Hội đền Độc Bộ - lễ hội mùa thu lớn nhất Châu thổ Bắc Bộ

Hội đền Độc Bộ – lễ hội mùa thu lớn nhất Châu thổ Bắc Bộ

Lần theo thư tịch cổ, địa danh Độc Bộ bao gồm một phần đất phía nam huyện Ý Yên và phía tây bắc của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cửa Độc Bộ là nơi hội tụ của hai nhánh sông Hồng là sông Đào và sông Đáy, tạo thành ngã ba sông đổ ra biển.

Cuốn “Phạm Xá xã hương phả” (làng Phạm Xá, xã Yên Nhân huyện Ý Yên) cho biết, ngay từ thời Trưng Vương (những năm 40 thế kỷ I sau Công nguyên) con người đã lần tìm về đây “an cư lập nghiệp”. Khi đó, cửa Độc Bộ có tên gọi là cửa Đại ác, tương truyền nơi đây vào mùa mưa lũ, có ba con sóng lớn thường dâng lên nhấn chìm tàu bè qua lại.

Trong công cuộc xây làng mở đất vùng Độc Bộ, phải kể tới sự đóng góp của Triệu Việt Vương. Theo “Phạm Xá xã hương phả”, khi còn làm Trấn thủ đạo Sơn Nam, Triệu Quang Phục từng đến đây dựng nhà riêng nghỉ ngơi lúc thanh nhàn, rồi chiêu mộ dân phiêu bạt, khuyên họ khẩn hoang được hơn 500 mẫu trồng gai, cấy lúa, dệt chiếu, dệt vải, còn cho quân đắp đê ngang từ Bố Hải qua miền biển Giao Thủy, Nam Trực, Đại An, rồi tiến về phía nam, chạy thẳng tới đền Mai Giang thuộc đất Nghệ An để ngăn nước mặn, cải tạo đất, trở thành con đê biển có quy mô lớn ở nước ta. Mặt đê rộng hai trượng, cao gần hai trượng, qua 5 năm mới xong. Nay vẫn còn đền thờ Quan Hà đê chánh Sứ tại làng Đồi Trung thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên.

Thế kỷ VI, người dân vùng Độc Bộ đã sớm tham gia chống ngoại xâm và chống loạn binh để giữ nước. Truyền thuyết (sau được khắc cả vào văn bia năm Khải Định thứ 9 – 1924, hiện lưu tại di tích) kể rằng, khi Triệu Quang Phục lui quân chạy về đây, dân làng đã chiêu mộ khoảng 600 dân binh quanh vùng phò ông chống giặc, nhưng trước thế giặc quá mạnh, ông đã quyết không để bị giặc bắt, mà trẫm mình xuống cửa biển Đại ác. Cảm phục và muốn ghi công, tôn vinh người anh hùng có công mở mang bờ cõi, hy sinh thân mình cho dân cho nước, người dân Phạm Xá, Dương Phạm cùng hàng trăm làng khác thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa đã suy tôn Triệu Quang Phục là Thành hoàng làng (hoặc là nhân thần) và xây cất đình/đền phụng thờ ông. Hằng năm, cứ vào dịp giữa thu, dân chúng khắp vùng lại châu tuần rầm rộ rước kiệu, có năm đến 150 kiệu về cửa sông này mở hội.

Ngôi đền Độc Bộ thuở ban đầu nhỏ bé, nằm sát mép nước sông. Đến năm Quang Bảo thứ 4 (1577) thời vua Mạc Phúc Nguyên, đền Độc Bộ nhanh chóng được trùng tu tôn tạo. Đến thời Nguyễn (triều vua Minh Mệnh, năm thứ 18 -1837), tu sửa chính điện, khung làm gỗ lim, mái lợp ngói nam. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), tu sửa tòa đệ nhị cột gỗ lim, mái ngói nam. Đến đời vua Khải Định năm thứ 6 (1921), tu sửa tòa đệ nhị cột gỗ lim, mái ngói nam. Công việc tu sửa đến mùa đông năm Nhâm Tuất (1922) thì hoàn thành. Năm 1925, đời vua Khải Định thứ 10, diện tích đền được mở rộng, phần giáp sông xây kè đá, trên lấp đất, rộng 2 sào 12 thước. Đến năm 1942, thời vua Bảo Đại, năm thứ 17, đúc tượng đức Thánh Triệu Việt Vương bằng đồng cao 3 thước, vai 7 tấc.

