Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Nam Định

Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Nam Định

Nam Định là một tỉnh lớn với 2 triệu dân nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Theo quy định năm 2008 thì Nam Định thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ.

Nam Định có bờ biển dài 72 km có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Ở đây có khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) và có 4 cửa sông lớn: cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy, cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ và cửa Hà Lạn sông Sò.

Thành phố Nam Định là một trong những thành phố được Pháp lập ra đầu tiên ở Bắc Kỳ, Việt Nam. Hiện nay Nam Định là thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định. Nằm ở phía nam và là thành phố trung tâm tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hoá và tôn giáo ngay từ những thời kỳ đầu thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho một đô thị Nam Định sau này. Trong suốt thời kỳ lịch sử từ Thiên Trường cho đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1822, gọi là Trấn Nam Định, sau đến 1831 gọi là tỉnh Nam Định dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1921, người Pháp đã phá Thành Nam quy hoạch lại và thành lập thành phố Nam Định.Lúc đó là thành phố cấp 2 (ngang một tỉnh).

Nhà thờ chính tòa và tòa giám mục Bùi Chu

Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ Công giáo Rôma, tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bùi Chu là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu. Đây còn là nơi an nghỉ của 5 giám mục đã từng cai quản giáo phận. Đây được xem là một trong những kiến trúc tại nam định ấn tượng và được nhiều người biết đến.

Nhà thờ Bùi Chu.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8, ngày lễ quan thầy của giáo phận, có nhiều giáo dân tập trung về dâng lễ.

Nhà thờ chính tòa trước Tòa giám mục Bùi Chu – Ảnh: Tran Tuan Viet

Nguyện đường cao 35m- ngọn tháp vươn cao với Thánh Giá được nâng lên bởi tòa tam cấp, có dáng dấp Đông Phương lại Gô- Tích. Phần trên tòa nhà được dẫn vào bởi những bậc thang rộng. Bên tay phải cầu thang là tượng Thánh Giesu cõng Chúa Con trên vai mà không đâu có tượng này, ý nghĩa “Tình Cha”. Đối diện với tượng Thánh Giesu là tượng Đức Mẹ Sầu Bi ôm Con “Nghĩa Mẹ”.

Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Svbuichu.

Cửa nhà nguyện 4 cánh, mỗi cánh là một công trình đầy ý nghĩa của các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa Giải. Vào trong Nhà Nguyện, như lạc vào động tiên không gian cao vút với tượng ảnh, bàn thờ, màu sắc… được sắp đặt một cách hài hòa. Tầng dưới Nhà Nguyện là Nhà hầm các Thánh tử vì Đạo. Bên cạnh còn có 6 mẫu nữ tu: Đa Minh, Mân Côi, Trinh Vương, Thăm Viếng và Mến Thánh Giá. Khi vào hay khi ra khỏi phòng các Thánh, du khách có thể điểm vài tiếng chiêng cồng, sản phẩm của Hội An, Đà Nẵng để ghi nhớ cuộc viếng thăm này.

Ngay tại gian giữa, nhiều người sửng sốt và cảm động, lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ cho Con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía; võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng. Đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam. Đức Mẹ Việt hóa với áo dài hồng nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài kiểu quý phái, mái tóc đen óng ánh. Cặp mắt mẹ âu yếm nhìn Đứa Con đang khát sữa.

Nhà thờ Bùi Chu.

Trên đầu tượng Đức Mẹ có dòng chữ “…Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú”. Nhiều người mẹ đã đến đây để cầu xin cho có sữa nuôi con và biết cách dạy con. Phía trần nhà trên đầu Đức Mẹ là một bức phù điêu tuyệt tác, tả khung cảnh vinh hiển của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam trước vị vua Vinh Hiển là Đức Kito Phục Sinh.

Mở cửa vườn, chúng ta sẽ gặp một Cỗ Tràng Hạt rất lớn, nặng 2,2 tấn. Mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10m.

Bên phải là một bức tường cao, trên đó gắn sẵn những bản kinh Ave Maria, tức là bản kinh “Kính Mừng Maria” bằng các thứ tiếng trên khắp thế giới. Tổng số bản kinh là 150, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20mx1,2m. Trong vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn: Thánh Francis với con chó sói. Ở phía giữa hành lang là pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ dâng hoa cho Đức Mẹ. Xa hơn ở cuối hành lang là tượng Thánh Don Bosco cao 3m và Thánh Đa Minh Savio (St.Dominic Savio).

Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ tại Giáo phận Bùi Chu xưa kia, trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi.

Vương cung thánh đường Phú Nhai

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Phú Nhai (hay còn gọi là Nhà thờ Phú Nhai, Đền Thánh Phú Nhai) là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Giáo phận Bùi Chu, Việt Nam. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách thị trấn Xuân Trường hơn 1 km. Đây là một trong những ngôi nhà thờ có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam.

Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai.

Nhà thờ gốc có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Nhà thờ có kích thước: dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét.

Giáo dân Phú Nhai trong ngày lễ thánh tại nhà thờ Phú Nhai.

Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng là: 2.000 kg – 1.200 kg – 600 kg và 100 kg.

Nhà thờ Phú Nhai. Ảnh: Svbuichu.

Mặt tiền nhà thờ từ ngoài vào, bên phải có tượng đài Thánh Đaminh cao 17m, riêng phần tượng cao 2,3m. Bên trái có Lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai cao 15m. Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá.

Khi khách tham quan đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai sẽ được chiêm ngưỡng được toàn cảnh của Huyện Xuân Trường. Năm 2008 Đền thánh Phú Nhai được nâng lên hàng thành Tiểu Vương cung Thánh đường (Minor Basilica).

Nhà thờ đổ Nam Định

Dù hoang tàn, nhà thờ đổ thuộc xã Văn Lý, huyện Hải Hậu vẫn thu hút nhiều du khách và tay máy nhờ sự hội tụ của trời biển, nắng gió và cát trắng. Trước đây, ngay bên bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu này là một quần thể gồm nhiều nhà thờ lớn nhỏ.

Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng nhà thờ đổ Hải Lý vẫn luôn được xem như là nhà thờ nổi tiếng nhất ở Nam Định.

Tuy nhiên, theo thời gian, nước biển dần dần xâm lấn đất liền làm ảnh hưởng lớn đến các công trình. Giáo dân trong vùng đã 3 lần chuyển nhà thờ vào đất liền để tránh sự “xâm chiến” của biển. Nhà thờ đổ ở bờ biển Xương Điền này mang tên Trái Tim, bị bỏ hoang từ năm 1996.

Để đến nhà thờ đổ, từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 1A, rẽ vào quốc lộ 21, về thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan, hỏi đường về huyện Hải Hậu. Đến trung tâm huyện (cầu Yên Định) hỏi đường ra thị trấn Cồn (cách cầu Yên Định khoảng 8 km). Ở đây có biển chỉ dẫn (phía bên trái): Văn Lý 3 km. Đi theo biển chỉ dẫn, hỏi Nhà thờ đổ.

Chợ cá được họp ngay trên bãi biển cạnh nhà thờ đổ – Ảnh: Hệ Trần Văn

Nếu đi ô tô khách: đón xe ở bến Giáp Bát, đi chuyến Hà Nội – Nam Định – thị trấn Cồn (hoặc Thịnh Long). Xuống xe, bắt xe ôm vào khu Nhà thờ đổ (3 km). Thời gian chụp hình nhà thờ đổ đẹp nhất là bình minh (khoảng 5h) và hoàng hôn (khoảng 18h). Quanh nhà thờ đổ là làng chài, không có dịch vụ nhà nghỉ. Tuy nhiên, ở đây có nhiều lán, chòi dựng tạm để người dân thu mua hải sản. Bạn có thể xin ở nhờ để sáng dậy sớm chụp bình minh và xem kéo lưới, cũng để hiểu hơn cuộc sống người dân làng chài.

Vẻ đẹp hoang sơ bên cạnh cuộc sống mưu sinh của những người dân chài cần cù, chất phác giữa thiên nhiên thanh bình mang lại những cảm giác mới lạ cho du khách ghé thăm. Có rất nhiểu đặc sản biển như cua, ghẹ, tôm (tôm he, tôm thuyền, tôm đanh, tôm rảo), cá khoai, mực… tuy không to nhưng tươi, ngon do người dân đánh bắt gần bờ, sáng đi, chiều về. Ở đây cá cơm hay còn gọi là cá trổng có rất nhiều. Cá dùng để làm nước mắm.

