Cách làm Nông thôn mới hay, sáng tạo ở Hải Hậu

Cách làm Nông thôn mới hay, sáng tạo ở Hải Hậu

Chúng tôi về huyện Hải Hậu vào những ngày đầu tháng 8 năm 2017, nơi có 35 xã, thị trấn; diện tích khoảng 230,22 km2; 33 km bờ biển; dân số 260.000 người, với tâm trạng háo hức. Đã có nhiều bài báo phản ánh về những cách làm độc đáo của huyện Hải Hậu; Bài báo này xin nêu 2 trong nhiều cách làm hay, sáng tạo ở một huyện Lá cờ đầu.

Hải Hậu là huyện được chọn làm điểm của toàn quốc thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn đầu 2011- 2015. Bằng cách làm độc đáo và sáng tạo theo phương châm “Lấy sức dân mà lo cho dân”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “Nền móng để xây dựng NTM phải từ mỗi thôn, xóm” nên đến năm 2015, cả 32/32 xã đều đạt 19/19 tiêu chí để toàn huyện Hải Hậu đạt chuẩn “Huyện Nông thôn mới”. Vậy 2 trong nhiều cách làm hay, sáng tạo ở một huyện Lá cờ đầu mà bài báo nêu là gì?, Xin được chuyển tải tới bạn đọc qua góc nhìn cá nhân của người làm báo, đó là:

1. Chăm từ gốc để thực sự bền vững và phát triển

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các xã đã hoàn thành và được xét công nhận giai đoạn 2013-2015 sẽ phải đánh giá, thẩm định xét công nhận lại sau 5 năm. Để mục tiêu “Xây dựng NTM bền vững và phát triển”, từ năm 2016 đến 2020 huyện Hải Hậu lại có cách đi riêng của mình: Đề ra 11 tiêu chí cụ thể xóm (TDP) Nông thôn mới, chọn và chi tiết hơn trong 19 tiêu chí quốc gia xã Nông thôn mới để thật sát với tình hình, đặc điểm của Hải Hậu. Từng xóm, từng xã tiếp tục phấn đấu đạt danh hiệu “Xóm NTM bền vững và phát triển” – “Xã NTM bền vững và phát triển”.

Cán bộ và nhân dân mỗi xóm (TDP) háo hức đón nhận và thi đua thực hiện 11 tiêu chí bằng chính phát huy nội lực của mình. Vậy là ý thức thường xuyên, liên tục về xây dựng NTM của mỗi người dân luôn nóng hổi vì chính họ và gia đình họ trực tiếp được hưởng lợi. Đầu năm 2016, toàn huyện phát động thì cuối năm huyện mời lãnh đạo 35 xã, thị trấn và 546 xóm về tổng kết, công nhận, khen thưởng rồi lại tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện 11 tiêu chí xóm (TDP) cho năm tiếp theo. Cuối năm 2016, huyện đã công nhận 168/546 xóm hoàn thành 11 tiêu chí; năm 2017 có 308 xóm đăng ký phấn đấu để được huyện công nhận hoàn thành 11 tiêu chí. Từ năm 2017 đến 2019 thì các xã tiến hành đăng ký hoàn thành 11 tiêu chí; có 13 xã đăng ký hoàn thành 11 tiêu chí vào năm 2017.

Đến đâu cũng thấy bộ mặt nông thôn Hải Hậu “Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp”. Người dân đã thực sự “làm chủ” trong cách nghĩ, cách làm. Tuyến đường nào cũng rợp bóng cây xanh; hoa ven đường mơn man nhiều màu sắc như nâng bước người đi; sạch nhà- sạch ngõ, sạch nơi chăn nuôi trong mỗi gia đình, sạch nơi công cộng… đã thành ý thức tự giác chung; nhà văn hoá xóm nào cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi, là trung tâm sinh hoạt văn nghệ, thể thao, hội họp, đọc sách báo; hàng ngày vào lúc sáng sớm và chiều tà, tiếng loa truyền thanh phản ánh rành rọt tình hình thời sự 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, toàn quốc) để mọi người dân đều biết; tỷ lệ tham gia BHYT toàn huyện tính đến tháng 7/2017 đạt 79,5% dân số, trong đó có trên 30% số xóm đạt từ 85% trở lên tự nguyện mua BHYT…

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh trao Bằng công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn Nông thông mới năm 2015

