Nam Định: Mong người dân không quay lưng với thịt lợn

Nam Định: Mong người dân không quay lưng với thịt lợn

Là tỉnh thứ 13 trên toàn quốc phát hiện dịch tả lợn châu Phi, chính quyền, các ngành chức năng cùng với người dân Nam Định đang chủ động ứng phó với dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng.

Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang bùng phát báo động. Nằm trong khu vực Duyên hải phía Bắc, nơi dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hoành nên Nam Định không thể “thoát” được dịch.

Công tác phòng dịch được đẩy mạnh, tăng cường.

Nam Định đã thành lập một đội kiểm dịch động vật lưu động liên ngành và 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành đóng tại quốc lộ 10 (TP Nam Định); trạm thu phí Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc); khu vực gần chân cầu Non Nước – quốc lộ 10 (huyện Ý Yên) và bến phà Sa Cao (huyện Xuân Trường) với nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông; phun thuốc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định phòng, chống dịch của pháp luật.

Tâm lý hoang mang nên người dân đều “nói không” với thịt lợn. Mặc dù công tác tuyên truyền vẫn tích cực với người dân nhưng hầu hết mọi người đều quan điểm không ăn thịt lợn vào thời điểm này.

Chính vì người tiêu dùng “quay lưng” với thịt lợn như vậy mà các quầy bán thịt lợn đều vắng vẻ và không có người mua.

Chợ Cổ Lễ, một trong những chợ hàng đầu sầm uất của huyện Trực Ninh, huyện vừa phát hiện ra có ổ dịch tả lợn Châu Phi, nơi có 45 quầy thịt lợn đăng ký hoạt động, cũng là điểm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thì nay khá hiu hắt. Lượng người mua ít, có quầy trống trơn, tiểu thương không bán hàng. Lượng người mua hàng sụt giảm trông thấy.

Người bán hàng thì nhiều nhưng người mua thì không có.

Mặc dù nhận thức được là dịch tả lợn không lây sang người, những thịt lợn được phép bán đều là những lợn khỏe đã qua phòng dịch nhưng người mua vẫn không dám ăn thịt lợn. Không khí ảm đạm được bao phủ khắp chợ. Cả người bán hàng và người mua hàng đều buồn.

Trại xã Trực Thắng, Trực Ninh từ khi phát hiện dịch bệnh ở hộ gia đình ông Kiên, người dân trong xã khá lo lắng nhưng do có sự hỗ trợ kịp thời từ tỉnh đến huyện, công tác tuyên truyền đã được tiến hành từ trước nên hầu hết mọi người đều chủ động ứng phó.

Chính quyền xã đã thành lập 3 chốt kiểm dịch, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nam Định, ông Ninh Văn Hiểu chia sẻ “không chỉ xã Trực Thắng là nơi có dịch và đến nay chỉ có hộ gia đình ông Kiên là nơi phát dịch duy nhất.

Các hộ chăn nuôi trong tỉnh đều rất chủ động ứng phó như: lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và giấy chứng nhận kiểm dịch; cải tạo, sửa chữa chuồng trại đảm bảo thoáng mát, nền chuồng được quét dọn sạch sẽ, trước cửa chuồng có hố sát trùng; bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hóa cho vật nuôi tăng sức đề kháng kết hợp với vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, hạn chế cho người ngoài tiếp xúc với nơi chăn thả…”

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã trực tiếp đi kiểm tra nhiều nơi trên địa bàn huyện nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Bà Nga cho biết “Thị trấn Cổ Lễ dù các hộ chăn nuôi không nhiều nhưng lại là địa bàn tiêu thụ thực phẩm rất lớn. 2 tấn vôi bột đã được mua dự trữ đề phòng dịch bệnh. Bến đò Cổ Lễ nơi người dân huyện Trực Ninh và huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thường xuyên đi lại cũng được phủ trắng vôi bột phòng dịch lây lan. Do Thái Bình hiện 7/8 huyện, thành đã phát hiện dịch bệnh nên bà con rất tự giác không vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc qua phà, chủ động nắm bắt thông tin để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi”.

Bà Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ với người bán hàng.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 760 nghìn con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 152.173 tấn. Chính vì thế, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh thì việc tuyên truyền để người dân tích cực tiêu thụ thịt lợn rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng cũng là cách để ổn định thị trường, ủng hộ người nông dân.


TOP