Nam Định : Đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người

Nam Định : Đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người

Mặc dù những tháng đầu năm nay các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc có liên quan đến tội phạm mua bán người nhưng trên thực tế loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Với phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu hiểu biết, kẻ gian sẽ dụ dỗ, lừa tìm việc làm có thu nhập cao, xuất khẩu lao động, du lịch; lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo làm quen, giả vờ yêu đương, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, cả tin, ham chơi… sau đó lừa bán vào các nhà hàng, nhà nghỉ trong nước hoặc bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm.

Lực lượng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) ban hành Kế hoạch số 11/KH-BCĐ, Kế hoạch số 90/KH-BCĐ triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các kế hoạch, chương trình phòng, chống mua bán người; tập trung phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tiến hành điều tra cơ bản, khảo sát số phụ nữ vắng mặt lâu ngày tại địa phương; đánh giá thực trạng tình hình tội phạm mua bán người; rà soát các nguyên nhân, điều kiện, phát hiện quy luật, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, chủ động phòng ngừa; xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm cần tập trung đấu tranh. Thống kê, rà soát các đối tượng đã có tiền án, tiền sự phạm tội mua bán người, đối tượng đang có biểu hiện nghi vấn phạm tội mua bán người để có biện pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Từ công tác điều tra cơ bản, Công an tỉnh xác định đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương lâu ngày, nghi bị mua bán chưa trở về; trong đó huyện Ý Yên có 1 trường hợp, thành phố Nam Định 3 trường hợp. Hiện các trường hợp này vẫn chưa xác định được địa chỉ cụ thể tại Trung Quốc nên đã lập danh sách báo cáo về Bộ Công an để có biện pháp xác minh, giải cứu nạn nhân. Qua kết quả điều tra, Công an tỉnh nhận định trên địa bàn tỉnh chưa có đối tượng, băng nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người; đồng thời không tiếp nhận được tin báo, đơn tố giác nào liên quan đến tội phạm mua bán người.

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người ở một số khu vực biên giới nước ta nói chung, từ tình hình thực tế của tỉnh nói riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tốt chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp từng đối tượng, địa bàn. Trong những tháng đầu năm 2021, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã duy trì hàng tháng các chuyên mục “An ninh – Trật tự”, “Pháp luật và đời sống”; thường xuyên đăng phát hơn 300 tin, bài, ảnh, phóng sự phản ánh gương người tốt, việc tốt, những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, vi phạm pháp luật. Ủy ban MTTQ tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, phong trào về an ninh trật tự mang lại hiệu quả như “An ninh trường học”, “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Camera an ninh”, “Giáo xứ, giáo họ không tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”, “Tổ cựu chiến binh vì dân”… gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới…

Đến nay, toàn tỉnh có 93% làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 83% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 48,4% khu dân cư 5 không, trong đó 31,74% khu dân cư đạt 2 năm liên tục là khu dân cư 5 không; 3.167/3.634 bằng 87% hương ước, quy ước được phê duyệt. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông, các đơn vị trong và ngoài lực lượng xây dựng hơn 250 tin, bài, ảnh kịp thời tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng, duy trì, nhân rộng 48 mô hình hoạt động hiệu quả; duy trì hoạt động 2 trang Fanpage “Phong trào Nam Định”, “Người Thành Nam” trên mạng facebook và tài khoản Official Account “Vì bình yên cuộc sống” trên mạng xã hội zalo. Trong những tháng đầu năm, các tài khoản này đã đăng tải 134 bài tuyên truyền về an ninh trật tự và các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an ninh tật tự. Công an tỉnh đã ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND 226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; in phát trên 250 nghìn tờ tuyên truyền về vận động nhân dân thực hiện công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức 6 hội nghị biểu dương, khen thưởng thành tích xuất sắc của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ bình yên cuộc sống. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các xã, thị trấn khu vực biên giới triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công, trấn ấp tội phạm, gọi hỏi răn đe đối tượng hình sự, đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tội phạm, đối tượng mãn hạn tù, đối tượng sau cai nghiện về địa bàn. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội tại huyện Vụ Bản cho hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ; xây dựng nhiều bài tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội. Các cấp, các ngành đã phối hợp xây dựng, củng cố, phát động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia các phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội…

Thời gian tới, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người; ưu tiên các nhóm nguy cơ cao. Các cơ quan báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở thường xuyên có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng; bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại, xử lý. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời theo quy định của pháp luật. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội./.

Tags:

TOP