Thành phố Nam Định phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp vùng Nam đồng bằng sông Hồng

Thành phố Nam Định phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp vùng Nam đồng bằng sông Hồng

Trong giai đoạn 2010-2015 và những tháng đầu năm 2016, Thành phố Nam Định được Trung ương, tỉnh đầu tư cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống giao thông toàn quốc, tháo “nút thắt” về vị trí địa lý.
Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang tác động tiêu cực, thành phố vẫn được đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động nên tốc độ tăng trưởng kinh tế đã duy trì mức khá. Tổng giá trị sản xuất (GRDP) năm 2015 đạt 6.505,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,66%/năm.
GDP bình quân đầu người từ 30 triệu đồng (năm 2010) tăng lên 69 triệu đồng năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ tăng lên 98,7% vào năm 2015.

Sản xuất khăn bông xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.

Sản xuất khăn bông xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.

Giá trị sản xuất công nghiệp do thành phố quản lý tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 24,4%/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Thành phố Nam Định hiện có tổng số 2.025 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động ở 24 nhóm ngành; trong đó có 1.813 doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh (chiếm 89,53%), 197 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,7%), 15 doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể (loại hình HTX) (chiếm 0,74%).
1Các KCN: Hoà Xá, Mỹ Trung và CCN An Xá đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 19 doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Cùng với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất cá thể đã thu hút tạo việc làm cho trên 58.600 lao động.

Ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố là dệt – may 51,7%. Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp chủ lực khác của thành phố như: sản xuất thuốc và hóa dược, cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm – đồ uống… cũng phát triển ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan.
1Các thành phần kinh tế dân doanh phát triển nhanh (chiếm 98,4% số lượng doanh nghiệp và 63,6% giá trị sản xuất, 53,2% lao động toàn ngành công nghiệp của thành phố). Trình độ quản lý, lao động và trang thiết bị công nghệ được đầu tư theo hướng tiên tiến và hiệu quả.

Một số sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp đã có uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài như các doanh nghiệp ngành dệt may: Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Nam Định, Cty CP May Nam Hà; sản xuất thuốc và hóa dược: Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty CP Dược phẩm Trường Thọ, Cty TNHH Nam Dược; chế biến gỗ: Cty CP Lâm sản Nam Định… Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các doanh nghiệp, Thành phố Nam Định đã khẳng định được vị thế của một số ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược không chỉ đạt quy mô vùng Nam đồng bằng sông Hồng mà còn đứng trong tốp đầu của cả nước.

Một góc khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Định

Một góc khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Định

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất công nghiệp của thành phố trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: quy mô vẫn còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu CNH-HĐH của tỉnh; mức độ đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế còn thấp, thiếu vốn để đầu tư phát triển, các chính sách ưu đãi về tín dụng có hiệu quả còn rất hạn chế. Công tác tiếp thị, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của địa phương chưa được đầu tư đúng mức.

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành công nghiệp còn thấp, các ngành công nghiệp đa phần là thâm dụng lao động và sử dụng lao động phổ thông, chưa phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư từ tỉnh ngoài vào địa bàn còn thấp và chưa có các dự án có thể tạo đột biến cho phát triển công nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngày 9-6-2016, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU tập trung xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng (giai đoạn 2016-2020).

Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng Thành phố Nam Định với vị thế đô thị loại I, sáng – xanh – sạch để tạo sức thu hút và trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực thương mại dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho toàn tỉnh. Giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp thành phố trong cơ cấu sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh; trở thành trung tâm một số ngành công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng như: dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp điện – điện tử, công nghệ thông tin…

KCN dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng)

KCN dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng)

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, để phát triển sản xuất công nghiệp Thành phố Nam Định xứng đáng là trung tâm công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, UBND Thành phố Nam Định đã phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng của tỉnh khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của KCN Mỹ Trung; lập phương án để chuyển giao cho nhà đầu tư mới từ Cty CP Hoàng Anh – Vinashin. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có công nghệ tiên tiến và giá trị gia tăng cao như: cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp phần mềm, sản xuất thuốc và hóa dược, công nghiệp phụ trợ dệt may và một số ngành công nghiệp có thế mạnh truyền thống.

Khu công nghiệp Mỹ Trung

Khu công nghiệp Mỹ Trung

Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước hướng mạnh vào các ngành có công nghệ cao, sử dụng ít vật tư, bảo vệ môi trường… Phát triển ngành công nghiệp dệt may theo hướng sản xuất các sản phẩm cao cấp, sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu có công nghệ sản xuất hiện đại và đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Chú trọng lĩnh vực thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dệt may.

Quy hoạch chuyển dần các cơ sở dệt may lớn về địa bàn các huyện: Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản trong dự kiến mở rộng địa giới thành phố. Hoàn thành di dời Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt lụa Nam Định ra KCN Hòa Xá vào trước năm 2020. Phấn đấu đưa Thành phố Nam Định trở thành Trung tâm Dệt may thời trang với những sản phẩm cao cấp, có thương hiệu riêng.

Trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược: Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dược đã có thương hiệu như các Cty: Dược phẩm Nam Hà, Nam Dược, Dược phẩm Trường Thọ, đầu tư các cơ sở sản xuất thuốc, dược phẩm theo các tiêu chuẩn GMP của WHO, EU. Phát triển công nghiệp sản xuất thuốc và hóa dược thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh và là trung tâm nghiên cứu và sản xuất thuốc chữa bệnh trong khu vực và cả nước.

Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp thành phố có truyền thống theo hướng chú trọng đổi mới trang thiết bị, tổ chức và quản lý sản xuất. Nghiên cứu khả năng mở rộng CCN An Xá từ 65ha lên 100ha trong giai đoạn đến năm 2020.

Phối hợp, tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng KCN Hòa Xá và xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư lấp đầy các KCN: Mỹ Trung, Mỹ Thuận. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 13-15%/năm, thời kỳ 2021-2030 đạt 10-12%/năm. Đến năm 2020 cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; nông, lâm, thủy sản tương ứng là 81,5%, 18,2% và 0,3%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 500-600 triệu đồng/năm. Đến năm 2030 (sau khi mở rộng địa giới theo quy hoạch) giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 1,1 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp do thành phố quản lý (giá 2010) tăng bình quân 15,5%/năm. Giá trị xuất khẩu thành phố quản lý tăng bình quân 13%/năm./.

Bài: Thành Trung – baonamdinh.vn


TOP