Tăng cường giám sát đảm bảo lương, thưởng tết cho công nhân

Tăng cường giám sát đảm bảo lương, thưởng tết cho công nhân

Cuối năm là thời điểm dễ xảy ra các cuộc phản ứng, ngừng việc tập thể của người lao động (NLĐ) liên quan đến lương, thưởng tết. Đây cũng là thời điểm các cấp công đoàn (CĐ) tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân (CN); giám sát tình hình lương, thưởng tết của DN; tham gia giải quyết các vụ ngừng việc tập thể để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Vì lương, thưởng tết thiếu minh bạch, hàng trăm CNLĐ của một DN nước ngoài trên địa bàn KCN Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội) ngừng việc để phản đối đầu năm 2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Vụ ngừng việc tập thể xảy ra tại Cty TNHH kỹ thuật điện tử MSL (xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là sự việc gần đây nhất CN bức xúc phản ứng do DN không công khai mức thưởng tết cho CN. Theo ông Trần Trọng Thái – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nam Định – việc xây dựng quy chế thưởng tết không bắt buộc theo quy định của pháp luật mà phụ thuộc vào thỏa thuận trong TƯLĐTT giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ cũng như kết quả kinh doanh của Cty.

Trong vụ việc Cty TNHH kỹ thuật điện tử MSL, Cty chưa thành lập tổ chức CĐ, chưa ký kết TƯLĐTT, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Để phòng ngừa xảy ra phản ứng của CN do DN không công khai lương, tại các hội nghị, LĐLĐ tỉnh Nam Định thường xuyên chỉ đạo các CĐCS tham gia với chuyên môn xây dựng quy chế lương, thưởng tết và công khai cho NLĐ biết. Đồng thời, chỉ đạo các cấp CĐ tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; nếu xảy ra phản ứng, báo cáo kịp thời với CĐ cấp trên để tham gia giải quyết, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Ông Phạm Bá Tùng – Phó Trưởng ban Quản lý các KCN, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam – nhớ lại, vào cuối năm 2016, có trường hợp DN chỉ thưởng tết cho CN một nửa, giữ lại một nửa để trả sau tết vì sợ CN không quay trở lại làm việc.

CĐ các KCN đã xuống vận động, giải thích cho DN hiểu. Cuối cùng, DN này đã nghe theo và trả hết tiền thưởng tết cho NLĐ.

Ông Tùng cho biết, để tránh tình trạng tương tự, ngay từ tháng 12.2017, Ban Quản lý các KCN yêu cầu DN phải trả lương đúng thời hạn, không được thiếu, nợ NLĐ; DN phải có kế hoạch tưởng tết cho NLĐ và công khai để NLĐ nắm được. Cùng với đó, CĐ cũng gửi tới các CĐCS để giám sát nội dung trên.

“Cho đến thời điểm này, đã có 50 DN báo cáo thưởng tết. Thưởng tết trung bình 1 tháng lương; cao nhất là 100 triệu đồng; thấp nhất là 700.000 đồng. Trong các KCN, chưa có phản ánh nào của NLĐ về nợ lương” – ông Tùng thông tin.

Công nhân tụ tập trước cổng Cty TNHH kỹ thuật điện tử MSL (Nam Định) sáng 9.1 vào thời điểm vụ việc chưa được giải quyết. Ảnh: Công nhân cung cấp

Một chủ tịch CĐCS FDI tại tỉnh Phú Thọ cho biết, CĐCS đã chủ động tham gia xây dựng TƯLĐTT giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ.

Trong đó, TƯLĐTT có nội dung về quy chế thưởng tết: CN được thưởng tết bằng 55% của 1 tháng lương. Vì vậy, CN đã biết rõ mình sẽ được thưởng tết bao nhiêu, chứ không phải thấp thỏm chờ đến sát tết mới nắm được. CĐ luôn giám sát việc thực hiện nội dung này nói riêng và TƯLĐTT nói chung, nếu DN làm sai sẽ có ý kiến.

Cùng với đó, vào dịp cuối năm, CĐ tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN để kịp thời đề nghị với giám đốc. “Ban chấp hành CĐ chủ yếu là CN trực tiếp, nên rất thuận lợi trong nắm bắt. Vừa qua, sau khi lắng nghe ý kiến của CN, CĐ đã có đề nghị tăng lương tối thiểu vùng cao hơn cho những CN đã làm việc lâu năm. Giám đốc Cty hiện đang xem xét ý kiến này” – Chủ tịch CĐCS này cho biết.

Theo Tất Thảo( lao động)


TOP