hợp khai man hồ sơ lý lịch để được hưởng chế độ ưu đãi người có công với phóng viên.

Cụ thể, bà Liên cho biết các trường hợp trên bao gồm ông Trần Văn B. trú tại đội 9, thôn Văn Lãng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định) hiện nay đang hưởng 3 chế độ là bệnh binh 71%, chế độ thương binh và chế độ chất độc màu da cam mang tên Trần Quang P.

Theo bà Ninh Thị Liên, đối với trường hợp này cần có sự vào cuộc làm rõ của các cơ quan chức năng một số thông tin như ông Trần Văn B. có đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ để được hưởng các chế độ trợ cấp như giấy chứng nhận bị thương do đơn vị nào cấp, bị thương ở đâu; ảnh hưởng chất độc da cam ở mức độ nào; được tặng các loại huân huy chương nào, có giấy chứng nhận XYZ không?

“Tôi làm đơn tố cáo và yêu cầu được xem và đối chứng tại sao trước đây ông B. hưởng chế độ bệnh binh dưới tên Trần Văn B. nhưng sau này lại hưởng thêm chế độ chất độc màu da cam và chế độ thương binh mang tên Trần Quang P.?”, bà Ninh Thị Liên thắc mắc.

Trường hợp thứ hai mà bà Ninh Thị Liên phản ánh tới các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ là trường hợp của ông Trần Trọng T. trú tại đội 11, thôn Văn Lãng (xã Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định) hiện đang hưởng chế độ người nhiễm chất độc màu da cam.

Đơn phản ánh của bà Ninh Thị Liên về nội dung vụ việc.

Bà Liên cho hay: “Tôi xác nhận ông T. có đi bộ đội nhưng chỉ đóng quân ở Sơn Tây sau đó chuyển về Hòa Bình tăng gia và hoàn toàn không có thời gian nào vào chiến trường miền Nam nhưng ông T. lại khai tham gia quân đội 8 năm, chiến đấu 177 trận trong thời gian hai năm từ 1971 – 1972 nhưng khi ra quân lại nhận quyết định xuất ngũ mà lẽ ra phải là quyết định phục viên mới đúng”.

Cũng theo bà Liên, có những điều rất khó hiểu trong hồ sơ của ông Trần Trọng T. là không có giấy chứng nhận XYZ; không có huân, huy chương Chiến sỹ Giải phóng; chỉ có quyết định xuất ngũ nhưng trong một quyết định không ghi ngày nhập ngũ; không ghi địa bàn đóng quân và quyết định này cũng không có dấu đỏ. “Vì vậy tôi khẳng định quyết định này không do đơn vị nào cấp và không có giá trị pháp lý. Tôi bảo đảm những thông tin mà tôi nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật”, bà Liên nói.

Trường hợp thứ ba theo phản ánh của bà Ninh Thị Liên là trường hợp của bà Ninh Thị H. hiện đang hưởng chế độ người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam sai quy định. “Tôi xác nhận bà Nguyễn Thị H. (là mẹ đẻ của bà Ninh Thị H.) trú tại đội 12, thôn Văn Lãng (xã Trực Tuấn) có đi dân công hỏa tuyến từ tháng 2/1971 đến tháng 5/1972 thì về địa phương”.

“Khi đi dân công hỏa tuyến thì bà H. hoạt động tại địa bàn Km72 đường 20 Quyết Thắng – Binh trạm 14 thuộc tỉnh Quảng Bình. Bà H. không có thời gian nào vào chiến trường miền Nam vì vậy không thể có các giấy tờ như: Giấy chứng nhận XYZ hay huân huy chương Chiến sỹ Giải phóng”, bà Liên khẳng định.

Theo bà Liên, hiện nay tại địa phương vẫn còn nhiều người cùng đi dân công hỏa tuyến với bà H. còn sống có thể chứng thực điều này. Bà Liên cho biết, sau này bà Nguyễn Thị H. về quê lấy chồng và sinh con bình thường. Bà Liên cho biết: “Người con thứ 2 của bà Nguyễn Thị H. là chị Ninh Thị H. tôi biết rất rõ là khi được 3 tháng tuổi bà H. cho con chơi đèn bị đổ cháy màn khiến chị H. bị bỏng ở bàn tay và chỉ có một vết sẹo nhỏ hiện nay lấy chồng và đang sinh sống bình thường ở Thái Nguyên. Vết sẹo là do bị bỏng màn nhưng lại trở thành đối tượng được hưởng chế độ bị ảnh hưởng chất độc màu da cam là không đúng quy định”.

Do tên khai sinh và tên thường gọi?

“Sau khi nhận được đơn tố cáo của tôi, ngày 26/9/2016 tôi được Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định mời lên làm việc. Tại buổi làm việc, tôi đã cung cấp toàn bộ sự việc cũng như những tình tiết mà tôi biết được đối với ba trường hợp trên. Buổi làm việc đã được lập thành biên bản và tôi đã ký vào biên bản đó. Đồng thời tôi còn cam đoan rằng những thông tin mà tôi cung cấp là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà tôi cung cấp”, bà Ninh Thị Liên khẳng định.

Trước khi có kết luận của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định bà Liên cho biết đã rất nhiều lần yêu cầu được đối thoại với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo và đối chất trực tiếp với những người mà bà tố cáo để làm sáng tỏ vấn đề nhưng đều không được đáp ứng.

Danh sách những người hưởng chế độ chính sách do cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh, Nam Định) cung cấp.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Văn Huân – Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB & XH ) xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) xác nhận đã nhận được đơn tố cáo của bà Ninh Thị Liên đối với ba trường hợp nêu trên và phía UBND xã đã có văn bản trả lời cũng như báo cáo với UBND huyện Trực Ninh về việc này.

Cùng với đó, ông Huân cho biết tất cả các thủ tục, hồ sơ của các đối tượng hưởng chế độ chính sách đều thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ. “Nội dung tố cáo cũng đã có kết luận của Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định”, ông Huân nói.

Lý giải về trường hợp ông Trần Văn B. đang hưởng chế độ dưới tên khác là Trần Quang P. theo phản ánh của bà Ninh Thị Liên, ông Huân cho rằng có thể đây là tên khai sinh và tên thường gọi nên có sự khác nhau như vậy và tất cả 3 chế độ hiện nay đều được lĩnh dưới một tên duy nhất là ông Trần Quang P.

Khi được đề nghị tiếp cận hồ sơ của cả 03 trường hợp nói trên, ông Vũ Văn Huân Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Trực Tuấn cho biết không thể cung cấp được do UBND xã không giữ những hồ sơ này mà chỉ có Phòng LĐ – TB & XH huyện Trực Ninh và Sở LĐ – TB & XH tỉnh Nam Định mới có.

Nguồn: giadinhvietnam.com


TOP