Làng chài Xương Điền cách TP. Nam Định 50 km. Đây là điểm đến của nhiều du khách từ khắp mọi nơi bởi nét đẹp hoang sơ và chứng tích thời gian – nhà thờ đổ.

Du khách có thể mua hải sản ngay trên bãi biển, nhờ người dân nấu và thưởng thức ngay trên bãi cát. Chiều đến là lúc người dân ra đây tận hưởng không khí biển trong lành, mát dịu. Ngoài nhà thờ đổ và làng chài, bạn có thể đến cánh đồng muối cách đó chừng một km để tham quan, chụp ảnh, hoặc xa hơn là biển Thịnh Long, Quất Lâm (cách 10 km).

Sân vận động Thiên Trường

Sân vận động Thiên Trường là một sân vận động nằm ở trung tâm thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, Việt Nam với sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, mặt sân cỏ có kích thước 115×72 m. Đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Nam Định (tiền thân là câu lạc bộ Công nghiệp Hà Nam Ninh), một câu lạc bộ bóng đá luôn có thứ hạng cao trong giải vô địch bóng đá Việt Nam.

Trước đây, sân vận động Thiên Trường có tên gọi sân vận động Chùa Cuối. Ngày 30 tháng 8 năm 2003, sân chính thức đổi tên thành Thiên Trường với trận khai sân giữa câu lạc bộ bóng đá Nam Định với U-23 Thần Hoa Thượng Hải (Trung Quốc).

Sân Vận Động Thiên Trường Từ Trên Cao

Các đội tuyển bóng đá quốc gia nam, nữ và Olympic từng chọn sân Thiên Trường làm sân nhà cho các trận đấu quốc tế.

Năm 2003, sân vận động Thiên Trường là một trong nhiều địa điểm tham gia tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003. Tại đây đã diễn ra các trận đấu môn bóng đã nữ.
Về đội ngũ thiết kế kết cấu công trình: là một lực lượng khá đông đảo của Xí nghiệp TVTK kết cấu – Công ty CDC và Xưởng 1 – Công ty TVĐHXD. Chủ trì kết cấu ban đầu (thiết kế kĩ thuật) là KS. Lê Văn Chấn, nguyên Xưởng trưởng xưởng KC – CDC, sau này do thay đổi nhân sự lại, có các kiến trúc sư sau tham gia: Chủ trì kết cấu móng toàn công trình: Kĩ sư. Phạm Như Huy, Chủ trì thiết kế kết cấu phần thân khán đài B, C, D: Kĩ sư. Nguyễn Trường Thắng, Chủ trì kết cấu phần thân khán đài A là kĩ sư. Trần Tuấn Anh.

Ban đầu công trình được thiết kế dưới dạng mái vòm ở khán đài A và B. Sau này theo yêu cầu của Chủ đầu tư nên thay đổi lại: chỉ có mái che cho khán đài A, bỏ mái che khán đài B và mái khán đài A chuyển sang làm kết cấu thép. Chủ trì kết cấu phần mái thép là Thạc sĩ. Trần Mạnh Dũng, phó chủ nhiệm Bộ môn thép đại học xây dựng-Xưởng trưởng xưởng 1 – Công ty TVĐHXD, cùng các thầy giáo trong bộ môn, như: GS.TS Phạm Văn Hội, GS Đoàn Định Kiến…
Toàn bộ công trình có kinh phí đầu tư (kể cả bổ sung) theo QĐ phê duyệt của uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định là khoảng 74 tỷ VN đồng. Sau này quyết toán khoảng 70,5 tỷ VN đồng. Như vậy đây là công trình duy nhất trong số các công trình thể thao phục vụ Sea-game 22 không bị vượt kinh phí đầu tư đã được duyệt. Tổng số chỗ ngồi khoảng 2,2 vạn. (Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có số chỗ ngồi là 4vạn (gấp đôi về chỗ ngồi), kinh phí đầu tư khoảng 50 triệu USD, hay khoảng 800 tỷ VN đồng tức gấp sân Thiên Trường hơn 10 lần về kinh phí đầu tư)

Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ là một quần thể kiến trúc đạo Phật và tín ngưỡng Việt Nam mang các yếu tố kiến trúc gô-tích ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ngay sát quốc lộ 21A. Trong chùa có quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936.

