Đình làng Quân Lợi xã Giao Tân Giao Thủy

Đình làng Quân Lợi xã Giao Tân Giao Thủy

Đình làng Quân Lợi xã Giao Tân, huyện Giao Thủy được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014.
Di tích Đình làng Quân Lợi được xây dựng trên địa bàn thôn Quân Lợi xã Giao Tân huyện Giao Thủy. Đình làng Quân Lợi là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương với Đức thánh Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục)người có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ thứ VI. Cùng với Đức thánh Triệu Việt Vương tại Đình còn thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ người đã có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên tổng Hoành Thu vào năm 1829, trong đó có trại Quân Lợi, nay là làng Quân Lợi, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy.

Công sức, thành quả lao động của Dinh điền sử Nguyễn Công Trứ và các thủy tổ dòng họ trong công cuộc khai hoang tạo làng lập ấp mãi được nhân dân trong vùng ghi nhớ. Để tri ân công đức đối với Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhân dân 14 ấp, trại, giáp của tổng Hoành Thu đã lập đền thờ và suy tôn ông làm Phúc thần của làng sau khi ông qua đời.
Ngoài thờ Đức thánh Triệu Việt Vương và Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại di tích đình làng Quân Lợi còn thờ các ông tổ lập làng. Ý nghĩa của sự thờ tự này rất quan trọng, đã cung cấp phần nào cho chúng ta những tư liệu lịch sử có giá trị trong việc nghiên cứu lực lượng khai hoang, tổ chức định cư cũng như lịch sử hình thành mảnh đất con người vùng ven biển huyện Giao Thủy vào đầu thế kỷ XIX.

Đình làng Quân Lợi tọa lạc trên khu đất rộng 2472m2, mặt quay về hướng nam. Trên mặt bằng tổng thể, Đình làng Quân Lợi có các thành phần kiến trúc: Nghi môn, sân đình, nhà khách và các công trình kiến trúc đình chính.

Nghi môn: Có một cửa ra vào rộng 2,80m được xây dựng bằng gạch vữa về phía trước đình. Hai bên xây hai cột đồng trụ cao hơn 5m đỉnh trụ đắp nghê trầu, thân trụ là một khối vuông có cạnh rộng 0,55m, riềm tạo gờ chỉ giữa nhấn nổi cấu đối chữ Hán, chân đồng trụ đắp hình cổ bồng. Tiếp giáp với hai cột đồng trụ là hệ thống tường bao xây bằng gạch đỏ trát vữa cao 1,30m tạo quy mô khép kín.

Sân đình, nhà khách: Sân đình có diện tích rộng khoảng 300m2 được láng vữa xi măng bằng phẳng. Nhà khách được xây dựng về phía bên trái đình. Công trình có 3 gian kích thước dài 9,60m rộng 6,40m xây bằng bê tông cốt sắt, mái bằng, nền nát gạch men. Về công năng sử dụng thì đây là nơi đón tiếp khách và hội họp của Ban quản lý di tích đình làng đồng thời là nơi sinh hoạt của thủ từ.

Công trình kiến trúc Đình làng Quân Lợi theo kiểu “tiền chữ nhất hậu chữ đinh” gồm ba tòa : Tiền đường, trung đường, cấm cung.

Nền tường đường được tôn cao hơn mặt sân khoảng 0,25m lát gạch đỏ, phía trước có xây bậc lên xuống. Hai bên đầu hồi xây hai cột hoa biểu cao 3,55m, cạnh rộng 0,36m, đỉnh đắp họa tiết phượng lật, thân cột nhấn câu đối với nội dung ca ngợi công lao của Đức thánh Triệu… Hệ thống lancan trên hiên tiền đường xây bổ trụ, hai bên đắp cuốn thư trên có nhấn chữ Hán,, chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt.

Bộ cửa tiền đường được gia công theo kiểu ô bàn cờ, làm bằng gỗ lim gồm 3 khoang. Khoang cửa giữa rộng 2,32m, gồm 4 cánh, mỗi cánh có kích thước cao 2,60m, rộng 0,58m. Hai khoang cửa bên rộng 1,80m, mỗi khoang gồm 4 cánh, mỗi cánh rộng 0,45m, cao 2,60m.

Tòa tiền đường 3 gian, 2 chái có kích thước dài 10,40m, rộng 4,80m được bố trí đăng đối nhau: gian giữa có chiều dài 3,0m, hai gian bên dài 2,55m, 2 gian chái dài 1,55m.

