Điều cay đắng tại vườn cây 2.000 tỷ đồng của Trầm Bê

Điều cay đắng tại vườn cây 2.000 tỷ đồng của Trầm Bê

Tùng La hán Nhật Bản (Tùng Nhật) từng một thời phát triển mạnh ở Việt Nam với giá hàng tỷ đồng/cây nhưng chỉ sau một thời gian đã mất giá.

Không dành cho người “ăn xổi”

Nghệ nhân Phạm Duy Hưng (Hải Hậu – Nam Định) giữ niềm đam mê với Tùng La hán được gần 20 năm. Mặc dù trước đó đã từng chơi quan nhiều loại cây khác nhau nhưng cuối cùng ông Hưng nhận thấy Tùng La hán mới mang nhiều đặc điểm khiến người chơi cây phải đam mê.

“Tùng La hán không đua hoa khoe sắc, không uốn lượn kỳ quái như nhiều loại cây khác. Vẻ đẹp của Tùng La hán nằm ở lá và thân cây, cho người ngắm cảm nhận thấy sự sang trọng, trường tồn, rắn rỏi…” – ông Hưng bình phẩm.

Tùng La hán là loài cây dễ sống, có sức chịu đựng cao nhưng lại lâu phát triển. Để có được một cây Tùng ưng ý thường phải mất nhiều thời gian hơn Sanh, Ruối, Đa…. Người chơi không chỉ hiểu biết mà còn phải kiên nhẫn chờ đợi trong khoảng thời gian dài, có khi lên đến cả đời người.

Người chơi cây cảnh lâu năm giờ không chọn Tùng La hán Nhật Bản.

Trong giới chơi cây cảnh, Tùng miền Bắc được ưa chuộng nhiều nhất vì cây già vẫn giữ được vỏ cây, không bị bong tróc như các loại tùng khác. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nhiều người ở Việt Nam có xu hướng chơi Tùng La hán nhập từ Nhật Bản, giá cây lên tới hàng chục tỷ đồng.

“Thời buổi đầu tiên khi Tùng Nhật du nhập vào Việt Nam, nhiều thợ cây thổi phồng rất ghê về những ưu điểm của loại này.

Họ khẳng định Tùng Nhật vẫn mang được phong thái chung của cây Tùng La hán nhưng thời gian phát triển được rút ngắn lại, chỉ cần trồng Tùng Nhật khoảng 5 – 10 năm là đã có thể cho ra một cây ưng ý.

Chính vì thế mà giá Tùng Nhật có thời gian bị đội lên rất cao. Cây giống cao khoảng 50cm đã lên tới cả triệu đồng, còn những cây đã lên chậu thì giá không dưới vài chục triệu. Cá biệt có những cây bị đội giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng vẫn có nhiều người săn lùng, muốn mua” – anh Hưng nhớ lại.

Theo anh Hưng, Tùng Nhật có những đặc điểm đúng như giới buôn cây quảng cáo ở trên nhưng chỉ sau khoảng chục năm thì Tùng Nhật tự nhiên chết mà không rõ nguyên nhân vì sao.

Chính vì thế, nếu người nào chơi cây cảnh lâu năm thường không bao giờ chọn Tùng Nhật có trong vườn cây của mình.

Anh Hưng cho rằng: “Tùng Nhật thường là cây công nghiệp, được trồng bằng hạt đã bị lai tạo, chưa thể thuần hóa nên tuổi đời ngắn. Giới chơi cây có người mất hàng chục tỷ đồng vì chạy theo Tùng Nhật này rồi”.

Một số cây trong vườn cây Tùng Nhật của đại gia ở Trà Vinh có giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Vườn Tùng Nhật 2.000 tỷ đồng ở Trà Vinh giờ ra sao?

Một trong những vườn Tùng Nhật “khủng” nhất Việt Nam hiện đang nằm tại huyện Trà Cú, Trà Vinh được cho là của Trầm Bê, từng là đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản đưa về trồng với quy mô lên tới hàng ngàn cây.

Theo một nguồn tin, để đưa được vườn cây này về Việt Nam trồng, đại gia này đã phải bỏ ra không dưới 2.000 tỷ đồng.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Xuân – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Trà Vinh cho biết, vườn Tùng Nhật của vị đại gia ấy từng một thời làm tâm điểm chú ý không chỉ của người dân địa phương mà khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới cũng tìm đến thăm quan.

“Thời gian đó nhiều người hay đến xem vườn Tùng Nhật, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Nhưng vài năm trở lại đây thì không còn nữa. Có thể do từ sau khi vị này bị bắt, tài sản bị kê biên nên vườn Tùng Nhật không được chăm sóc cẩn thận hoặc không còn cho ra vào tự do như trước” – ông Xuân nói.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Luân – người chơi sinh vật cảnh ở huyện Trà Cú, cho hay: “Vườn Tùng Nhật của đại gia ấy giờ chết nhiều lắm. Có cây đang xanh mơn mởn, tay ra to bằng bắp chân thì tự nhiên bỏ lá, lụi dần đi.

Nghe đâu, số cây Tùng Nhật trong dinh thự đã chết quá nửa mặc dù vẫn có người chăm sóc hàng ngày”.

Theo Vân Phong
Đất Việt


TOP