Xốn xang nhớ tiếng còi tầm

Xốn xang nhớ tiếng còi tầm

Hà Trần – chị đồng nghiệp của tôi sinh sống ở phương Nam lần đầu tiên đặt chân đến Nam Định đã cảm thán: “Thật ngỡ ngàng với không gian, cảnh quan và kiến trúc ở thành phố này. Dù đã đi nhiều nơi, đến nhiều thành phố nhưng phải công nhận là Nam Định đẹp một cách gọn gàng, thanh tịnh.

Chiều cuối năm lang thang dạo quanh các hồ, các công viên ở thành phố này đủ cảm nhận vẻ lãng đãng và thơ mộng của thành phố cũ. Men theo con đường uốn lợn ven hồ ngắm những hàng cây đang vào mùa thay lá, chợt nhớ những con đường nổi tiếng xứ Hàn, những hàng cây cao vút và thẳng tắp trên đảo Naomi.

Nhưng Naomi chỉ có cây trong không gian nhỏ xíu còn Nam Định không chỉ có cây, có cảnh mà còn có hồ, có người nên nó tình và ấm hơn. Đến Nam Định bỗng mình muốn yêu, muốn có bờ vai để dựa và muốn nắm tay người ấy đi dạo mỗi chiều”.
1. Nam Định có lẽ là thành phố duy nhất có nhiều nét tương đồng và có phần chịu nhiều ảnh hưởng về một vài mặt đời sống của Thủ đô Hà Nội. Điều thú vị này thể hiện ở lối sống đô thị nhàn tản và trầm mặc ở khu phố cổ, những dãy phố buôn bán từ lâu đời đều dẫn đến Chợ Rồng. Vai trò của chợ Rồng đối với đời sống thương mại kinh doanh của Nam Định quan trọng và nổi bật nhất đến mức nhiều thời kỳ người ta thường gọi vui người Nam Định là “dân chợ Rồng”.

Nam Định cũng giống Hà Nội ở một con phố Nguyễn Du đến mùa thu là nức mùi hương hoa sữa, cũng có một nhà Thủy Tạ bên hồ như hồ Gươm của Hà Nội. Giống cả những con phố nhỏ giăng mắc dọc gang nội đô với những cái tên mộc mạc: Hàng Tiện – Hàng Đồng – Hàng Sắt…

Nhiều thế hệ người Nam Định trong những thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX khi đời sống còn khó khăn, ít trò giải trí như bây giờ vẫn thường chờ đến tối thứ bảy cuối tuần để đi đạp thuyền vịt ở hồ Vị Xuyên, hay xếp hàng chờ mua chiếc kem Thủy Tạ bên hồ, đi xem chiếu bóng ở rạp Tháng Tám.

Thành phố nhỏ, hẹp, nhiều ngõ ngách, đôi khi đi dạo chỉ đạp xe lòng vòng quanh những con phố nhỏ cổ kính với hàng ngói nâu trầm mặc, phố này thông sang phố kia rồi lại về phố nhà mình. Đến bây giờ, người Nam Định vẫn gọi quen hồ Vị Xuyên là ” bờ hồ”, đúng như cách người Hà Nội trìu mến gọi Hồ Gươm qua nhiều thập niên. Cuộc sống ở Nam Định ở những thập niên trước đặc biệt là thời bao cấp có nét tương đồng và giản dị như Thủ đô Hà Nội khi chưa mở cửa.2. Do địa bàn thành phố nhỏ, nên cuộc sống người Nam Định chỉ chủ yếu xoay quanh công sở hay cửa hàng và gia đình của họ. Người Nam Định thích các hoạt động ngoài trời như đi dạo công viên, tập thể dục, họ thích gặp gỡ tụ tập bạn bè mỗi buổi chiều sau một ngày làm việc.

Nam Định được coi là đất học, với thành tích giáo dục vào loại hàng đầu cả nước. Thành phố Nam Định cũng tập trung nhiều cơ sở đào tạo chất lượng, với đội ngũ tri thức lành nghề. Người Nam Định đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục, họ thường làm lụng vất vả để dành tiền nuôi con cái họ học hành cho đến nơi đến chốn.

Họ luôn coi việc con cái học giỏi là niềm tự hào lớn nhất của gia đình, và nhấn mạnh chỉ có con đường học hành, học đại học, “lên Hà Nội” là con đường đem lại tương lai tươi sáng trong bối cảnh thành phố về điều kiện kinh tế và cơ chế hành chính còn nhiều bất cập. Chính điều đó đã tạo nên những cuộc cạnh tranh gay gắt vào những cơ sở đào tạo nổi tiếng các cấp học của thành phố điển hình như kỳ thi vào trường chuyên Lê Hồng Phong vô cùng quyết liệt.3. Người Nam Định, nhất là thế hệ cao tuổi và trung niên, thường vẫn hay tự hào và chút nuối tiếc về quá khứ có phần tiếng tăm nhưng giờ đã lùi xa của thành phố này, thời Nam Định còn là trong ba thành phố quan trọng nhất Bắc Kỳ. Hiện nay nhiều người dân sống ở phố cổ vẫn ngày qua ngày sống chen chúc trong những con ngõ chật và bề ngang rất hẹp, sâu hun hút, những cụ già vẫn hay ngồi mỗi chiều trước hiên những ngôi nhà rêu phong cũ kỹ ngắm người qua lại với vẻ trầm mặc quên thời gian.

