Giao Thủy: Bảo tàng Đồng quê-lưu giữ hồn quê Bắc Bộ

Giao Thủy: Bảo tàng Đồng quê-lưu giữ hồn quê Bắc Bộ

Tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định có một bảo tàng đặc biệt, nơi đây không chỉ tái hiện những vận dụng sinh hoạt của người nông dân xưa mà các món ăn dân dã cũng được làm nên từ chính các nguyên liệu tự nhiên, tự trồng, đảm bảo hương vị truyền thống.

Chủ nhân của bảo tàng độc đáo này là bà Ngô Thị Khiếu, một giáo viên về hưu và chồng bà là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh.

Nặng lòng với ký ức

Bây giờ khi Bảo tàng Đồng quê đã hoạt động được 5 năm, nhắc lại những ngày “khởi đầu nan”, bà Khiếu bồi hồi nhớ lại: Năm 2009, hai vợ chồng được mời về quê dự lễ khánh thành một trường mầm non ở xã Giao Thịnh.

Thấy cơ sở vật chất của các trường ở xã còn khó khăn, cũng như chưa có khu vui chơi sinh hoạt văn hoá, ông bà nảy sinh ý tưởng xin mua một sào đất ở quê để xây dựng thư viện. Lúc này bà mới nghĩ đến việc sẽ trưng bày thêm cả những hiện vật đồng quê mà bà mất hàng chục năm tìm kiếm, sưu tầm.

Khi trình bày ý tưởng với lãnh đạo tỉnh Nam Định và chính quyền địa phương, ông bà không ngờ ý tưởng đó được chính quyền ủng hộ nhiệt tình và còn được gới ý mở rộng diện tích, xây dựng khu văn hoá đồng quê.

Chính quyền cho ông bà thuê 6.000m² đất với giá ưu đãi trong 30 năm để xây dựng bảo tàng. Năm 2011 công trình được khởi công, đến năm 2012 hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Năm 2015 bảo tàng hoàn thiện tất cả các hạng mục.

Các khu nhà cổ được bảo tàng phục dựng nguyên bản.

Điều đặc biệt, 1/3 kinh phí xây dựng Bảo tàng lại đến từ sự đóng góp của rất nhiều Mạnh Thường Quân trên khắp cả nước. Bà Khiếu cho biết, họ thấy ở bảo tàng có một sự trân trọng với quá khứ nên sẵn lòng giúp sức với gia đình bà xây dựng bảo tàng.

Đưa tôi đi tham quan các gian trưng bày hiện vật là những thứ đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người nông dân Bắc Bộ như gầu tát nước, cối giã gạo, các loại chổi, mâm đồng, mâm gỗ, giậm, nơm… bà Khiếu kể rằng, ý định ban đầu của bà chỉ là mong gìn giữ những món đồ từng gắn bó với mình. Vốn sinh ra trong một làng quê nghèo, trong quá trình sinh sống ở nhiều nơi trên đất nước, bà Khiếu thấy những vật dụng gần gũi trước đây bị nhiều người bán rẻ cho đồng nát hay vứt bỏ không thương tiếc.

“Từ năm 1990, tôi thấy cần phải lưu giữ lại để cho con và các cháu biết được trên đời có những thứ đồ như vậy. Đó thật sự là những món đồ đã cùng trải qua một nắng hai sương với người nông dân. Càng làm thì càng say, tôi nghĩ nếu không lưu giữ thì nhiều món đồ sẽ không bao giờ còn”, bà Khiếu chia sẻ.

Những thứ mà người ta gọi là đồng nát nhà quê đều được bà Khiếu nhặt nhạnh trong hơn chục năm qua. Có những thứ bà bỏ tiền ra mua lại, có những thứ thì chính tay bà phải đi phục chế như những chiếc khung dệt chiếu, vốn là nghề truyền thống của quê bà nhưng giờ đây đang mai một.

Để sưu tầm được hơn 1.000 hiện vật để trưng bày, bà không thể nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến từ Bắc vào Nam. Có nhiều người lúc đầu nghi ngờ mục đích của bà nên không đồng ý trao hiện vật; sau này khi thấy bảo tàng được hoàn thiện, họ đã chủ động tặng.

