Chuyện ít biết về thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định

Chuyện ít biết về thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định

Thời vàng son, có lúc số công nhân của nhà máy dệt Nam Định lên tới 1 vạn 8 ngàn người, bằng 1/10 dân số Thành Nam lúc bấy giờ, mỗi kỳ trả lương công nhân là giá cả trong thành phố lại một lần chao đảo….

Khu nhà truyền thống – Bảo tàng Dệt may được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ nơi ghi dấu những trang sử vàng son của nhà máy dệt Nam Định.

Khu nhà truyền thống – Bảo tàng Dệt may được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ nơi ghi dấu những trang sử vàng son của nhà máy dệt Nam Định.

Cái nôi của ngành dệt may Việt Nam

Nhà máy liên hợp dệt Nam Định, cái nôi của ngành dệt may Việt Nam dù sắp bị phá bỏ nhưng vẫn giữ trong mình những dấu ấn riêng biệt. Những khối nhà xưởng san sát, bóng dáng áo xanh của hàng trăm công nhân đang làm việc hay những căn biệt thự xây theo kiến trúc Pháp cổ gợi lên những ký ức về một thời vàng son của “Thành phố dệt”.

Từng được biết đến là nhà máy lớn nhất xứ Đông Dương, nhà máy liên hợp dệt Nam Định có tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan sáng lập ra. Đến năm 1898 Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước với sáu lò hơi đặt ngay tại trung tâm thành phố.

Tới năm 1924, nhà máy có 6.000 công nhân, cuối năm 1939 nhà máy đã có tới 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, một xưởng nhuộm, một xưởng chăn, một xưởng cơ khí và một xưởng động lực…

Vừa đội bom vừa dệt vải

Kể về thời kỳ khó khăn của nhà máy dệt, có lẽ không ai hiểu hơn những người công nhân trực tiếp làm việc tại nhà máy trong thời kỳ này. Ông Nguyễn Văn Sớm (78 tuổi) với truyền thống 4 đời làm công nhân trong nhà máy kể lại: “Năm 1954, Nhà nước giao cho chúng tôi về tiếp quản nhà máy và đổi tiên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, khi đó phần lớn máy móc trong phân xưởng đều bị giặc Pháp phá hoại, chỉ còn sót lại rất ít máy móc hoạt động được.”

Ông Nguyễn Văn Sớm (công nhân nhà máy dệt Nam Định) bồi hồi kể lại thời kỳ khó khăn của nhà máy khi vừa đánh giặc vừa sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sớm (công nhân nhà máy dệt Nam Định) bồi hồi kể lại thời kỳ khó khăn của nhà máy khi vừa đánh giặc vừa sản xuất.

Năm 1965, giặc Mỹ tiến hành Chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Nam Định là một trong những địa phương bị bắn phá ác liệt nhất. Nhiều phân xưởng vừa được phục hồi sản xuất chưa lâu nay lại tan hoang vì bom đạn của giặc Mỹ. Nhà máy phải chia thành nhiều đơn vị nhỏ đi sơ tán, chỉ còn lại một số ít ở lại vừa tiếp tục sản xuất vừa chiến đấu.

Năm 1977, nhà máy lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn do sự cấm vận của Mỹ. Không còn đủ nguyên liệu tơ, sợi, thuốc nhuộm, phụ tùng thay thế để sản xuất lụa, công nhân không có việc buộc phải nghỉ làm, số còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng hay đi chăn bò, nuôi lợn, trồng rau… Đời sống công nhân vô cùng khó khăn.

Mỗi kỳ trả lương là một lần giá cả chao đảo

Sau khi chiến tranh đi qua, nhà máy liên hợp dệt Nam Định bước vào thời kỳ ổn định sản xuất. Nhờ có những thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh sản xuất theo kiểu mới mà từ chỗ phải cho công nhân nghỉ việc, điều động công nhân đi trồng rau, chăn bò, nuôi lợn mà đến nay công nhân đứng máy 3 ca cũng không hết việc.

Ông Nguyễn Văn Miêng (Giám đốc Tổng công ty Cổ phần dệt may Nam Định) nhớ lại: “Có thời điểm đỉnh cao nhất, nhà máy dệt Nam Định tạo công ăn việc làm cho tới gần 18.000 người. Trung bình cứ 10 người dân Thành Nam thì có 1 người là công nhân của nhà máy dệt. Trong khuôn viên rộng 30ha của nhà máy thời ấy còn có cả trường mẫu giáo trông trẻ hoạt động 3 ca/ngày, trường tiểu học, cấp 2, cấp 3, trường dạy nghề, bệnh viện, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng cho công nhân. Giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Thậm chí mỗi khi đến kỳ trả lương cho công nhân là giá cả trong thành phố lại một lần chao đảo….”

Ông Nguyễn Văn Miêng (Giám đốc Tổng công ty Cổ phần dệt may Nam Định) nhớ lại thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định.

Ông Nguyễn Văn Miêng (Giám đốc Tổng công ty Cổ phần dệt may Nam Định) nhớ lại thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định.

Trải qua hơn 110 năm tồn tại và phát triển, đến nay việc tồn tại nhà máy liên hợp dệt Nam Định nằm giữa lòng thành phố không còn là điều thích hợp bởi bao quanh là khu dân cư đông đúc. Việc tồn tại một nhà máy, xí nghiệp giữa khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường và con người xung quanh.

Những khối nhà xưởng cũ, dấu ấn của “Thành phố dệt” một thời nay sắp sửa bị phá bỏ để xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định.

Những khối nhà xưởng cũ, dấu ấn của “Thành phố dệt” một thời nay sắp sửa bị phá bỏ để xây dựng thành Khu đô thị Dệt may Nam Định.

Chỉ vài năm tới, toàn bộ khu dệt may Nam Định sẽ được di dời ra khu công nghiệp Hòa Xá cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Kết thúc lịch sử huy hoàng hơn 100 năm gây dựng và phát triển của mình.

Xem thêm:
Huyền thoại nhà máy dệt ‘cứ trả lương là cả thành phố chao đảo’
Tạm biệt nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương
Nhà máy Dệt Nam Định viết tiếp trang sử mới
Kỷ vật thời chống pháp của nhà máy Dệt Nam Định

Theo Việt Linh (Dân Việt)


TOP