Vui nhất là phong trào thi đua lao động sản xuất để làm giàu chính đáng, nâng cao mức sống nở rộ ở khắp các xóm, xã, thị trấn. Đó chính là mục tiêu số 1 của xây dựng NTM. Do vậy, sản xuất nông nghiệp; đánh bắt và chăn nuôi thuỷ hải sản; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; làm muối, cây cảnh, du lịch… ở Hải Hậu đều tăng trưởng. Các xã Hải Toàn, Hải Giang, Hải Phong, Hải Ninh…nơi có những cánh đồng lúa Tám thơm vẫn cần mẫn và sáng tạo giữ vững thương hiệu gạo Tám thơm đặc sản Hải Hậu. Các xã, thị trấn: Yên Định, Cồn, Thịnh Long, Hải Phong… vẫn là mũi nhọn phát triển kinh tế công nghiệp, kinh doanh, du lịch của huyện. Các Cụm công nghiệp như: Nhà máy may công nghiệp Sông Hồng, Hải Hà và Hải Hưng, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Hải Thanh, Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu ở Hải Tân và Hải Phương đều sản xuất tăng trưởng. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn hoạt động nhộn nhịp… Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn huyện đạt 1.525 tỉ đồng (bằng 60,5% kế hoạch năm và tăng 3,9% so cùng kỳ); năng xuất lúa vụ Xuân đạt 75,7 tạ/ha (tăng 0,05 tạ/ha so với vụ Xuân năm 2016); giá trị sản xuất ngành thuỷ sản đạt 425 tỉ đồng, ngành công nghiệp- TTCN đạt 894 tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 186,2 tỉ đồng…

2. Hệ thống sông ngòi, kênh mương đã và đang được tôn tạo sạch, đẹp như “tranh hoạ đồ”

Hải Hậu là huyện đồng bằng ven biển nên hệ thống sông ngòi, kênh mương chằng chịt để phục vụ giao thông, chống ngập úng và thuỷ lợi. Đặc biệt diện tích mặt nước rất rộng ấy làm cho môi trường sinh thái mát lành, ôn hoà.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ năm 2010, huyện Hải Hậu đồng thời “mở chiến dịch” tiến hành tôn tạo sạch, đẹp hệ thống sông ngòi, kênh mương bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và của nhân dân đóng góp. Ông Vũ Văn Triển- Trưởng phòng NN & PTNT huyện Hải Hậu đã kể cho chúng tôi nghe tường tận về cách tôn tạo sông ngòi, kênh mương của huyện và của mỗi xã. Thật là “một kỳ tích” tuyệt vời kể từ ngày thành lập huyện cho đến nay.

Trục đường kéo dài 3 km vào xã Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định được trải sắc hoa rực rỡ hơn trong nắng hè.

Những tuyến sông lớn (được gọi là sông Cấp 1) như Sông Múc, Sông Rộc, sông Đốc, sông Linh Mỹ chảy qua địa bàn huyện có tổng chiều dài 198 km. Tính đến tháng 6/2017 đã kè được 57,2 km bằng đá và bằng gạch bi, trong đó trên 95% kè bằng đá. Bình quân kè bằng đá khoảng 6 tỉ đồng/1km và kè bằng gạch bi là 3 tỉ đồng/1 km. Nguồn kinh phí này hoàn toàn là của Nhà nước. Những tuyến sông chảy liên xã (gọi là sông Cấp 2) có tổng chiều dài 821 km thì huyện khoán cho từng xã xây kè bằng nguồn kinh phí của Nhà nước và của nhân dân. Tính đến tháng 6/2017 đã kè bằng đá và bằng gạch bi được 73 km. Bình quân kè bằng đá là 5 tỉ đồng/1 km và kè bằng gạch bi là 2 tỉ đồng/1 km.

Những tuyến sông nhỏ, kênh mương của riêng mỗi xã (gọi là sông cấp 3) có tổng chiều dài trong toàn huyện là 1.858 km. Hiện tại đã kè chủ yếu bằng gạch bi được 31,2 km; bình quân 1 tỉ đồng/1km. Nguồn kinh phí này do dân tự nguyện đóng góp cũng như vận động con em của họ đang xa quê ủng hộ.

Các dòng sông cấp 1, cấp 2, cấp 3 không còn cảnh rác rưởi trôi nổi, như những dải lụa uốn mình, mặt nước tựa gương soi cảnh thôn quê sáng sủa, trù phú, hấp dẫn. Nhân dân từng xóm, từng xã đã có ý thức và trực tiếp giữ gìn, làm sạch đẹp đường làng, dòng sông, tài sản chung của cả cộng đồng.

Trồng hoa quanh các con đường là ý tưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong việc xây dựng mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản” và tất cả người dân nơi đây đều nhiệt tình hưởng ứng.


Mục tiêu đến năm 2020, rồi đến năm 2030, tất cả các tuyến sông lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Hải Hậu sẽ được xây kè đôi bờ thì cảnh quan sông nước Hải Hậu sẽ đẹp biết nhường nào.

Chúng tôi rất vui khi nghe ông Vũ Văn Kỳ – Chánh Văn phòng UBND huyện Hải Hậu nói về tầm nhìn và hướng đi lên của một huyện mà từ năm 1978 đến nay liên tục là Lá cờ đầu toàn quốc về Văn hoá và là huyện điển hình toàn quốc về phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015.

Mùa thu tháng Tám, trời Hải Hậu xanh cao lồng lộng. Mênh mông những cánh đồng đang “thì con gái” mơn mởn reo vui. Hải Hậu- vùng đất thật mến yêu, thật đáng sống…

nguồn haihau.namdinh.gov.vn


TOP