Công ty Điện lực Nam Định: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Công ty Điện lực Nam Định: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Đến tháng 7/2019, tỉnh Nam Định đã về đích trở thành tỉnh nông thôn mới (NTM) với 100% số xã và 10/10 huyện thành phố đạt chuẩn. Trong 19 tiêu chí, riêng tiêu chí số 4 do Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định) đảm nhiệm toàn bộ, thực hiện liên tục trong 8 năm, đến cuối năm 2017 đã hoàn thành, sớm trước 2 năm so với kế hoạch của tỉnh.

Nam Định là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, với diện tích 1.668 km2, dân số 1,8 triệu người.

Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 229 đơn vị hành chính cấp xã – trong đó có 209 xã, thị trấn thuộc khu vực nông thôn.

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, với nhiều nỗ lực, đến tháng 7/2019 vừa qua, tỉnh Nam Định đã về đích trở thành tỉnh NTM với 100% số xã và 10/10 huyện thành phố đạt chuẩn.

Trong 19 tiêu chí, riêng tiêu chí số 4 do Công ty Điện lực Nam Định đảm nhiệm toàn bộ, thực hiện liên tục trong 8 năm, đến cuối năm 2017 đã hoàn thành, sớm trước 2 năm so với kế hoạch của tỉnh.

Bộ mặt nông thôn mới Nam ĐỊnh thay đổi từ hệ thống điện nông thôn

Ông Trần Mạnh Sỹ – Giám đốc PC Nam Định cho biết, thời gian qua, PC Nam Định đã đặt trọng tâm vào công tác cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn.

Cụ thể, thực hiện chủ trương của tỉnh tại văn bản số 348/UBND-VP và của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tại văn bản số 2278/PC1-P2, đến đầu năm 2010, PC Nam Định đã tiếp nhận xong lưới điện hạ thế nông thôn toàn tỉnh từ 317 hợp tác xã nông nghiệp bàn giao sang.

Khi đó Nam Định trở thành địa phương thứ hai ở miền Bắc tiếp nhận xong toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), sau tỉnh Bắc Ninh.

Kể từ đó đến hết năm 2017 là quá trình 8 năm liên tục công ty vừa tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện trung, hạ áp vừa thực hiện xây dựng tiêu chí số 4 về NTM.

Do tỉnh Nam Định triển khai điện khí hóa nông thôn từ những năm 1970-1980, lưới điện hạ thế trải qua một thời gian dài khai thác phần lớn đã xuống cấp nhiều, không đảm bảo an toàn, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, hệ thống công tơ bán điện không đạt chuẩn, tổn thất điện năng cao (trên 20%).

Đặc biệt cho đến khi bàn giao LĐHANT cho ngành điện, các địa phương không có các dự án ODA cải tạo lưới điện nông thôn như một số tỉnh bạn.

Vì vậy chất lượng hạ tầng LĐHANT khi mới tiếp nhận là một thách thức lớn đối với Công ty trong việc xây dựng tiêu chí số 4.

Đứng trước tình hình LĐHANT mới tiếp nhận vừa có quy mô lớn lại vừa xuống cấp nhiều, được sự quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và của UBND tỉnh Nam Định, PC Nam Định đã chủ động xây dựng kế hoạch cải tạo lưới điện trung hạ áp nông thôn và nỗ lực triển khai thực hiện.

Cụ thể, về các giai đoạn đầu tư cải tạo lưới điện, với nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn, công ty đã tiến hành đầu tư theo 2 giai đoạn và vận dụng linh hoạt nhiều nguồn vốn để thực hiện.

Trong đó: Giai đoạn 1 (2010-2011): Đầu tư tối thiểu, thay thế toàn bộ hệ thống công tơ, thay các nhánh dây mất an toàn; Giai đoạn 2 (2012-2017): Đầu tư nâng cấp đường dây và trạm, giai đoạn này ngoài các nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Công ty được Tổng Công ty bố trí nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài thông qua các dự án DEP1, DEP2, KFW để cải tạo lưới điện.

Cùng với đó, công ty bố trí kết hợp linh hoạt các nguồn kinh phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên để phối hợp củng cố lưới điện xong dứt điểm từng xã.

Kết quả, qua 8 năm 2010-2017, Công ty đã thực hiện một khối lượng đầu tư lớn. Cụ thể, xây dựng mới 798 km đường dây trung áp, tăng 56% so với năm 2010; Xây dựng mới 3.190 km đường dây hạ thế, tăng 30% so với năm 2010; Xây dựng mới 927 trạm biến áp phân phối đưa tổng số trạm lên gấp đôi so với năm 2010 (đến nay bình quân mỗi xã đã có 10 TBA phân phối); Cải tạo nâng cấp 2.454km đường dây trung, hạ thế; 474 TBA phân phối; Thay thế 100% công tơ đạt chuẩn, đồng thời vận động được hầu hết các gia đình thay mới dây dẫn sau công tơ để sử dụng an toàn lâu dài. Tổng số các dự án đầu tư gồm 417 dự án với tổng số vốn 2.560 tỷ đồng (bình quân mỗi xã 12,2 tỷ đồng). Đến tháng 12/2017 lưới điện của 209/2019 xã toàn tỉnh đã đạt chuẩn theo tiêu chí số 4 NTM về điện.

Ông Trần Mạnh Sỹ thông tin, đến nay, lưới điện nông thôn trên toàn tỉnh đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt.

Đồng thời, do hạ tầng và chất lượng điện đảm bảo, lượng điện năng tiêu thụ cho sản xuất và sinh hoạt ở khu vực nông thôn tăng mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm 2018 tiêu thụ 1,73 tỷ kWh, gấp 2,8 lần so với năm 2011. Mức tăng trưởng điện tiêu thụ bình quân khu vực nông thôn 8 năm qua là 15,1%, trong đó điện cho nông nghiệp tăng 26%; sản xuất công nghiệp tăng 22%; dịch vụ tăng 16%; sinh hoạt tăng 11,4%.

Người dân nông thôn được hưởng các dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao như các khách hàng ở thành thị. Tổn thất điện năng LĐHANT đã giảm từ mức trên 20% khi tiếp nhận nay xuống còn 6,8%.

“Để đạt thành tích như trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trong những năm qua cho chương trình Nông thôn mới.

Đồng thời, có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy – UBND tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ của Sở Công Thương và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đối với các hoạt động điện lực trên địa bàn.

Thêm đó là sự đồng lòng, đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo Công ty và đội ngũ công nhân viên chức toàn công ty đã có nhiều nỗ lực, làm việc không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ trong suốt 8 năm qua để chung tay xây dựng nông thôn mới” – ông Trần Mạnh Sỹ khẳng định.

Theo (congthuong.vn)


TOP