Người thợ sửa xe điêu luyện chỉ với một… bàn tay

Người thợ sửa xe điêu luyện chỉ với một… bàn tay

Cuộc đời anh có lắm thăng trầm, nhưng cũng tràn đầy niềm tin yêu, lạc quan vươn lên trong cuộc sống dù chỉ làm việc, sửa xe bằng một bàn tay trái…
“Đời tôi như một cái ruột lốp xe bị thủng, nếu cố gắng vá lại, bơm căng hơi lên thì xe lại chạy tốt như bình thường”, nhìn vào bàn tay phải bị cụt hết chỉ còn lại…nửa ngón út, anh Triệu Minh Hiện, sinh năm 1977, sửa xe trên đường Lê Lợi, thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị) ví von so sánh.

Tai nạn bất ngờ

Anh Hiện quê gốc vốn ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh tình nguyện đăng ký nhập ngũ, đơn vị là Sư đoàn Phòng không – Không quân 367 đóng ở quận Gò Vấp (TP HCM). Xuất ngũ sau 4 năm phục vụ trong quân đội, Triệu Minh Hiện quyết định ở lại quận Gò Vấp để mưu sinh, kiếm tiền phụ giúp thêm bố, mẹ già ở quê. Cuối năm 2002, anh lấy vợ, nhưng mới được một tháng thì tai ương ập đến cướp đi bàn tay phải của anh.
Cho đến tận bây giờ anh Triệu Minh Hiện vẫn chưa hết bàng hoàng, nhớ lại. Đó là một ngày tháng 10 năm 2002, anh đang làm thuê tại một xưởng bún ở quận Gò Vấp. Trong lúc làm việc vì không để ý nên đã bị máy làm bún cuốn nát cả bàn tay phải. Dù những người bạn trong nghề đã nhanh chóng chở đến bệnh viện với hi vọng “cứu” được bàn tay của anh nhưng không thể cứu chữa được nữa. Anh thành kẻ tàn phế từ đó”. Dứt lời, trên khuôn mặt của anh phảng phất buồn do câu chuyện quá khứ gợi lại, anh đưa vội “bàn tay nửa ngón” quệt quệt mồ hôi trên trán, rồi tiếp lời: “Sau nhiều lần vết thương bị hoại tử, cuối cùng bàn tay năm ngón của tôi chỉ còn lại… nửa ngón. Những ngày đầu tiên khi xuất viện, nhìn bàn tay băng bó tôi tuy cảm thấy buồn nhưng chưa đến mức tuyệt vọng. Đến khi vết thương khô, vợ tôi tháo băng, nhìn thấy bàn tay phải trụi lùi lụi, tôi khóc. Vợ tôi cũng khóc. Vừa tuyệt vọng, lại vừa thương vợ tôi còn trẻ không may lấy phải người chồng tàn tật, thế là tôi nạt nộ, đuổi vợ tôi đi với mong muốn sẽ có người tốt hơn chăm lo cho cô ấy. Nhưng dù tôi có nạt nộ, đuổi đi hay khuyên bảo ngọt, nhạt đi chăng nữa vợ tôi cũng chỉ im lặng chịu đựng và khóc. Từ ngày đó đến bây giờ cô ấy vẫn ở bên cạnh và chăm sóc cho tôi. Tình yêu thương của vợ tôi chính là động lực để tôi vá lại cuộc đời chẳng may bị tàn tật của mình”.

Anh Triệu Minh Hiện đang sửa xe cho khách.

Anh Triệu Minh Hiện đang sửa xe cho khách.

Mấy tháng sau, khi vết thương đã lành, tâm lý mặc cảm cũng nguôi ngoai phần nào, Triệu Minh Hiện bắt tay vào làm ăn. Lúc này những ước mơ, hoài bão thuở thiếu thời cùng suy nghĩ trong lúc nằm ở nhà điều trị vết thương như thổi bừng lên trong anh khát vọng vượt lên chính mình, vượt lên số phận. Anh đã không nề hà việc gì, dù cho có khó khăn, vất vả đến đâu.