Đến năm 1948, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, lợi dụng vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ vùng đất này, giặc Pháp đã kéo về càn quét, phá hủy đền Độc Bộ. Năm 1957, để tiếp tục việc khói nhang thờ phụng, dân làng phục dựng lại đền Độc Bộ. Năm 1983, tu sửa ba gian Tiền đường theo kiểu mái cuốn vòm. Năm 1991, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các làng đã đóng góp kinh phí xây dựng nâng cấp lại tòa Tiền đường. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Độc Bộ ngày nay có kiểu dáng kiến trúc tiền chữ Nhất, hậu chữ Công, quy mô công trình nguy nga bề thế, khả dĩ đáp ứng nhu cầu tâm linh không chỉ cho dân làng sở tại, mà còn cho cả nhân dân trong khu vực. Đúng như nội dung câu đối treo tại tiền đường của đền ghi nhận: Ngoại tặc xâm lăng, Độc Bộ miếu đường tàn cựu tích; Thập phương chiêm ngưỡng, dân tâm cung tiến thiết tân từ – (Giặc ngoại xâm lăng, miếu đường Độc Bộ bị tàn phá mất dấu vết cũ; Muôn nơi kính trọng, nhân dân chung sức dựng xây ngôi đền mới).

Lễ hội đền Độc Bộ diễn ra vào trung tuần tháng Tám âm lịch. Những năm trước Cách mạng tháng Tám (1945), mặc dù đời sống của đại đa số người dân trong vùng còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, chịu ách áp bức đô hộ của thực dân phong kiến, nhưng lễ hội vẫn được tổ chức thường niên, nhằm tri ân công đức của bậc tiền nhân để nhắc nhở con cháu phát huy truyền thống quê hương.

Cũng trên vùng sông nước được coi là nơi hóa thánh của Triệu Việt Vương, hàng trăm năm qua, lễ hội ở đền Độc Bộ đã vượt qua tầm hội làng, trở thành lễ hội danh tiếng mùa thu của hàng trăm làng vùng phía nam châu thổ sông Hồng, có phạm vi ảnh hưởng rộng và có sức lan tỏa ra nhiều khu vực lân cận. Không phải ngẫu nhiên mà gần như dân các làng có di tích trong vùng đều đến đây rước chân nhang thờ đức thánh Triệu Việt Vương về thờ vọng tại các khu thờ tự của làng mình; và mỗi khi mở hội làng mình, họ đều phải tới đây dâng lễ xin phép trước khi khai hội.

Với quy mô của lễ hội, trước đây mọi nghi thức tế lễ đều do quan hàng huyện đứng ra tổ chức. Cũng chính vì thế mà các nghi thức tế lễ được diễn ra rất trang trọng. Ngay từ những ngày đầu tháng Tám âm lịch, hàng tổng đứng ra phân công công việc cho các xã, đặc biệt là việc chuẩn bị cho nghi thức tế Tam Kỳ giang ngay giữa ngã ba sông vào ngày 13.8. Để chuẩn bị cho ngày hội được long trọng, nhân dân các thôn họp bàn việc tổ chức tế lễ. Các đoàn thương thuyền từ Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An giong buồm kéo về bến Độc Bộ neo đậu trước hàng tháng trời, chờ đến ngày chính hội tham gia vào đoàn thuyền tế. Theo tín ngưỡng dân gian, nhà thuyền nào được chọn làm thuyền tế, năm ấy tất sẽ gặp nhiều may mắn. Ban tổ chức lễ hội (trư­ớc đây là Hội đồng kỳ hào) đã họp bàn để chọn người chủ tế và bồi tế cho lễ hội. Cắt cử những ngư­ời vào hàng trực tế và hai vị Đông x­ướng, Tây x­ướng. Theo lệ, mỗi thôn chọn hai ngư­ời tham gia vào tế hội đồng tam kỳ, thường gọi tắt là “Tế tam kỳ”. Theo lệ xưa, các thôn Độc Bộ, Phạm Xá, Đoài, Dương Xỏ, Đống Cao (Yên Lộc), Thức Vụ (Yên Cường) được lần lượt mỗi năm một thôn rước kiệu lên thuyền để làm lễ. Các làng tham gia “Tế tam kỳ” chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ vật, đội phù kiệu, văn tế…

