Chuyển đổi sinh kế, góp phần bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Thủy

Chuyển đổi sinh kế, góp phần bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Thủy

Ngoài sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, mấy năm gần đây, người dân xã Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định – một trong 5 xã ven biển, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy – có thêm một sinh kế mới là tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái…

Biểu diễn văn nghệ dân gian – một sản phẩm của Hợp tác xã Du lịch sinh thái Giao Xuân. Ảnh: Trần Duy

Theo ông Trần Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã, cách đây khoảng 10 năm, Hợp tác xã Du lịch sinh thái Giao Xuân được thành lập với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Vườn quốc gia Xuân Thủy; tư vấn, hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD).

“Trong bối cảnh Vườn quốc gia Xuân Thủy ít nhiều bị tác động tiêu cực bởi một số hoạt động khai thác thiếu tính bền vững của người dân, việc hợp tác xã ra đời rất có ý nghĩa, tạo sinh kế mới, bền vững cho người dân địa phương, qua đó giảm áp lực khai thác tài nguyên ở vườn. Đây cũng là giải pháp tạo sự hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và trách nhiệm đảm bảo sinh kế cho người dân” – Ông Tùng chia sẻ.

Việc chọn loại hình du lịch sinh thái để hoạt động, theo Chủ tịch UBND xã Giao Xuân đơn giản là vì nơi đây có vườn quốc gia nổi tiếng về sự đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vào mùa chim di trú, có tới hàng ngàn cá thể chim di trú quý hiếm, trong đó có loài sếu đầu đỏ tụ tập về đây để làm tổ, kiếm mồi, nghỉ ngơi dưỡng sức.

Ngoài ra, các xã ven biển thuộc vùng đệm của vườn quốc gia, trong đó có xã Giao Xuân nổi tiếng là những làng quê, xứ đạo ven biển thanh bình, trù phú, có nhiều ngôi Thánh đường kiến trúc đẹp, nguy nga, tráng lệ. Cả vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia đều rất hấp dẫn du khách ưa trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa, đời sống dân sinh miền biển.

Bà Phùng Thị Thìn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch sinh thái Giao Xuân cho biết, hợp tác xã có hơn 20 thành viên, đa số là phụ nữ. Trước khi làm du lịch, hầu hết chị em chỉ thạo việc cấy hái hoặc vào vườn quốc gia tìm kiếm sản vật. Từ khi tham gia hợp tác xã, chị em được cán bộ MCD tập huấn các kỹ năng làm du lịch (học tiếng Anh, nấu ăn, hướng dẫn viễn, tổ chức dịch vụ lưu trú qua đêm tại nhà dân – homestay…) gắn liền với việc tuyên truyền bảo vệ cảnh quan, môi trường. Mấy năm qua, hợp tác xã thực hiện cung cấp một số dịch vụ cho du khách trong và ngoài nước như: Hướng dẫn du khảo vườn quốc gia, du khảo đồng quê vùng đệm; tổ chức lưu trú qua đêm tại nhà một số thành thành viên; biểu diễn văn nghệ dân gian và phục vụ dịch vụ ẩm thực hải sản tươi sống…

Tới trụ sở hợp tác xã, chúng tôi ngạc nhiên khi biết đây là một nhà hàng (Ecolife Café) dân dã, đậm chất sinh thái, nằm đối diện với trụ sở xã Giao Xuân. Đây vừa là nơi giao dịch, đón khách của hợp tác xã, vừa là nơi đội văn nghệ của hợp tác xã biểu diễn, cũng là nơi phục vụ dịch vụ ẩm thực hải sản. Sau hành trình du khảo, vào các buổi tối, du khách có thể tập trung tại đây thưởng thức hải sản và xem văn nghệ, giao lưu với người dân địa phương. Cũng tại đây, trong một góc mở, thân thiện, nếu muốn, du khách có thể tìm hiểu những thông tin, kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, về Vườn quốc gia Xuân Thủy bởi có rất nhiều sách, báo, tạp chí liên quan…

“Qua mấy năm hoạt động, cung cấp các dịch vụ dân dã, giá rẻ, hợp tác xã đã đón, phục vụ hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài có thu nhập thêm từ sinh kế mới, quá trình hoạt động, các thành viên được nâng cao hiểu biết về vai trò của thiên nhiên, môi trường với cuộc sống, từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ vườn quốc gia. Hơn thế, bà con còn tuyên truyền, tác động, làm lan tỏa tới nhiều người khác” – Bà Phùng Thị Thìn chia sẻ.

Đêm ấy, sau hành trình tham quan vườn quốc gia, chúng tôi được nghỉ lại tại nhà một thành viên Tổ lưu trú của hợp tác xã. Giữa không gian yên bình, sạch sẽ, thoáng mát của làng quê ven biển, được nghe chủ nhà chuyện trò về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương bằng sự mộc mạc, chất phác, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự thú vị của loại hình du lịch dân dã này. Ý nghĩa hơn, khi biết sinh kế mới này được người dân Giao Xuân hình thành trong nỗ lực tham gia bảo vệ màu xanh của Vườn quốc gia Xuân Thủy liền kề…


TOP