Nam Định: Nguyên nhân nào dẫn đến vụ 'cố ý gây thương tích' ở Mỹ Xá?

Nam Định: Nguyên nhân nào dẫn đến vụ ‘cố ý gây thương tích’ ở Mỹ Xá?

Đến nay hơn 12 tháng, thời gian cũng đã khá dài mà vụ án đánh người hết sức dã man tại xã Mỹ Xá, TP Nam Định vẫn chưa “xác định được đối tượng gây án” để đưa ra trừng trị trước pháp luật.

Vụ án cố ý đánh người gây thương tích xảy ra tối 14/8/2016 ở xóm Thắng, thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá, TP Nam Định, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP Nam Định (CQCSĐT – CA) đã ra Quyết định khởi tố hình sự “cố ý gây thương tích”. Nhưng do chưa xác định được bị can, hết thời hạn điều tra vụ án, nên ngày 24/12/2016, CQCSĐT – CATP Nam Định đã ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu để xác định đối tượng gây án.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến vụ án cố ý đánh người gây thương tích xảy ra ở xã Mỹ Xá?

Xóm phó đào huyệt chôn cất người chết trên đất canh tác

Một kết quả có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân sâu xa của nó thì dân ở xóm Thắng nhiều người biết: Ngày 03/7/2016, bà Hoàng Thị Là, mẹ ông Hoàng Ngọc Long – Trưởng xóm chết, ông Triệu Hoàng Vương – Phó xóm đã chỉ đạo một số người đào huyệt để an táng ngay trên thửa ruộng canh tác của gia đình ông Hoàng Hữu Tích. Khi gia đình ông Tích phát hiện không đồng ý và cho người đến lấp, thì ông Vương tỏ ra bực tức và có lời lẽ không hay.

Đơn kêu cứu của ông Hoàng Hữu Tính và Hoàng Hữu Tích.

Ngay cả ông Hoàng Khắc Tam – công an xã Mỹ Xá là người chứng kiến và được ông Vương gọi đến giải quyết. Sau khi nghe ông Tích và một số người dân có mặt tại đó cho biết: Đây là đất 115 của gia đình ông Tích đang canh tác, đã có sổ đỏ, thì ông Tam phải thốt lên: Thế thì gia đình ông Tích không cho đào và lấp đi là đúng quá rồi còn gì. Bây giờ việc đào huyệt, ông Vương phải đi tìm chỗ khác.

Vụ việc tưởng như thế là xong, không ngờ hơn 30 ngày sau, khoảng 22h30 phút ngày 11/08/2016, xe tải loại 1,1 tấn BKS: 17C- 026.73 chở gà đến trại chăn nuôi ở xóm Thắng cho ông Hoàng Hữu Tính (em trai ông Tích). Lúc xe vào đi qua đoạn nhà ông Hoàng Anh Tường (em trai ông Vương – Phó xóm) thì không có chuyện gì. Nhưng 30 phút sau, khi giao gà cho ông Tính xong, xe quay ra để tiếp tục đi giao số gà còn lại cho một số nơi khác thì bị mắc vào dây điện nhà ông Tường làm đứt dây. Nhận được đơn của anh em ông Tính, nhóm PV đã xuống tận nơi xem xét thì thấy đúng là “Đường dây dẫn điện từ công tơ vào nhà ông Tường đã vi phạm quy định về an toàn điện”.

Bí thư “thỏa thuận” hay “cưỡng đoạt”?

Theo Khoản 6, Điều 58 – Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2012 quy đinh: “Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải bảo đảm các điều kiện về an toàn điện, mỹ quan và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy”. Trong khi đó, xe chở gà cho nhà ông Tính có đầy đủ các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, điều này khẳng định xe chở gà không có vi phạm các quy định về chiều cao hay bề rộng của thùng xe. Hơn nữa, xe chạy từ Thái Bình sang Nam Định vẫn đủ điều kiện lưu thông bình thường, qua các chốt kiểm soát CSGT không hề bị xử phạt.