Theo thông lệ hàng năm, diễn trình lễ hội thường được diễn ra trong 5 ngày: Ngày 11 không khí lễ hội nhộn nhịp, dân chúng khắp vùng dâng lễ về tham gia tiến hành nghi thức khai hội. Tại các thôn, hầu hết mọi gia đình, dòng họ tấp nập sửa soạn gói bánh, thịt lợn chuẩn bị đón con cháu, người thân và bạn bè về dự hội. Sáng ngày 12, các làng Dương Xá, An Đường, Phạm Xá, Đoài Thôn (xã Yên Nhân) rầm rộ rước kiệu từ làng mình kéo về Độc Bộ để tham gia hành hội. Trong số đó, riêng có làng Phù Sa Thượng bên kia sông (thuộc xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng) chỉ được phép rước lô nhang thờ con gái Triệu Vương tên là Cảo Nương ra bãi sông nhìn đối diện sang bên Bộ Đầu, lập đàn chầu hướng về đền thờ vua cha để tế vọng. Cũng vào ngày 12, ngay từ sáng sớm, khoảng canh Năm, người dân các thôn Đồng Quỹ, Thạch Cầu và Lạc Chính (đều thuộc xã Nam Tiến, huyện Nam Trực) đã tập kết hàng trăm người, cờ xe tấp nập tại sân đền Độc Bộ để làm lễ xin chân nhang, rước về thờ ở các ngôi đền làng mình và khai hội tưởng nhớ Triệu Quang Phục. Trong suốt ngày 12 và những ngày tiếp theo, dân chúng từ các huyện Nam Trực, Hải Hậu và phía nam huyện Ý Yên (thuộc Nam Định), các huyện bên sông thuộc Nghĩa Hưng, Yên Khánh (thuộc đất Ninh Bình) và nhiều làng thuộc Thanh Hóa, Nghệ An… theo các đường thủy, bộ nườm nượp kéo về dâng lễ và cùng dự hội.

Ngày 13, tổ chức nghi thức rước của các làng trong xã Yên Nhân (trước đây thuộc hàng Tổng) về đền dâng lễ, tưởng nhớ ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Đi đầu đoàn rước là đội cờ ngũ sắc, cờ thần. Tiếp đến là đội phụng nghinh các cỗ kiệu bát cống do các trai đinh đảm nhận với trang phục màu đỏ, chân quấn xà cạp, thắt lưng đỏ, đầu vấn khăn đỏ. Tiếp sau là phường bát âm với các loại nhạc cụ cổ truyền. Theo sau là đoàn rước có đội phụng nghinh bát bửu, chấp kích, sênh tiền và hai đội tế nam, nữ quan. Kế tiếp là đoàn rước của các cụ cao niên trong làng, chức sắc địa phương, cùng dân chúng trong vùng tới tham dự. Hai bên đường rước, người dân bày các mâm lễ của gia đình ngay mặt đường để bái vọng thánh. Sau khi các đoàn rước đã tề tựu tại sân đền, tất cả các kiệu yên vị tại sân, hướng ra ngã ba sông, các phụng nghinh đưa bát nhang vào đền làm lễ nhập tịch.

