Giai thoại cầu Vô Tình Nam Định

Giai thoại cầu Vô Tình Nam Định

Cầu “Vô tình” là một trong những cây cầu trọng yếu nằm trên Quốc lộ 21, thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thực hư về cây cầu này sao lại có tên là “Vô tình” vẫn đang là những giai thoại lịch sử…

Theo người dân kể lại, thì ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ kéo nhau đến xứ này sinh sống, một hôm chồng ngồi bắt chấy cho vợ hỏi: “Sao trên đầu mình lại có cái sẹo to vậy”. Người vợ kể: Thời còn ở nhà bị anh trai lấy cây mía vụt vào đầu. Chột dạ, người chồng nhận ra vợ lại chính là em ruột của mình nên ân hận, đâm đầu xuống cầu chết. Người vợ thấy vậy cũng chết theo, nên dân làng đặt tên cầu là cầu “Vô tình”.

Cầu Vô tình ngày nay với những giai thoại lịch sử.

Cầu Vô tình ngày nay với những giai thoại lịch sử.


Bên cạnh đó, cũng có người kể lại kể rằng: Ngày ấy lũ trai gái trong vùng mò cua bắt ốc, tụ tập nô nghịch tắm nhảy ở đây, lúc về ào lên bờ lấy lẫn lộn cả quần của nhau, vừa chạy vừa mặc, âu cũng là chuyện vô tình cho nên gần cầu “Vô tình” còn có hai địa danh có thật là Quần Lạc và Lạc Quần. Vì vậy mới có câu thách đối cho đến bây giờ, mà chưa ai đối được là:“Cô gái Quần Lạc, đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần trở về Quần Lạc”.

Về cái tên cầu “Vô tình”, theo lịch sử, thì từ thế kỷ XIII, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh nhà Trần đã lập chiến công hiển hách: Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, vua tôi nhà Trần đã tạm rời kinh thành Thăng Long về Thiên Trường (Nam Định) tìm kế chống giặc. Vua Trần chú trọng xây dựng phòng tuyến phía Nam để phòng giặc Nguyên Mông từ phía biển đánh lên.

Đầu xuân 1285, một toán kỵ binh Nguyên Mông từ Bố Hải Khẩu tràn sang, kết hợp với toán bộ binh từ cửa sông Hồng đổ lên, chúng định đánh vào phía Nam phủ Thiên Trường. Bên ta, nhiều đạo binh các nơi về phối hợp với dân binh tại chỗ, đánh giặc bảo vệ cung điện nhà Trần. Chiếc cầu bắc qua sông Kim nằm trên tuyến đường quan trọng của vùng này bị ta phá, làm cầu giả thay thế, rồi cho quân phục sẵn hai mố cầu.

Sau đó cho một toán đánh nhau với chúng rồi giả vờ thua, rút đền gần cầu, giặc gần tới nơi, ta rút thật nhanh qua cầu rồi tháo cạm. Bị sập cầu, người ngựa địch giẫm đạp lên nhau chết vô số. Quân mai phục của ta hò la xông lên. Quân địch vô tình chủ quan, bị động nên không kịp trở tay, đã bị thất bại hoàn toàn.

Từ ấy, cây cầu qua sông Kim được mang tên cầu “Vô tình”. Vậy nên đời sau, vào mùa xuân có người qua cầu “Vô tình” đã làm bài thơ “Vô tình hoài cổ”, cảm kích vì trận chiến thắng, góp phần cùng đại quân nhà Trần đánh bại đội quân xâm lược hung hãn.

“Địa cảo thiên cao, tứ vọng bình

Vô tình đáo thử lãng do minh

Trần quân ca xứ, Nguyên quân khấp

Kỷ độ xuân phong đoản sáo hoành”.

Tạm dịch:

“Đất rộng trời cao bốn mặt bằng

Vô tình trận ấy tiếng còn vang

Quân Trần ca hát quân Nguyên khóc

Mấy độ xuân ca dáo cắp quang”.

Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đã xây đồn “Vô tình” cạnh cầu Vô tình để khống chế một đầu mối giao thông quan trọng. Đêm 15/1/1952, quân ta tập kích vào đồn “Vô tình”, chỉ sau một thời gian ngắn đã làm chủ được đồn. Tên Đồn trưởng bị tiêu diệt, tên Đồn phó bị bắt sống. Quân ta buộc tên Đồn phó vẫn giữ liên lạc với cấp trên của hắn “khẩn cấp kêu gọi cứu viện”.

Bia di tích chiến thắng cầu Vô tình.

Bia di tích chiến thắng cầu Vô tình.


Trưa 16/1/1952, trực thăng địch bay đến khảo sát, bốn máy bay vận tải tới thả 50 dù hàng gồm (súng, đạn, quân trang, dụng cụ…) xuống đồn Vô tình. Như vậy ta đã “bịt mắt” địch để địch vô tình tiếp tế cho ta tiếp tục đánh chúng. Những giai thoại về cầu Vô tình vì thế ngày càng thêm ly kỳ…

Ngày nay, cây cầu “Vô tình” đã được tu sửa lại, rộng rãi và đẹp hơn xưa nhiều, với chiều dài là: 6,4m, chiều rộng là: 13m, bên cạnh đó, bia di tích chiến thắng cầu Vô tình vẫn còn được giữ nguyên vẹn, như là 1 minh chứng cho cái tên “Vô tình” vẫn được nhiều người nhắc đến.

An Lãng – Vũ Linh


TOP