Một thời, do quy mô, chức năng lúc bấy giờ mà Nam Định quê tôi chết với cái tên là “Thành phố Dệt”. Thành phố công nghiệp của tôi còn lên trên “mặt tiền” minh họa của tờ tiền Quốc gia! Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bọn trẻ con chúng tôi lớn lên, thao thức với ký ức những tiếng còi tầm tan ca vang vọng.

Những bà mẹ của chúng tôi lầm lụi một đời với những cặp lồng cơm lắt lẻo trên ghi đông xe đạp, không ra khỏi nhà từ lúc trời chưa sáng hẳn thì cũng về lúc thành phố đã ngủ say (thời cực thịnh, 1/3 dân số tuổi lao động của Nam Định là công nhân của Liên hiệp Dệt). Tôi thích nhất là năm thì mười họa, được một ngày nghỉ học lẽo đẽo theo mẹ vào nhà máy, tận mắt nhìn những cô bác công nhân đứng bên cỗ máy chạy rầm rầm suốt ngày đêm, cuốn vào nhả ra trùng trùng nào tơ, nào sợi, nào đay…

Lớn hơn chút nữa, biết cầm cây kim sợi chỉ, ngoài giờ học, tôi cũng lụi cụi ngồi khâu mép bao đay giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. Các chị tôi, em họ tôi và nhiều bạn bè tôi cũng thế bởi bác dâu tôi, cô tôi, hàng xóm xung quanh tôi… đa phần đều là công nhân nhà máy.

Dù còn những tranh cãi, tiếc nuối nhưng quyết định san bằng toàn bộ diện tích Liên hiệp Nhà máy Dệt Nam Định cũ để xây dựng khu đô thị đã được triển khai ở những bước đầu tiên. TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc di chuyển nhà máy khỏi sự bao vây của đô thị là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay chứ không phải chỉ là hệ quả của quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên bây giờ phá dỡ thì cũng nên lưu lại một phần nhà máy để làm di sản, để tham quan, để các thế hệ sau biết đến một nhà máy từng là biểu tượng của nền công nghiệp rất đáng tự hào.4 Dường như quá lo xa khi nghĩ rằng việc xây dựng khu đô thị tổ hợp Trung tâm thương mại, nhà ở trên nền Nhà máy Dệt cũ sẽ gây quá tải cho thành phố Nam Định như bài học của đô thị Hà Nội bởi thực tế Nam Định chưa hề có tòa nhà cao tầng nào lên tới mấy chục tầng đã đi vào hoạt động.

Đô thị Nam Định cũ có hệ thống đường sá được người Pháp quy hoạch khá bài bản với hệ thống công viên cây xanh xen kẽ khá thoáng đãng. Các khu vực mới mở rộng quy hoạch cũng khá khang trang. Bản thân Nhà máy Dệt xưa vốn dĩ là khu vực ngoại ô nhưng trải qua thời gian đô thị phát triển, mở rộng nên đã ôm vào lòng thành phố. Thế nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà máy công nghiệp sang khu đô thị, lấy đó là trọng tâm đô thị Nam Định cũng là điều phù hợp quy luật.
Chiều cuối năm, ngồi với ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng Nam Định, người gắn bó và say mê nghiên cứu văn hóa thành Nam. Chia tay ông, tôi cứ canh cánh với tâm nguyện nho nhỏ khi ông nói: “Cái còi tầm đã đi vào câu hát “Bến nước quê tôi ai qua mà chẳng nhớ, nhớ tiếng còi tầm xốn xang trong lòng người thợ” đã tắt lịm đến gần 20 năm nhưng tôi tin nó vẫn còn vang được. Nam Định có thể phá đi nhà máy Dệt để xây dựng lõi đô thị nhưng sẽ chẳng ảnh hưởng gì nếu như khôi phục lại âm thanh quen thuộc – tiếng còi ủ gọi người thợ vào ca”.

Cũng như ông Giám đốc lãng mạn, tôi tin nhiều và nhiều thế hệ người thành Nam sẽ thích thú với điều ấy. Tiếng còi báo hiệu ngày mới, tiếng còi gọi dậy những ký ức đẹp, tiếng còi thao thiết kết nối quá khứ, gọi mở tương lai…

(Theo Baoxaydung.vn)


TOP