Đúng giờ Ngọ ngày 13, tại đền tiến hành nghi thức tế Tam Kỳ giang. Các làng trong xã như Phạm Xá, Dương Xá, Đoài Thôn, Độc Bộ rước kiệu lên thuyền làng mình, lướt sóng ra tụ hội tại chính ngã ba sông, nơi giáp ranh hai làn nước trong (thuộc sông Đáy) và đục/phù sa (thuộc sông Đào) giao nhau, để làm đại lễ. Vị trí cử hành nghi lễ cách đền Độc Bộ khoảng gần cây số. Làng Độc Bộ bao giờ cũng giữ vai trò thực hành tế lễ. Nghi thức tế Tam Kỳ giang thực chất là nghi thức tế trời đất, thánh thần tại ngã ba sông và rước nước thánh về đền. Nghi thức này được tiến hành trong hai tuần: Tuần thứ nhất tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Các đội tế dâng hương, hóa vàng mã, hóa ngựa… rồi thả xuống sông cùng các lễ vật khác như bánh dày, chè kho… Tuần thứ hai dành cho tế thần, các đội tế đọc chúc văn và lấy nước đổ vào một chiếc chóe có phủ vải điều, làm nước thánh rước về đền Độc Bộ để tế. Sau khoảng hai giờ tế trên sông, các đội tế Tam Kỳ giang lần lượt quay về đền để thực hiện các nghi thức tế lễ khác.

Ngày 14, trong lúc các đội tế hàng tổng làm lễ tạ thì đoàn rước của hàng huyện gồm các nơi như Đống Cao, Vụ Sài (xã Yên Lộc), đình Bá Thức Vụ (xã Yên Cường)… rước kiệu về Độc Bộ làm lễ giao hiếu.

Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang trọng trong diễn trình hội, vào các buổi chiều, nhiều trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, tổ tôm điếm, đánh cờ, leo cầu phao, nhiều cuộc thi cỗ chay, thi gà, thi làm bánh được song hành tổ chức. Vào các buổi tối, dân làng tập trung say mê thi hát chèo, hát ca trù, hát quan họ giữa các đội văn nghệ các thôn ngay tại sân đền. Trong đền, tổ chức hầu đồng, hát văn, góp phần tạo nên không gian văn hóa sôi động, hấp dẫn. Nhiều năm trước đây, dân các vùng sông nước có truyền thống đua thuyền thuộc các xã Yên Cường, Yên Đồng (Ý Yên) và các làng thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Nam Trực… còn kéo thuyền về tổ chức hội đua, tạo ra sức sống hội náo nhiệt của cư dân vùng sông nước.

Ngày 15, buổi sáng các làng/thôn trong xã tổ chức tế tạ, buổi chiều dân làng Độc Bộ làm lễ tế tạ với vai trò sở tại, đóng cửa đền, kết thúc kỳ hội chính trong năm.

Ngày nay, những tập tục rước kiệu từ các nơi về tham dự lễ hội vẫn diễn ra theo đúng diễn trình xưa kia, tuy nhiên để phù hợp với điều kiện xã hội và quy chế tổ chức lễ hội truyền thống, thời gian hành hội được “co” lại trong vòng từ 2 đến 3 ngày, một số nghi thức rườm rà đã được rút gọn. Dẫu vậy, những điểm nhấn của hội Độc Bộ hiện nay vẫn được tô đậm ở lễ tế Tam Kỳ giang, hội đua thuyền, hội thi ca hát, hội thi cỗ và các trò chơi dân gian, đủ sức tạo ra một không gian văn hóa lễ hội lộng lẫy, khắc họa được dấu ấn đặc sắc và sức sống cho một kỳ lễ hội hiếm hoi diễn ra dịp Trung thu, trở thành một trong những kỳ lễ hội lớn nhất của châu thổ sông Hồng.


TOP