Nét đẹp văn hóa nghề làm bánh nhãn Hải Hậu

Nét đẹp văn hóa nghề làm bánh nhãn Hải Hậu

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân khu phố 6, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lại tất bật với hàng trăm mẻ bánh nhãn mỗi ngày. Đã từ lâu, bánh nhãn đã trở thành thương hiệu của làng nghề truyền thống làm bánh nhãn Đông Cường.

Từ tháng 10 âm lịch hàng năm, khu phố 6, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu đã thấy thơm lừng khắp phố mùi bột nếp quyện với mùi trứng gà. Không ai ở đây biết chính xác nghề làm bánh nhãn có từ bao giờ và ông tổ của nghề là ai. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ khi còn nhỏ, các ông, các bà đã biết phụ bố mẹ vê bột làm bánh.

Người dân nơi đây cứ thế từ đời này qua đời khác, “cha truyền con nối”, lưu giữ và phát triển nghề cho đến tận ngày nay. Làm bánh nhãn không cầu kỳ, bởi nguyên liệu đơn giản, chỉ có bột nếp, trứng gà, đường kính, vừng. Nhưng để tạo ra những viên bánh hoàn chỉnh cuối cùng thì tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Bánh nhãn Hải Hậu.

Người làm bánh phải cần cù, nhẫn nại ngồi vê từng viên một. Có lẽ, chính sự tỉ mỉ trong việc vê bánh đã tạo nên sức hấp dẫn của loại bánh này.

Để bánh nhãn Hải Hậu giữ được màu sắc và hương vị đặc trưng, nguyên liệu làm bánh phải được lựa chọn kỹ càng. Bột làm bánh phải được làm bằng thứ bột nếp thơm ngon, trồng trên chính mảnh đất Hải Hậu. Ngoài bột nếp, các nguyên liệu kèm theo có trứng gà, đường trắng và vừng đen, thì không phải thêm bất kỳ nguyên liệu nào, vì nếu thêm nguyên liệu “lạ”, bánh sẽ bị nổ khi chiên giòn.

Đặc biệt, mỡ để chiên bánh phải dùng mỡ lợn, loại mỡ khổ lớn, được rán vừa tới, có như vậy mới cho ra đời những mẻ bánh giòn, bóng, hòa quyện với vị thơm, bùi của bột nếp, của trứng gà, để cho ra đời những viên bánh đặc sản tuyệt vời của vùng quê Hải Hậu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ trưởng khu phố 6, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu cho biết, khu phố 6 có trên 30 hộ làm nghề bánh nhãn. Nơi đây cũng đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012.

Cũng theo ông Thắng, loại bánh đặc sản này thường được người dân sử dụng nhiều vào dịp Tết và mùa lễ hội, dùng làm quà biếu hay đi lễ, nên từ tháng 10 âm lịch hàng năm cho đến tháng 3 âm lịch năm sau thường là thời điểm bận rộn nhất của người dân nơi đây, các hộ gia đình thường xuyên phải làm việc cả ngày lần đêm. Trung bình, mỗi ngày, các hộ gia đình xuất trên 6 tấn bánh đi khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành miền Bắc.

Bánh nhãn được ưa chuộng không chỉ bởi hình dáng lạ, đẹp mắt, giá cả phải chăng, mà còn bởi thứ mùi vị thân thuộc, dân dã của bột nếp quê, của trứng gà, của vừng. Bánh giòn, ăn vào thấy mềm, thơm, bùi lại không hề cảm thấy ngán.

Theo những người dân nơi đây, một trong những lý do khiến bánh nhãn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường chính bởi vì nguyên liệu sản xuất đều “lành”, đảm bảo, bánh lại không thể sử dụng bất kỳ phụ gia nào khác nên người tiêu dùng cảm thấy rất yên tâm.

Nghề làm bánh nhãn đã đem lại thu nhập chính cho người dân khu phố 6, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu. Giữ nghề, phát triển nghề không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà nó còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, bởi từ bao đời nay, nghề làm bánh nhãn đã trở thành nét đẹp văn hóa của Hải Hậu, bởi vào những lúc nông nhàn hay mùa cao điểm, người dân trong làng lại cùng nhau đi làm bánh thuê, vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần giúp người dân trong làng gắn chặt thêm tình làng nghĩa xóm ở vùng quê lúa Hải Hậu.

KHOAHOCPHATTRIEN.COM.VN


TOP