Nam Định của tôi…

Nam Định của tôi…

Đã có không ít lần lòng tôi dâng lên sự thèm khát ánh vàng lấp lánh của mặt nước bến Đò Quan, nhiều đêm bâng khuâng tôi nhớ chợ Rồng và thổn thức khi nghe ai đó nói về Nam Định.

Người ta thường kể Hà Nội có 36 phố phường mà ít khi nhắc đến gần 40 con phố cổ kính, in đậm dấu ấn thời gian của Nam Định. Tôi cũng từng có một thời vụng dại kêu ca: “Vê ga 2 lần thì đi hết thành phố…” mà không hiểu được rằng, chính cái không gian trầm mặc, yên bình của nơi này lại để thương để nhớ trong tôi nhiều đến vô cùng!

Những ngôi nhà cổ tại Na Định vẫn luôn được nâng niu, giữ gìn

Chỉ một chút rêu phong lặng lẽ trên từng ô cửa sổ của những ngôi nhà cổ hay hương thơm lừng của bát phở chính hiệu dưới chân nhà thờ đã đủ sức làm lưu luyến bước chân bao người. Tôi tưởng như cái nhịp sống chầm chậm của người Nam Định là một điều đặc biệt, đã được thời gian “chưng cất” qua hàng trăm năm, tạo nên một phong cách riêng không lẫn với bất kỳ nơi nào…

Ngôi nhà đã in hằn dấu tích thời gian

Sự chậm rãi ấy chắc chắn không phải là biểu hiện của thói lạc hậu, bảo thủ mà tôi tin đó là nét văn hóa, là nếp sinh hoạt đã đi vào tiềm thức. Nên tôi chẳng nấy làm ngạc nhiên khi khắp mọi miền rạo rực không khí mùa xuân mới đang về nhưng Nam Định của tôi vẫn an yên, tĩnh lặng lạ lùng!

Căn nhà được xây dựng từ năm 1930

Xưa kia mảnh đất này là một trong những đô thị phát triển vào bậc nhất kể từ thời đại của các vua Trần. Đến thời Pháp thuộc nơi đây lại tấp nập với 38 con phố buôn bán mang tên “Hàng”. Từ chợ Rồng ra sông Vị Hoàng là Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp, sát con nước là Hàng Đồng, lên phía Bắc có Hàng Mắm, Hàng Gà, rồi cả Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm… Chạy song song với Hàng Sũ, Hàng Ghế.

Khung cảnh đường phố Nam Định ngày 29 Tết

Ở phố cổ Nam Định dường như mọi bụi bặm, bon chen đều tự được gạt bỏ, chỉ còn lại những gì trong trẻo, nên thơ, lãng mạn và ngọt ngào. Một lần dạo bước nơi đây là một lần được trở về năm tháng lịch sử trong không gian cổ kính, trong lối kiến trúc tinh tế dưới bàn tay nghệ nhân. Không có gì là quá khi gọi đây là một tác phẩm nghệ thuật của lịch sử. Ai yêu hoài niệm và “phải lòng” với quá khứ thì phố cổ Nam Định tự khắc trở sẽ thành chốn đi về. Để một khi người ta rung động rồi thì không cách nào dứt áo mà đi khỏi Nam Định được!

Hai bà cụ bán trầu cau trên phố Hàng Đồng

Trong lòng phố cổ còn chắt chiu toàn bộ những gì tinh túy và chuẩn xác nhất về người Nam Định. Bởi phố cổ tuy có chật, nhưng vẫn đủ bao dung nhiều người. Phố cổ hẹp nhưng cũng đủ để gìn giữ cái chất nền không thể mất đi ấy.

Người dân phố cổ Nam Định vẫn giữ cho riêng mình nhịp sống chầm chậm không bon chen bao giờ

Người Nam Định sẵn sàng mời bất cứ ai dù chẳng quen biết một cốc nước trà xanh dưới tán lá những cây bàng già. Trong câu chuyện với người lạ, họ vẫn luôn hồ hởi và thân mật đáng kinh ngạc. Nếu cần tới sự giúp đỡ người phố cổ sẽ lập tức xắn tay mà chẳng cần một sự đền đáp nào!

Tôi nhận ra rằng dù có qua biết bao năm tháng thì nét trầm mặc của các ngôi nhà cổ, sự tĩnh lặng của phố phường và chân thành của người Nam Định luôn là một điều tuyệt diệu. Nó sống mãi trong lòng những người xa quê và không thể mờ đi được vì nỗi nhớ, niềm thương phố cổ Nam Định!


TOP