Các làng nghề ở Nam Định

Các làng nghề ở Nam Định

Ai về Nam Định Quê tôi
Một lần ghé đến…để rồi xuyến xao
Nam Định có bến đò Chè – Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ

Sau đây là các làng nghề nổi tiếng hiện nay tại quê hương Nam Định

1. Làng nghề nấu rượu Kiên Lao Nam Định

Nhắc đến rượu ở Nam Định là phải kể đến rượu ở Tổng Kiên Lao, nay là hai xã Xuân Kiên – Xuân Tiến, huyện Xuân Trường. Rượu Kiên Lao đã có từ thời nào thì không ai nhớ, chỉ biết rằng, thời chống Pháp rượu ở khu vực này đã nổi tiếng ngon, thơm.
Rượu Kiên Lao được chế biến công phu từ gạo nếp cái hoa vàng. Cứ 10 kg gạo sẽ cho ra 6 đến 7 lít rượu. Nhà nào cũng làm với phương thức thủ công trải qua nhiều côngđoạn cầu kỳ nên rượu rất trong, giữ nguyên được hương vị gạo ngon của quê nhà. Để làm ra được một mẻ rượu, người dân Kiên Lao phải chú trọng từ khâu lấy men, chọn gạo. Gạo làm ra rượu ngon, phải là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng.

Làng nghề Nấu Rượu Kiên Lao Nam Định

Làng nghề Nấu Rượu Kiên Lao Nam Định

Xem thêm về Làng nghề nấu rượu Kiên Lao


2. Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu – Nam Trực Nam Định

Nghề đan mây tre đã hình thành và tồn tại từ bao thế hệ ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực, Nam Định). Ở đây từ đứa trẻ lên mười đến các cụ ông, cụ bà “ngoại thất thập” vẫn ngày ngày thoăn thoắt đan tre nứa giúp cho cái nghề dân dã ấy được tiếp nối lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.
“Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ” là câu ca truyền miệng đã bao thế hệ ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực). Ở đây từ đứa trẻ lên mười đến các cụ ông, cụ bà “ngoại thất thập” vẫn ngày ngày thoăn thoắt đan tre nứa giúp cho cái nghề dân dã ấy được tiếp nối lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.

Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu – Nam Trực Nam Định



Xem thêm về: Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu Nam Định


3. Làng nghề dệt tơ lụa Cổ Chất Nam Định

“Nam Định có bến đò Chè – Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.
Câu ca đưa ta về với làng nghề Cổ Chất, Nằm bên dòng sông Ninh thơ mộng làng nghề dệt Cổ Chất nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Đến nơi đây bạn sẽ có được cảm giác yên ả của một vùng quê và khám phá nhiều điều mới mẻ.
Làng Cổ Chất thuộc xã Phương Đình, huyện Trực Ninh nằm cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 20km, trên trục đường đi từ trung tâm thành phố Nam Định ra biển Quất Lâm.
‘Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ’, ca dao tục ngữ từ trong tâm thức bao người nhưng mấy ai được tận mắt nhìn thấy quy trình từ kén tằm kéo ra tơ. Nhưng chỉ một ngày ngắn ngủi dạo qua làng tơ Cổ Chất, bạn không chỉ được đắm chìm trong khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được biết các công đoạn của quá trình làm tơ ra sao.

Làng tơ Cổ Chất Nam Định

Làng tơ Cổ Chất Nam Định

Xem thêm về: Làng nghề dệt tơ lụa Cổ Chất Nam Định


4. Làng nghề gỗ La Xuyên Nam Định

Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo. Người thợ nơi đây đã từng đi xứ Đông, xứ Đoài làm đẹp cho biết bao làng quê. Sản phẩm lớn của họ là những công trình kiến trúc với toà ngang dãy dọc được mở rộng ra về mặt bằng và nâng cao chiều cao lên với những mái cong cổ kính. Sản phẩm phong phú và thông dụng như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng, sập gụ, tủ chè đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao.
Ngày nay, La Xuyên chỉ là một thôn của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng làng nghề này đã sống cùng với thời gian và ngày càng nổi tiếng. Với truyền thống là một làng nghề lâu đời, La Xuyên đã và đang góp phần làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước.

Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên

Xem thêm về: Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên


5. Làng nghề cây cảnh nổi tiếng Vị Khê

Làng nghề cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực. Làng Vị Khê nằm bên bờ sông Hồng cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía Đông Nam. Đây là một làng nghề truyền thống có tuổi nghề trên 700 năm.
Nghề trồng hoa xuất hiện từ cuối thời Lý, phát triển mạnh dưới thời Trần và ngày nay nghề trồng hoa, uốn tỉa cây cảnh ở Vị Khê đã phát triển sang nhiều xã, trở thành một nguồn thu lớn của địa phương.
Theo truyền thuyết địa phương thì ông tổ nghề trồng hoa là Tô Trung Tự, khi ông đến Nguyễn Gia Trang (nay là thôn Vị Khê, xã Điền Xá), thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đồng màu mỡ, dân cư thuần phác, ông đã cho lập hành cung làm nơi đi lại. Tại đây, ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông, ông còn dạy dân địa phương trồng hoa, trồng cây cảnh để làm kế sinh sống lâu dài.

Làng cây cảnh Vỵ Khê

Xem thêm về: Làng cây cảnh Vỵ Khê


6. Nghề nặn tò he truyền thống ở thôn Hà Dương

Từ bàn tay khéo léo và sự tâm huyết, những người nặn tò he thôn Hà Dương, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã “biến” thứ bột nặn thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu. Tò he từ một đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Khi đồ chơi hiện đại ngày càng phong phú, tò he mất dần khách hàng nên nghề cũng dần mai một. Hiện chỉ còn rất ít người ở Hà Dương theo nghề bởi sự đam mê với nghề và cũng chỉ hoạt động theo mùa vụ. Nghệ thuật nặn tò he ở thôn Hà Dương là nét văn hóa truyền thống cần được gìn giữ.

Nghề nặn tò he truyền thống ở thôn Hà Dương

Xem thêm về: Nghề nặn tò he truyền thống ở thôn Hà Dương


7. Làng nghề nón lá Nghĩa Châu

Xã Nghĩa Châu huyện Nghĩa Hưng cách thành phố Nam Định khoảng 17 km theo đường tỉnh lộ 490. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống.
Hình ảnh các bà, các chị túm năm tụm ba bên gốc tre làng chuyện trò vui vẻ, tay thoăn thoắt khâu nón sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó quên và chắc hẳn việc chọn mua một vài chiếc nón làm kỷ niệm sẽ là một việc không thể nào quên với mỗi du khách khi một lần về với nơi này.

Làng nghề nón lá Nghĩa Châu

Xem thêm về: Làng nghề nón lá Nghĩa Châu


8. Làng nghề nước mắm Sa Châu Nam Định

Bước chân vào cổng làng đã nghe mùi mắm dậy lên thơm phức và bắt gặp quang cảnh nhà nào nhà nấy chum vại, ang chậu phơi khắp trong sân ngoài vườn, thương lái quang gánh rộn rịp, trên bến dưới thuyền… Hiện tại, Sa Châu còn hơn 100 hộ làm nghề, sản lượng trung bình 450.000-500.000 lít/năm. Nước mắm Sa Châu được bán rộng rãi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình.
”Thịt không hành, canh không mắm” thói quen ăn nước mắm ngấm vào máu dân ta truyền đời bao thế hệ. Cơm gạo tám Xuân Đài rưới nước mắm Sa Châu thế đã đầy đủ thơm dẻo ngọt bùi, đâu có cần đến các thức sơn hào hải vị khác.