Theo bảng giới thiệu trong chùa, thì chùa Cổ Lễ nguyên được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ phật. Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ. Tuy nhiên chùa ban đầu này đã bị đổ nát. Năm 1902, sư Phạm Quang Tuyên về trụ trì, cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu đài” với những yếu tố kiến trúc gô-tích giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.

Chùa Cổ Lễ tại Nam Định

Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo.

Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao cao 32 m, có 8 mặt, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn. Mặt cầu lát gạch.

Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm nghìn tay. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.

chùa cổ lễ

Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn. Giữa hồ có một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,2 m, thành dày 8 cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.

Đại Hồng Chung nặng 9 tấn tại chùa Cổ Lễ

Có hai chiếc cầu giả như động núi, gọi là cầu Núi, bắc qua hồ dẫn tới kiến trúc chính của chùa Cổ Lễ, đó là chùa Thần Quang. Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Thần Quang Tự được xây dựng từ năm 1914 trên nền chùa cổ từ thế kỷ 12. Năm 1995, chùa được trùng tu lớn. Trong chùa có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4 m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật. Sau lưng tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không.

Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ. Vách hành lang gắn đầy những tấm bia hậu. Ở nhà tổ có tượng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên.

Sau nhà thờ tổ là một gác chuông lớn có kiến trúc truyền thống gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các. Gác chuông này cao 13m40, được xây dựng vào năm 1997. Tầng 2 của gác chuông này có treo một quả chuông đồng to, cao 4m20, rộng 2m03, nặng 9.000 kg. Chuông được đúc vào năm 2003. Tầng 3 có treo một quả chuông đồng nữa đúc từ thời Lê Cảnh Thịnh, nặng 300 kg.

Chùa Cổ Lễ Nam Định

Sau gác chuông là khu lăng mộ tổ của chùa. Trong chùa còn có một chiếc trống bằng đồng và những chiếc thuyền dùng để thi bơi chải. Bốn bề của chùa là vườn tược, hồ nước và sông ngòi.

Nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người…, đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Chùa Keo Hành Thiện

Chùa Keo (tên chữ: Thần Quang tự 神光寺) là một ngôi chùa ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

Chùa keo hành thiện

Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá,[cần dẫn nguồn] nên đã được tôn tạo nhiều lần.

Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Không gian chùa là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.

Chùa keo hành thiện

Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ, người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Nhân Tông.

Chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự 普明寺) hay chùa Tháp là một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía bắc. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, toà thượng điện cũng 3 gian nhưng rộng hơn, xếp theo hình chữ “công”. Bộ cửa gian giữa nhà tiền đường gồm 4 cánh bằng gỗ lim, to dày, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và văn hoa hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề, được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ. Cũng như đôi sấu đá trên thành bậc tam quan và đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần.

Tháp chùa Phổ Minh ẩn hiện tronh những tán cây xanh

Một số công trình kiến trúc bài trí khác đã làm tô thêm vẻ đẹp của chùa Phổ Minh, như 3 gian tam quan khung gỗ, tường gạch, mái ngói rêu phong, cổ kính với bức hoành phong đề 4 chữ lớn. “Đại hùng bảo điện” và thành bậc thềm ở chính giữa có chạm đôi sấu đá rất sống động, hai hồ tròn thả sen nằm đăng đối hai bên lối đi dẫn vào chùa.

Trong chùa có bày tượng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (tượng nằm); tượng Trúc Lâm Tam tổ dưới bóng cây trúc; một số tượng Phật đẹp lộng lẫy. Chuông lớn của chùa có khắc bản văn “Phổ Minh đỉnh tự” đúc năm 1796 – chùa vốn có một vạc lớn, sử sách coi là một trong bốn vật báu của Việt Nam (An Nam tứ đại khí) nhưng nay không còn.

Chùa Phổ Minh

Sau thượng điện, cách một sân hẹp là ngôi nhà dài 11 gian. Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa.

Kiến trúc thời nhà Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh, dựng năm 1305. Tháp cao khoảng 17 m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái…
Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.

