Nam Định: Cầu ngói chợ Thượng

Nam Định: Cầu ngói chợ Thượng

Từ thành phố Nam Định qua cầu Đò Quan, đi theo đường 21 khoảng 8 km, rẽ phải đi dọc theo sông Châu Thành khoảng 7 km là đến di tích cầu ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực). Cây cầu xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng, thôn Thượng Nông. Cầu được xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim và lợp ngói nam. Ngoài giá trị lịch sử, cây cầu còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân địa phương.
Cầu ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực, Nam Định), được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông. Cầu kết cấu kiểu thượng gia, hạ kiều (trên là nhà, dưới là cầu).
Theo tư liệu cổ, mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các tảng đá to nhỏ khác nhau, được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên. Tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,7 m, được xây vuốt theo hình thang cân, với cạnh trên là 2,84 m. Hai mố cách nhau 4,5 m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.

Dầm cầu được làm bằng hai cây gỗ lim, đường kính 0,4 m. Bên trên hai thanh dầm dọc là 4 thanh dầm ngang cũng bằng gỗ lim đường kính 0,2 m, có đầu nhô ra ngoài (dùng để đỡ chân cột bên trên).

Nhà cầu có 11 gian, mỗi gian từ 1,45 m đến 1,65 m tạo nên một công trình dài 17,35 m nối hai bờ sông Ngọc. Hai hàng cột cái mỗi hàng 10 cột cạnh vuông 0,2 m, cao 2 m đặt sát hai bên lòng xà cầu. Các cột quân lại được làm bằng trụ tròn đường kính 0,17 m, cao 1,65 m đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu.

Đường giữa cầu rộng 1,74 m, được lát đá tảng. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu 0,15 m. Ở 3 gian giữa cầu xây bệ cao 0,4 m dọc hai bên hành lang, phía ngoài có lan can. Đây là chỗ ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước lý tưởng cho nhân dân địa phương và những người đi chợ xa.

Bên trên cột là hệ thống vì kèo đỡ mái với 10 bộ được làm kiểu kèo cầu đơn giản. Cầu được lợp bằng ngói nam.

Hai đầu cầu xây tường, có đại tự đắp nổi “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán, có mở cửa rộng 1,7 m, cao 2 m.

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, cầu ngói là dạng kiến trúc cầu đặc biệt nhất ở Việt Nam. Hiện nay, chỉ còn một số cây cầu như: Cầu ngói chùa Lương ở huyện Hải Hậu (Nam Định); cầu ngói Thanh Toàn ở Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế); cầu ngói Phát Diệm ở Kim Sơn (Ninh Bình). Đây là loại cầu có mái khá phổ biến trong thời nhà Mạc. Những cây cầu này được bắc qua ngòi hoặc sông nhỏ, dọc theo đường giao thông và thường gắn với chợ, đền thờ.

Tháng 6/2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận cầu ngói chợ Thượng và Phủ Bà (xã Bình Minh, huyện Nam Trực) là di tích cấp quốc gia.



Hà Thành vnexpress.net


TOP