Làng nghề nước mắm Sa Châu Nam Định


Xem thêm về: Làng nghề nước mắm Sa Châu Nam Định


9. Làng nghề Đúc Đồng – Ý Yên Nam Định

Với bề dày lịch sử gần 900 năm, làng nghề đúc đồng tại thị trấn Lâm (Ý Yên, Nam Định) đã tạo ra nhiều thế hệ nghệ nhân và thợ đúc tài hoa cùng với những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trong đó phải kể tới pho tượng “Hưng Đạo Đại Vương” nức tiếng cả nước.
Nhắc đến Ý Yên (Nam Định), nhiều người nghĩ ngay đến những làng nghề có bề dày truyền thống, trong đó không thể thiếu làng nghề đúc đồng Vạn Điểm. Đây là làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm năm với rất nhiều những sản phẩm tinh xảo được tạo ra như: Lư hương, đỉnh trầm, nồi, chảo, mâm, tượng phật…

Những bức tượng đồng “Hưng Đạo Đại Vương” trong một khu xưởng

Xem thêm về: Làng nghề Đúc Đồng Nam Định


10. Làng “nghề phở”

Qua cầu Đò Quan, rẽ phải khoảng 14 km ta đến với cái nôi của nghề phở nổi tiếng cả nước đó là xã Đồng Sơn- huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định(nơi có 3 làng nghề chuyên làm phở: Vân Cù, Tây Lạc và Giao Cù).
Không chỉ Nam Trực mà ở Nghĩa Hưng cũng làm bánh phở. Bốn làng phở xứ Nam liền khoảnh xuôi dòng Ninh Cơ. Đến đó hỏi họ Cồ, họ Vũ… ai ai cũng biết.
Ở xã Đồng Sơn, ngoài họ Cồ chiếm số đông thì còn nhiều họ khác nữa cũng làm bánh phở như: Họ Vũ, họ Phan, họ Đoàn, họ Nguyễn….tất cả đều làm lên thương hiệu phở gia truyền Nam Định.

Phở bò đã theo chân người dân Nam Định đi khắp mọi miền đất nước và trở nên nổi tiếng. Ảnh: vtv

Xem thêm về: Làng nghề Phở tại Nam Định


11. Làng Nghề làm bún của làng Phong Lộc Tây

Làng Phong Lộc Tây, nay là tổ 7, phường Cửa Nam (TP Nam Định) từ xa xưa nổi tiếng với nghề làm bún. Những sợi bún trắng tinh, khô và dai để được lâu đã thành thương hiệu của làng Phong Lộc Tây. Người thích bún Thành Nam, xa hơn như Vụ Bản, Trực Ninh… cũng đến đây lấy bún. Toàn Thành Nam, “một tay” làng Phong Lộc Tây cung cấp bún, người làm bún tự hào kể như vậy.
Sợi bún Phong Lộc dài, khô, trắng mịn, không dính vào nhau, chấm với mắm tôm vắt chanh ăn đã tuyệt, nếu chan riêu cua ăn với rau diếp thái nhỏ, có pha thêm rau chuối, rau thơm thì sẽ nhớ mãi. Bún Phong Lộc sản xuất quanh năm, cung cấp cho tất cả các hàng ăn ở 56 đường phố nội thành Nam Định
Quá trình đô thị hóa, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã, huyện ven đô trong tỉnh vẫn được người dân làng nghề duy trì. Sáng sáng, những thúng bún nóng hổi từ làng Phong Lộc Tây vẫn mải miết vào phố. Nhịp lao động, kế sinh nhai của bao dân làng nghề bắt đầu. Có vất vả, nhọc nhằn, nhưng nhiều gia đình trong làng vẫn giàu lên từ những sợi bún trắng tinh, thuần khiết. Cũng từ những thúng bún gồng gánh nắng sương của các bà, các chị Phong Lộc Tây, bao con em được cắp sách tới trường, mơ ước về bao điều xa xôi, to lớn. Nghề làm bún nhọc nhằn của dân làng, như vậy đã trả về thảo thơm cho chính họ./.

