Nam Định: Điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cách làm giàu hay đang lan tỏa, có mô hình nuôi cá trắm đen

Nam Định: Điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cách làm giàu hay đang lan tỏa, có mô hình nuôi cá trắm đen

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi do Hội ND phát động, tại Nam Định đã xuất hiện và lan tỏa nhiều điển hình nông dân giỏi, cách làm giàu hay. Trong số đó phải kể đến mô hình trang trại nuôi gà siêu trứng và mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen…

Đẩy mạnh hỗ trợ hội viên

Lão nông Trần Thanh Năm (ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường) là 1 trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ông nổi tiếng khắp vùng quê này về tài nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen. Trung bình mỗi năm, trang trại nuôi cá trắm đen của gia đình ông Năm xuất bán trên 100 tấn cá. Doanh thu từ bán cá mỗi năm từ 6-7 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí ông Năm lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm (trái) thăm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh cá trắm đen của tỷ phú nông dân Trần Thanh Năm. Ảnh: Thu Nga

Tại xóm 3, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, mô hình chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Nguyễn Văn Công cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Với gần 5 vạn con gà đẻ giống siêu trứng Brown, trung bình mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Công cung cấp ra ngoài thị trường hơn 40.000 quả trứng gà, với giá bán dao động từ 1.700 – 1.800 đồng/quả. Ngoài ra, mỗi năm trang trại của anh còn xuất ra thị trường hàng chục tấn gà thịt sau khi thôi đẻ. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh Công có lãi gần 1 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm nghìn mô hình nông dân SXKD giỏi ở Nam Định.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, Hội ND tỉnh Nam Định và các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây được coi là phong trào lớn, trọng tâm của Hội, tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế – xã hội ở nông thôn.

Theo đó, Hội ND tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp Hội chú trọng công tác tuyên truyền, phát động cán bộ, hội viên đăng ký phấn đấu trở thành hộ SXKD giỏi, phối hợp tuyên truyền các chủ trường đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vận động hội viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các cấp Hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Cụ thể: Hội ND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với 11 sở, ngành và nhiều công ty, doanh nghiệp nhằm chuyển giao KHKT, cung ứng vốn vay, vật tư nông nghiệp, phối hợp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nâng cao cả chất và lượng

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 4 HTX, 96 tổ hợp tác với 1.449 thành viên và 31 tổ hội nghề nghiệp với 686 thành viên hoạt động có hiệu quả.

“Năm 2015, toàn tỉnh Nam Định có 170.000 hộ đăng ký danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp, qua bình xét số hộ đạt là 77.000 hộ. Đến năm 2019, có 237.619 hộ nông dân đăng ký, qua bình xét có 111.360 hộ đạt, bằng 47% so với hộ đăng ký. Năm 2020, có 258.386 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (bằng 60,96% so với số hộ nông dân)” – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định thông tin.

Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định Nguyễn Hùng Mạnh, từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc. Điển hình là: Ông Nguyễn Văn Luật (xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) với mô hình chăn nuôi VAC tổng hợp; ông Trần Văn Quyên (xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen. Hay ông Triệu Đình Hợi (xóm 14, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản) với mô hình chăn nuôi thỏ; ông Nguyễn Văn Thục (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh) với mô hình chăn nuôi lợn sinh học, trồng trọt theo quy trình VietGAP; hộ ông Nguyễn Văn Sơn (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng) chuyên sản xuất giống, nuôi và tiêu thụ cá bống bớp; hộ ông Nguyễn Văn Công (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu) với mô hình nuôi gà đẻ bằng thảo dược; hộ ông Bùi Văn Sớm (xóm 12, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu) với mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng dược liệu kết hợp nuôi cá…

Đáng chú ý, từ phong trào đã khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp giúp đỡ hàng nghìn con giống các loại, hàng ngàn ngày công và hàng tỷ đồng cho hàng ngàn lượt hội viên nghèo, hộ khó khăn; giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện giúp hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo.

Tags:

TOP