Bảo tàng tỉnh Nam Định

Bảo tàng Nam Định là một trong số bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành khá sớm trong toàn quốc. Tiền thân là phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hoá Nam Định ra đời năm 1958. Năm 1980, UBND tỉnh có quyết định thành lập Nhà bảo tàng. Từ đây Bảo tàng tỉnh đã chính thức trở thành một thiết chế văn hóa có đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của một bảo tàng cấp tỉnh. Năm 2011, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Bảo tàng tỉnh Nam Định

Bảo tàng tỉnh Nam Định

Năm 2009, Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Nam Định đã hoàn thiện tại đường Cột Cờ, Tp Nam Định. Theo đó, tổng diện tích mặt bằng gần 12.000m2 , quy mô xây dựng 5.250m2, công trình chính gồm tòa nhà 3 tầng, tầng 1 sử dụng làm kho hiện vật và khu hành chính của cơ quan, tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày cố định và các chuyên đề.

Tọa lạc trong không gian của Thành Nam xưa, với quần thể các công trình văn hóa như: điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung), Cột Cờ, Dàn leo, vườn hoa và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ…Đặc biệt, tại đây ngày 21/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh và ghi bút tích trong sổ vàng truyền thống “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Với ý nghĩa lịch sử đó, Bảo tàng tỉnh Nam Định vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn, đồng thời là nơi phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang của Nam Định – một vùng quê văn hiến và cách mạng.

Bảo tàng Nam Định

Điểm nhấn của phần trưng bày nội thất là thời kỳ Lý – Trần:

– Thời Lý (thế kỷ XI – XIII) giới thiệu hình ảnh, tư liệu, hiện vật của bảo tháp Chương Sơn được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng và đích thân ngự khi khánh thành trên đỉnh núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên.

– Thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), tập trung làm nổi bật 3 nội dung cơ bản: khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần; quy mô cấu trúc Hành cung Thiên Trường và các căn cứ địa của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông; quá trình nghiên cứu và kết quả khai quật khảo cổ học tại các di tích thời Trần tại Nam Định.

Phố cổ Thành Nam

Phố cổ Thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định thời Nguyễn. Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì thành phố Nam Định cũng có đến hơn 40 phố cổ. Tuy nhiên, khác với các Phố cổ Đồng Văn, Phố Hiến, Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội đều đã được xếp hạng di tích quốc gia thì phố cổ Nam Định vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Một ngôi nhà trên phố cổ thành Nam. Ảnh:internet

Thành phố Nam Định có bề dày lịch sử hơn 750 năm, với sự kiện vào tháng 2 năm 1262, vua Trần Thánh Tông đã đổi hương Tức Mạc là quê hương của nhà Trần làm phủ Thiên Trường, đặt quan đứng đầu phủ (An phủ sứ) là Trần Thì Kiến, lập Hành đô Thiên Trường, xây các cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Nay đất Hành đô Tức Mạc xưa thuộc phường Lộc Vượng, một trong 20 phường của thành phố Nam Định.

Những ngồi nhà nhỏ ở phố cổ Thành Nam. Ảnh:internet

Trên phố Minh Khai, Hàng Sắt, Bến Ngự còn lại một số kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng vào khoảng những năm 1840-1849, như nhà của nhà thơ Tú Xương – 280 Minh Khai, nhà số 7 phố Bến Ngự – dựng năm 1849 – di tích được xếp hạng.

Nếu về Nam Định ngày nay du khách vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh phố cổ giữa những đổi thay của thành phố văn hóa đặc trưng vùng Nam sông Hồng xưa.

Phố Hàng Đồng được nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến Trần Hưng Đạo và gặp thành cổ. Trên đường phố này hiện nay còn một số kiến trúc cổ nhưng cũng đã cải tạo đi ít nhiều.

Phố Bắc Ninh (trước đây gọi là Hàng Giầy) – là con đường cổ nhưng những công trình kiến trúc xưa hầu như không còn.

Phố Cửa Đông từ đầu phố Bến Ngự đến cổng thành phía Đông kiến trúc còn lại là ngôi đền Trung Quân ở ngã tư Lê Hồng Phong – Hoàng Văn Thụ

Phố Phan Đình Phùng, Hàng Thao – trục đường dài hơn cả nối từ bờ sông Vị Hoàng (đã lấp) đến phía Tây thành phố. Khu này hầu như không còn kiến trúc cũ và cổ.

Khu di tích Phủ Dày

Phủ Dầy (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn 3 xã Kim Thái, Quang Trung, Đại An thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình.