Bộ khung tòa tiền đường được lắp dựng bằng gỗ lim theo kiểu 3 hàng cột. Mỗi vì gồm một cột cái có kích thước cao 3,90m; đường kính 0,30m và hai cột quân có kích thước cao 3,10m; đường kính 0,25m.

Bộ vì nóc tòa tiền đường gia công theo kiểu mê cốn, câu đầu, trụ non. Liên kết chủ yếu tại các bộ vì là cấu kiện câu đầu có chiều dài 2,30m nối đầu cột cái với đầu trụ non, phía trên câu đầu là hệ thống ván mê khoét mộng đỡ thượng lương cùng với bộ vì nóc tòa tiền đường.

Bộ vì nách tòa tiền đường nằm ở mái trước và mái sau công trình. Vì nách cũng gia công theo kiểu mê cốn. Nối từ cột cái đến cột quân là xà nách dài 1,20m. Trên xà nách là bức mê chạm nổi họa tiết cúc hóa long, triện tàu lá dắt. Vì nách mái trước và mái sau là cấu kiện đỡ hoành và mái ngói của tiền đường.

Vì hiên: Kết cấu vì hiên được liên kết bởi 8 cây bẩy (4 bẩy tiền và 4 bẩy hậu). Hệ thống bẩy ở đây được ghép vào thân các cột quân, một đầu tỳ lực vào dạ xà nách, một đầu vươn ra đỡ tàu mái và hệ thống ngói hiên. Thân bẩy được chạm nổi họa tiết long vân, cúc hóa long, đầu bẩy chạm chữ “thọ”.

Các họa tiết trang trí trên cấu kiện câu đầu, mê cốn, bẩy tiền, bẩy hậu mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ XIX.

Tòa trung đường ba gian có kích thước dài 7,20m, rộng 5,40m. Gian giữa rộng 3,20m, hai gian bên rộng 2,55m. Trung đường được xây theo kiểu cuốn vòm, hệ thống chịu lực hoàn toàn bằng tường thông qua kiểu cách thiết kế mỗi gian tạo một lớp vòm cuốn. Mái của tòa trung đường lợp ngói nam và nền lát gạch đỏ.

Qua cửa vách thuận là vào tới cung cấm. Tòa cung cấm gồm hai gian xây quay dọc nối với trung đường có kích thước dài 5,70m, rộng 4m. Công trình này xây theo lối cuốn vòm, mái lợp ngói nam, nền được tôn cao hơn trung đường 0,10m lát bằng gạch đỏ. Gian trong cung cấm là nơi đặt khám và tượng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương. Gian ngoài cung cấm đặt ngai thờ hai vị tướng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc.
Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đình làng Quân Lợi trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những đóng góp của Đình làng Quân Lợi qua các phong trào cách mạng và kháng chiến đã khẳng định hơn nữa giá trị của di tích, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng đối với các thế hệ con em địa phương hiện nay và mai sau.

Hàng năm tại di tích còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức vào các kỳ lễ hội truyền thống nhằm tri ân công đức của các vị thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho dân làng, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Trong một năm có khá nhiều lễ hội được tổ chức tại di tích đình làng Quân Lợi, đó là các ngày lễ sau:

– Lễ hội tháng Giêng: Lễ hội tháng Giêng được nhân dân địa phương tổ chức long trọng trong hai ngày mồng 5 và mồng 6. Đây vừa là kỳ lễ hội kỷ niệm ngày sinh của đức thánh Triệu Việt Vương, vừa là lễ hội đầu năm nên đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

– Lễ hội tháng 8: Lễ tháng 8 được nhân dân địa phương tổ chức long trọng vào ngày 13. Ngày lễ này được tổ chức để dân làng kỷ niệm ngày hóa của Đức thánh Triệu Việt Vương, người có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ VI.

– Lễ hội tháng 11: Lễ hội tháng 11 được nhân dân địa phương tổ chức long trọng vào ngày 13. Ngày lễ này được tổ chức để dân làng kỷ niệm ngày mất Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, người đã có công tổ chức lên công cuộc khai hoang lập nên tổng Hoành Thu vào năm 1829, trong đó có trại Quân Lợi, nay là làng Quân Lợi, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy.

Như vậy trong một năm tại di tích Đình làng Quân Lợi đã diễn ra nhiều ngày lễ, với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho dân làng. Những hình thức sinh hoạt văn hóa trên không nằm ngoài ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công lao của các vị thần mà còn góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Trải qua thời gian, khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay công trình kiến trúc đình làng Quân Lợi vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Sắc phong, câu đối, đại tự, khám, ngai và bài vị thờ… thể hiện sự trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông xưa để lại./.

Hồng Luyến – dulichgiaothuy


TOP