Vậy tại sao khi xe đi qua đoạn đường có dây điện kéo từ công tơ vào nhà ông Tường thì dây điện nhà ông Tường lại bị đứt? Chiếu theo quy định tại Khoản 6, Điều 58 – Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2012 đã nêu trên, thì đường dây điện kéo từ công tơ vào nhà ông Tường đã vi phạm về an toàn điện. Cụ thể, thì đường dây điện của nhà ông Tường đã vi phạm về cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông như xe chở gà cho nhà ông Tính.

Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở câu chuyện đường dây điện của nhà ông Tường đã vi phạm về cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, mà dư luận đang cần câu trả lời: “Liệu có người nào cố ý làm dây điện nhà ông Tường thấp xuống so với bình thường để làm bẫy xe chở gà cho nhà ông Tính hay không?”. Vì theo như trình bày của ông Tính và lái xe cho biết: Lúc xe chở gà vào đoạn qua ngõ nhà ông Tường thì thông suốt, không vấn đề gì. Sau 30 phút khi xe quay ra thì dây điện nhà ông Tường lại mắc vào xe và bị đứt dây. Vấn đề đặt ra ở đây là: Đường dây dẫn điện từ công tơ vào nhà ông Tường đã vi phạm về an toàn điện. Nếu như xe chở gà đi qua làm đứt dây và gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho người ngồi trên xe, người đi đường thì ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Theo quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự 2015 – Dây điện đang có dòng điện chạy qua thuộc nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hai do nguồn nguy hiểm cao độ đó gây ra.

Tại sao, ông Tính không chỉ là người cùng làng mà còn là anh em họ hàng với ông Tường, giả sử nếu có thiệt hại do xe chở gà cho ông Tính gây ra đi chăng nữa, nếu dứt dây điện có phải nối lại hoặc mua thêm dây và tính cả công thợ sửa chữa liệu có đến 500.000 đồng không? Thế mà ông Tường đè ra lấy của người ta 5.000.000 đồng, thử hỏi với tư cách là người Bí thư chi bộ, người am hiểu về Pháp luật thì ông Tường hãy trả lời cho mọi người hiểu xem: Đây là một sự “thỏa thuận” hay “cưỡng đoạt”?

Theo quy định của Pháp luật, ông Tường phải biết rằng ông đã rất may mắn, vì trong trường hợp xe chở gà cho nhà ông Tính có làm đứt dây điện của nhà ông, không gây ra bất cứ thiệt hại gì về sức khỏe và tính mạng con người tham gia giao thông khi đi qua đoạn đường có dây dẫn điện của nhà ông. Đáng lẽ, sự việc xảy ra ông Tường phải cảm ơn trời đất và xin lỗi chủ xe vì mình đã vi phạm về an toàn điện. Nhưng trớ trêu thay, ông Tường lại có cách hành xử hoàn toàn ngược lại.

Đường dây dẫn điện nhà Bí thư chi bộ kéo ngang qua đường đã được khắc phục sau khi xe chở gà đi qua làm đứt.

Cấu kết với Trưởng, Phó xóm xử phạt trái pháp luật

Ông Hoàng Anh Tường – Bí thư chi bộ đã cấu kết với Trưởng xóm Hoàng Ngọc Long và Phó xóm Triệu Hoàng Vương thu giữ giấy tờ xe và bắt ông Tính cùng lái xe phải bỏ ra số tiền 7.000.000 đồng (bao gồm tiền đền bù do làm đứt dây điện và tiền phạt đường). Trong bối cảnh nửa đêm, khoảng 0h00 (căn cứ Biên bản hiện trường lập 0h02 phút ngày 12/8/2016) xe chở gà cho nhà ông Tính vẫn còn phải đi giao gà cho một số nơi khác nữa, nên ông Tính và lái xe không còn sự lựa chọn nào là phải bỏ ra 7.000.000 đồng. Hành động gây khó dễ (chưa nói là vi phạm Luật) này khiến cho những người hiểu biết về Luật cảm thấy đau lòng và ngay cả những người nông dân nhận thực về Pháp luật còn hạn chế cũng tỏ ra bức xúc, bất bình. Vậy thử hỏi hai ông Trưởng xóm và Phó xóm có quyền phạt tiền và giữ giấy tờ xe không? Việc đền bù 5.000.000 đồng do làm đứt dây điện, ai là người đưa ra con số đền bù đó? Việc ông Tính và lái xe phải nộp 7.000.000 đồng cho 3 ông Tường, Long, Vương là do “tự nguyện” hay “ép buộc” phải đồng ý?… Những vấn đề này các cơ quan tố tụng phải làm cho rõ và xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Bởi:

Thứ nhất, căn cứ Luật xử lý vi phạm giao thông đường bộ và ngay cả Thông báo số 377/TB của CQCSĐT – CATP Nam Định, khẳng định việc 2 ông Trưởng xóm và Phó xóm giữ giấy tờ xe và phạt tiền đường đối với lái xe chở gà cho nhà ông Tính là “không có thẩm quyền và hoàn toàn sai với quy định của pháp luật”.

Thứ hai, với bối cảnh đang lúc nửa đêm, ngoài đường không có một bóng người, xe chở gà cho nhà ông Tính vẫn còn phải giao gà cho một số nhà khác nữa. Trong khi đó lái xe lại bị Trưởng xóm, Phó xóm giữ hết giấy tờ xe và phía ông Tường nhất mực đòi bồi thường số tiền 5.000.000 đồng nên buộc ông Tính và lái xe phải đưa cho các ông Hoàng Anh Tường, Hoàng Ngọc Long và Triệu Hoàng Vương tổng số tiền 7.000.000 đồng ngoài ý muốn của mình. Mặc cho ông Tính nhắc lại rất nhiều lần là do hoàn cảnh lúc đêm khuya, xe còn phải đi giao gà cho nhiều nhà khác nữa và giấy tờ xe đã bị hai ông Trưởng xóm, Phó xóm giữ không trả nếu không nộp đủ số tiền theo yêu cầu.

Từ hai vấn đề đã phân tích ở trên thì việc yêu cầu ông Tính và lái xe đưa số tiền 7.000.000 đồng của các ông Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Phó xóm đã có dấu hiệu của hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Và hành vi “cưỡng đoạt tài sản” này có cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự hay không, thì rất cần có sự công minh của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối tượng gây án nằm ở đâu?

Một diễn biến khác, khi nghe được chuyện em trai mình phải bỏ ra 7.000.000 đồng tiền đền bù do làm đứt dây điện và tiền phạt đường, ngày 14/8/2016 (3 ngày sau) ông Hoàng Hữu Tích đã đến nhà ông Hoàng Anh Tường đòi lại đoạn dây điện cũ mà ông Tường thay ra, nhưng ông Tường không trả còn đuổi ông Tích về.

Quá bức xúc, ngay tối hôm đó ông Tích mang chăn màn, chiếu ra cổng nhà ông Tường nằm chờ cho đến khi ông Tường trả mới về. Thì khoảng 21h35 phút, ông Triệu Hoàng Vương – Phó xóm (anh trai ông Tường) đã đến nhà mẹ và em trai ông Tích đe dọa: Lên đưa thằng Tích về, nếu không chúng tao sẽ đánh cho nhũn xác. Đến khi ông Vương về được 15 phút, thì ông Tích bị đánh thật…

Rồi ông Vương đã điện thoại cho ông Hoàng Khắc Tam – Công an xã: “Anh xuống ngay chỗ ngõ nhà ông Tường có vụ đánh nhau, thế tôi hỏi ở đấy đã có ai chưa thì bảo chưa có ai cả. Tôi xuống luôn thì đèn biển quảng cáo của vợ ông Tường lại tắt, mà trước đây vẫn thường xuyên thắp sáng. Lúc đó nhìn ra tôi chỉ thấy có ông Tính (em ông Tích), tôi điện cho anh em vào và điện cho CA Thành phố. Rồi dân làng kéo ra yêu cầu trước mắt phải đưa ngay vào bệnh viện, xong chúng tôi mới kẻ vẽ hiện trường, bảo vệ hiện trường, tiếp đó Công an xã và Công an thành phố kết hợp làm hồ sơ”. (theo lời ông Tam)

Kể từ khi xảy ra vụ việc tới nay đã hơn một năm, CQCSĐT – CA TP Nam Định vẫn chưa xác định được kẻ đã gây thương tích cho ông Tích là ai? Nguyên nhân do vụ án quá phức tạp hay do yếu tố nào khác? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Nhóm PV Điều tra – Giadinhphapluat.vn


TOP