Quần thể Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, các di tích nằm ngay sát chợ Viềng.
Các kiến trúc còn lại là các phủ: Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), phủ Giáp Ba, phủ Bất Di, đền Công Đồng, phủ Đá, phủ Nội, phủ Tổ (Khải Thánh), đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Mẫu Thượng, đền Mẫu Thoải, đền Trình, đền Đức Vua, đền Quan Lớn, đền Mẫu Đông Cuông, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Dần, chùa Gôi, chùa Vân Cát, chùa Tiên Hương, chùa Linh Sơn…

Phủ Tiên Hương thờ bên nhà chồng của Mẫu Liễu Hạnh, còn phủ Vân Cát và Phủ Tổ là nơi thờ Mẫu và bên ngoại (bên bố mẹ đẻ) của Mẫu.

Phủ chính Tiên Hương rực sáng với màn pháo bông trong đêm rước lửa.
Nơi đây là trung tâm các hoạt động của Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Công Khánh

Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.

Có 3 nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Phủ Dầy bao gồm: Lễ Rước Mẫu Thỉnh Kinh, Lễ Rước Đuốc, Lễ kéo chữ Hoa Trượng Hội. Ngoài ra trong lễ hội còn có các trò chơi truyền thống như: Thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi… Nghi lễ Hầu Đồng diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.

Đây là một ngôi chùa nỏi tiếng trong quần thể di tích Phủ Dày ở tỉnh Nam Định.

Thành ngữ dân gian một số nơi ở miền Bắc có câu:

Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ
Cha là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, còn Mẹ chính là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Di tích nhà Trần

Đền Trần (陳廟 – Trần Miếu) là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (正南門 – cổng chính phía nam) và Trần Miếu (陳廟 – Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cổng chính giữa đền Trần ở trên có hai chữ “Trần Miếu” – Ảnh: Tuấn CaNon

Cả ba đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu. Gồm các đền Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa,…

Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần.

Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. “Trần miếu tự điển” là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ “Tích phúc vô cương.” “Trần miếu tự điển” mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.

Cột cờ Nam Định

Cột cờ – Nam Định

Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền – TP Nam Định. Thời xưa, Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn,là Cột cờ Kinh thành Huế (1807), Cột cờ Hà Nội (1812) và Cột cờ Thành Bắc Ninh (1838). Căn cứ theo một số tư liệu, Cột cờ Thành Nam xây cùng thời với Cột cờ Hà Nội. Công trình này được bổ sung thêm nhiều ở phía trên đỉnh nên đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.

Cột cờ Nam Định ngày nay gồm ba phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Cột cờ Nam Định cao 23,84m; nằm ở phía nam Thành cổ, cách đình Vọng Cung (nay là chùa Vọng Cung) khoảng 100m. Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Phía nam đặt hai khẩu súng thần công. Phía đông có lư hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ – Thành cổ vào các năm 1873 và 1883.

Cột cờ Thành Nam – Ảnh Triệu Thanh Sơn

Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có đền thờ Bà chúa Cột cờ – Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc).

Cột cờ Nam Định

Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.

Nhà Thờ Khói Đồng

Nhà thờ Khoái Đồng còn có tên gọi là Khói Đồng (cách đọc chệch của người Việt) bắt nguồn từ tên thôn Khoái Đồng, một trong 5 thôn cổ của làng Vị Hoàng.
Nhà thờ Khoái Đồng cùng với nhà thờ Chánh toà của Đà Lạt là 2 nhà thờ duy nhất ở Viêt Nam thờ Thánh Nicolas – một vị thánh mà theo truyền thuyết Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel. Nhà thờ Khoái Đồng có diện tích 5.800 m2, được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả (nay là trường giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Cừ) và trường Sư phạm Saint Thomas (nay là trường THPT Nguyễn Khuyến).
Trải qua biến bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhà thờ Khoái Đồng với bóng dáng rêu phong cổ kính của mái vòm chính, ngọn tháp chuông cao vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố Nam Định. Hiện nay, nhà thờ đã mở cửa trở lại, trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của hàng ngàn giáo dân và là một điểm tham quan không thể thiếu mỗi khi du khách về với thành phố Nam Định.

Nhà thờ Khoái Đồng (còn có tên khác là Khói Đồng) tọa lạc tại 127 đường Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định. Nhà thờ Khoái Đồng và nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt là 2 nhà thờ duy nhất ở Viêt Nam thờ Thánh Nicolas.

Phán Quan tổng hợp


TOP