Lưu giữ hồn quê một thủa

Đến với Bảo tàng Đồng quê, ấn tượng đầu tiên là khung cảnh thanh bình với hàng rào râm bụt, ao cá, những mô hình tái hiện sinh hoạt của người nông dân. Độc đáo nhất là các mô hình nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ và nhà hiện đại thời kỳ bao cấp.

Khu nhà bần nông với nhà tranh, vách đất, hiện lên như trong những câu thơ của Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Nhà ta mái rạ kèo tre/ Tường bao đất nện, có hè không hiên/ Hai gian nối với buồng liền/ Võng cu em đái, khoét nền đục sâu/ Thẩn thơ dạo bước đêm thâu/ Nhớ thương cha mẹ, dãi dầu bần nông”.

Bên trong nhà đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt như chum, vại, cối xay, cối giã gạo… Khu nhà địa chủ được xây dựng đầy đủ như một Tư Gia Trang, có đầy đủ nền nhà cao, sân vườn rộng, trong nhà có sập lớn, giường lớn, các đồ vật của 1 gia đình giàu có cách đây gần 1 thế kỷ.

Để dựng lại được một ngôi nhà cổ, bà Khiếu phải mua lại nhà của một gia đình đang ở. Tuy nhiên mái rạ lúc đó đã mòn nên lúc dựng lại nhà, bà phải đi sưu tầm mái rạ của 3 ngôi nhà khác về ghép lại.

Ngoài ra bà phải đi thuê những người thợ mộc lớn tuổi, những người này mới có kinh nghiệm và am hiểu cách dựng nhà theo phong cách truyền thống. Phần lớn các ngôi nhà trưng bày đều có tuổi đời hơn 70 năm, được chủ nhân của bảo tàng mua lại và phục dựng nguyên bản.

Điểm nhấn của bảo tàng là khu nhà trưng bày xây 4 tầng nằm giữa bảo tàng. Tầng 1 là khu trưng bày không hề liên quan đến “đồng quê”. Đây là nơi lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính giữa tầng 1 là nơi thờ tự Bác Hồ với bức tượng đồng chân dung Bác đang chỉ tay vào lá quân kỳ “Quyết chiến – Quyết thắng”.

Hiện vật tại đây được bố trí độc lập, chia ra các chủ đề chính: đường Trường Sơn – Biên giới phía Nam – Trường Sa – hoạt động của lực lượng Công binh… Độc đáo và quý nhất chính là những hiện vật, bức ảnh về quá trình xây dựng quần đảo Trường Sa của những người con Nam Định.

Ở tầng 2 và tầng 3 trưng bày hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng Bắc bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối; dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng. Có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương…

Các hiện vật đều có hồ sơ. Tầng 4 là thư viện thu nhỏ với hơn 1.000 đầu sách các loại, nhiều sách quý được xuất bản từ trước năm 1945. Đây là nơi bảo tàng sử dụng làm không gian sinh hoạt văn hoá cho bà con địa phương.

Bên cạnh việc thăm thú không gian cổ xưa của làng quê Bắc Bộ, đến với Bảo tàng Đồng quê, khách tham quan còn được thưởng thức hay mua về những món quà, nhiều món ăn, đồ uống… được chính những người nông dân làm ra hoàn toàn thủ công ngay tại chỗ như miến dong, bánh gai, gói xôi, nấu rượu, làm tương…

Trong bảo tàng trồng rất loại loại rau, nuôi cá, nuôi gà, nuôi lợn để có nguồn thực phẩm sạch, chế biến thành các món ăn dân dã, phục vụ du khách.Đặc biệt, du khách được tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến, khiến họ trân trọng hơn những sản phẩm nông nghiệp, những món ăn mà người nông dân phải rất kỳ công mới làm. Đó là rất nhiều trải nghiệm tuyệt với mà du khách sẽ không thể nào quên khi đến với Bảo tàng Đồng quê.

Nhật Trường( công an nhân dân)


TOP