Sửa xe bằng…một tayAnh là Hiện nhưng quán sửa xe của anh lại mang tên Thiện. Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích: “Tôi đặt tên quán là Thiện trước tiên là cho khách hàng dễ đọc và dễ nhớ; sau, mình lồng vào đó ý nghĩa là thân thiện và tử tế trong sửa chữa xe máy”.

Số là sau tai nạn lao động 4 năm, nhờ chịu khó làm ăn Triệu Minh Hiện tích cóp được một số vốn kha khá trong tay. Từ Sài Gòn anh cùng vợ – chị Nguyễn Thị Hương – ngược ra Hướng Hóa mở quán bán phụ tùng xe máy ở gần chợ Khe Sanh. Nghề bán phụ tùng đối với anh, chị rất nhàn hạ, cả ngày rảnh rang ngồi chơi và chỉ việc lấy hàng bán cho khách khi họ đến mua. Không thể chịu cảnh ngồi yên ở nhà một chỗ anh Hiện quyết định học luôn cả nghề sửa chữa xe máy. Nghề sửa xe đủ cả hai tay học còn khó huống chi là anh chỉ được một tay trái. Nghe họ nói vậy tuy rất ấm ức, tủi thân nhưng anh quyết chứng minh cho họ thấy, bàn tay trái của anh không vô dụng. Và thế là anh đến thợ này xin học một tháng, thợ kia hai tháng, cuối cùng chiếc xe mười phần anh cũng sửa được năm, sáu phần.

Bữa cơm ấm cúng bên vợ con và học trò của anh Hiện.

Bữa cơm ấm cúng bên vợ con và học trò của anh Hiện.

Khoảng thời gian đầu tiên khi thuê và mở quán làm nghề đối với anh rất khó khăn, nhất là khâu thuê quán. Bởi thấy dáng dấp và bàn tay phải của anh như vậy nhiều người cứ tưởng anh là…dân giang hồ đâm thuê chém mướn nên rất e dè. Phải giải thích, nài nỉ đến thụt cả lưỡi anh mới thuê được quán ở nhà số 58 Lê Duẩn, gần chợ Khe Sanh. Có được quán rồi, anh Hiện thuê thêm hai thợ lành nghề khác nữa về làm cùng và nhờ họ bày vẽ thêm nghề cho thành thạo. Bởi sự ham học hỏi, nên bây giờ anh Hiện có thể tự tay sửa hoàn chỉnh các bộ phận xe máy bị hư hỏng. Chỉ cần nghe thấy tiếng máy nổ, anh có thể đoán được xe này bị “bệnh” gì và có cách khắc phục, sửa chữa hợp lý.

Triệu Minh Hiện khoe: “Nhiều người đến sửa xe lần đầu thấy tôi bị tàn tật nhưng làm cẩn thận, đàng hoàng nên khi nào xe bị hỏng họ đều tìm đến tôi để sửa chữa. Người này bảo người kia, chính vì thế khách đến quán tôi sửa ngày một nhiều. Năm vừa rồi, tôi có 3 học trò mới ra nghề, năm nay một đứa cháu nữa cũng vừa đến xin học nghề sửa xe. Có học trò nhiều mình cũng cảm thấy vui lắm”.

Nhờ chịu khó học hỏi, làm ăn nên Triệu Minh Hiện mua được miếng đất và cất ngôi nhà khang trang ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh. Không những vậy, anh còn mở thêm một quán internet với gần 20 máy tính cho con em trong vùng vui chơi, giải trí, học tập.

Chiều Khe Sanh nhàn nhạt nắng. Mặt trời yếu ớt không thể xua đi cái rét đang ngự trị cuối thôn, đầu xóm. Nhưng dù vậy, với tôi câu chuyện cảm động về sự nổ lực vượt lên chính mình, vượt lên số phận của anh Triệu Minh Hiện đã làm lòng tôi ấm dần lên. Để rồi, trên con đường dẫn về nhà, hình ảnh anh Hiện một tay cặm cụi, say sưa sửa xe; lâu lâu chiếc điện thoại lại đổ chuông và phía đầu dây bên kia nghe thấy rõ tiếng trả lời: “A lô Thiện một tay sửa xe đây” cứ chập chờn, day dứt trong tôi…

Bùi Nghĩa – baomoi.com


TOP