Làng nghề bún Phong Lộc Nam Định

Xem thêm về: Làng nghề bún Phong Lộc Nam Định


12. Làng làm kèn Tây duy nhất cả nước tại Nam Định

Gắn bó với kèn đồng do nước ngoài sản xuất lâu dần khiến người dân Phạm Pháo (Nam Định) tự mày mò học sửa, làm kèn đồng.
Làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ lâu đã nức tiếng trên dải dất hình chữ S với nghề làm kèn đồng hay còn gọi là “nghề làm kèn Tây”.
Trước kia đồng được lấy từ vỏ đạn, mầm đồng. Nhiều thợ thủ công trong làng dễ dàng làm các công việc như bảo dưỡng, chế tác bộ phận kèn.…Một năm sản xuất được 10-20 cái, ngày nay nguyên vật liệu làm kèn sẵn có nên không mất công và vất vả, ông Cường, người có hơn 50 năm kinh nghiệm làm kèn, cho biết.

Làng làm kèn Tây duy nhất cả nước tại Nam Định

Xem thêm về: Làng làm kèn Tây duy nhất cả nước tại Nam Định


13. Làng nghề khăn xếp độc nhất

Thôn Giáp Nhất nằm cách thành phố Nam Định hơn 20km về phía Tây Nam. Ít ai biết được rằng, đây là xuất xứ của những chiếc khăn xếp thường thấy trong các lễ hội, đám cưới, mừng thọ ở nhiều tỉnh miền Bắc.

Không ai còn nhớ làng Giáp Nhất có nghề làm khăn từ bao giờ và cũng không ai nhớ ông tổ của nghề là ai. Người dân chỉ biết ông cha cứ đời này qua đời khác truyền lại cho con cháu sau này. Cho đến ngày nay Giáp Nhất vẫn là nơi “giữ hồn Việt” vào những chiếc khăn xếp.
Đã có những thời điểm, làng khăn xếp Giáp Nhất tưởng chừng như sẽ mai một theo thời gian. Nhưng nhờ những nghệ nhân yêu nghề trong thôn mà cái nghề “giữ hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị “thất truyền”. Trai gái thôn Giáp Nhất dù không sinh sống bằng nghề làm khăn xếp, nhưng ít nhất họ cũng được truyền dạy lại quy trình cách làm một chiếc khăn xếp như thế nào.

Làng nghề khăn xếp độc đáo

Xem thêm về: Làng nghề khăn xếp độc đáo tại Nam Định


14. Làng làm đèn ông sao Báo Đáp lớn nhất miền Bắc

Mỗi năm, làng Báo Đáp sản xuất khoảng 2 – 3 triệu chiếc đèn ông sao để phục vụ các em nhỏ dịp Tết Trung thu khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Những ngày này, khi không khí Tết Trung thu tràn ngập trên khắp các phố phường cũng là lúc người dân làng làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách. Được biết, cả làng có hơn 1.000 hộ dân thì có quá nửa làm nghề này. Mỗi năm, Báo Đáp sản xuất khoảng 2 – 3 triệu chiếc đèn ông sao để phục vụ các em nhỏ dịp Tết Trung thu khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Mỗi mùa Trung thu về, người dân Báo Đáp tất bật làm đèn để kịp giao cho khách.

Xem thêm về: Làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp


15. Làng rèn Vân Chàng – Nam Trực Nam Định

Cách Thành phố Nam Định khoảng 7km, làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất nhì miền Bắc. Hiện ở đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do chính các thợ rèn xưa của làng chế tạo.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng cách đây hơn 700 năm, từ thời Vua Trần Nhân Tông. Tương truyền thời bấy giờ, 6 vị tổ sư khi tới làng Vân Chàng thấy thế đất “Đông Kỳ, Tây Tượng, Bắc Phượng, Nam Long” (tức là thế đất bốn mặt là hình lá cờ và các con vật voi, phượng, rồng) đã dừng lại, truyền nghề rèn cho người dân nơi đây. Ghi nhớ công ơn của những người đã mang nghề cho quê hương, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ 6 vị sư tổ dạy nghề, tôn là Lục vị Thánh tổ. Hằng năm, vào ngày 15-11 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội tế lễ Lục vị Thánh tổ.

Làng rèn Vân Chàng – Nam Trực Nam Định

Xem thêm về: Làng rèn Vân Chàng – Nam Trực Nam Định


16. Làng nghề hoa lụa Báo Đáp

Làng hoa lụa Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) nằm cách thành phố Nam Định khoảng chừng 10 km từ bao đời nay có tiếng với nghề làm lồng đèn trung thu và hoa vải lụa.
Làng Báo Đáp hiện có 400 hộ sản xuất và kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời. Sản phẩm của mỗi gia đình có mẫu mã riêng, không trùng lặp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của thị trường, các cơ sở sản xuất không ngừng làm mới, thay đổi mẫu mã .
Bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa những người thợ làng nghề làm hoa lụa Báo Đáp đã tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ góp phần làm đẹp cho đời, góp phần giữ gìn nghề truyền thống và phát triển kinh tế địa phương. Người dân Báo Đáp giờ đây đã yên ấm, làm giàu hơn trên chính mảnh đất quê hương mình./.

Làng nghề hoa lụa Báo Đáp


Xem thêm về: Làng nghề hoa lụa Báo Đáp


17. Làng nghề sơn mài Cát Đằng – Ý Yên Nam Định

Nói đến làng quê từng có sản phẩm sơn mài nổi tiếng nhất miền Bắc phải nói đến làng quê sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, Nam Định) – một làng nghề có bề dày lịch sử rất lâu đời.
Người ta nói rằng, các đồ sơn mài vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra.
Đã có nhiều người ở nơi khác đến Cát Đằng học nghề nhưng họ vẫn không thể biết bí quyết pha trộn sơn, hay sản phẩm vừa được phun sơn bỗng gặp trời mưa thì phải xử lý thế nào để sơn không bị bay mất màu, đành phải chờ nắng rồi đem sơn lại, còn người Cát Đằng lại có thể giữ nguyên màu sơn ở bất cứ thời điểm hay hoàn cảnh nào. Nhiều nghệ nhân của làng đã ra các tỉnh ngoài để làm và mở các lớp dạy nghề sơn mài ở khắp nơi. Dù đi đâu, họ cũng sớm khẳng định sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Cát Đằng.

Làng nghề sơn mài Cát Đằng – Ý Yên Nam Định

Xem thêm về: Làng nghề sơn mài Cát Đằng


18. Nghề làm muối Giao Thủy Nam Định

Xã Bạch Long thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những khu vực có cánh đồng muối lớn nhất khu vực miền Bắc. Sản lượng mỗi năm tại đây lên đến hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên, trước đây, nguồn lợi kinh tế muối mang lại cho người dân Bạch Long không cao do chất lượng muối thấp làm giảm giá thành. Cuộc sống người dân trong xã trở nên khó khăn với mức thu nhập chỉ 400.000-600.000 đồng một người mỗi tháng.
Sau những nỗ lực của đông đảo diêm dân và cán bộ Bạch Long, năm 2013, qua kiểm tra chất lượng sản phẩm, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh gia muối hạt sạch của Bạch Long đạt chất lượng cao hơn tiêu chuẩn muối thô Việt Nam TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh của dự án cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Muối của Bạch Long được công nhận là muối sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định cấp.

Hiện nay, Bạch Long trở thành một xã đi đầu cả nước về sản lượng cũng như chất lượng muối, giá thành muối tăng lên 1,5 lần, thu nhập của diêm dân tăng bình quân 7-8 triệu đồng một ha, cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt.

Làng nghề muối tại Giao Thủy Nam Định

Xem thêm về: Nghề làm muối tại Giao Thủy Nam Định

Còn nữa……………………

Hải Ảnh – Tintucnamdinh.vn


TOP